Tọa đàm về công trình cha Phêrô Trần Lục. Bài 2: Đôi Lời Dẫn Nhập

Nghe bài này

DSChp_3597

Phát Diệm, ngày 15 tháng 07 năm 2013

ĐÔI LỜI DẪN NHẬP

“Phát Diệm, tức là cha Sáu.” Đó là lời nhận xét của Lyautey, nguyên soái và thành viên Hàn lâm viện Pháp, năm 1896, sau khi thăm Nhà thờ Phát Diệm về đã viết lại cảm tưởng của mình. Lời nhận xét của ông ngày càng được khẳng định bởi lịch sử hàng trăm năm và bởi chính quan niệm thân thương của người giáo dân Phát Diệm, rộng hơn là cả giáo dân Việt Nam.

Và còn hơn thế nữa, Lord Curzon, về sau làm Phó vương Ấn Độ, đã một lần phải ngạc nhiên trước cơ đồ kỳ diệu của cha Trần Lục. Trong bài phóng sự gởi báo National Observer, ông gọi cha Trần Lục là “một vị giáo hoàng nhỏ của Việt Nam” Còn Đức Hồng Y Etchégaray Chủ tịch Uỷ Ban Hoà Bình Công lý của Toà Thánh trong lần viếng thăm Phát Diệm năm 1989 đã thân thương gọi Phát Diệm là Vatican của Việt Nam!

Căn cứ vào đâu để các vị chính khách đánh giá về Cụ Sáu như vậy? Thiết tưởng các vị đó đã căn cứ trên những công trình của Cụ Sáu để lại bao gồm những công trình về giáo dục và nhất là kiến trúc.

Về mặt kiến trúc, công trình Nhà thờ Phát Diệm bao gồm 11 công trình lớn nhỏ: Từ Ao hồ, Phương đình, Nhà thờ Chính, bốn Nhà thờ cạnh, Nhà thờ đá dâng kính Trái Tim Vô nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ, ba hang đá nhân tạo. Tất cả đều hài hoà và mang đậm nét kiến trúc Á Đông. Trong phần kết luận của tập giới thiệu về “Nhà thờ Lớn Phát Diệm” do Toà Giám mục Phát Diệm xuất bản năm 2009 đã khẳng định: “Nhà thờ Phát Diệm, một quần thể kiến trúc Công Giáo độc đáo và đồ sộ bậc nhất tại Việt Nam, đồng thời cũng là một di sản văn hóa quý báu của dân tộc, xưa đã do Đức Tin và công sức của tổ tiên ông bà xây dựng” Và dĩ nhiên ai cũng hiểu Cụ Sáu chính là linh hồn của công trình này!

Giám mục Olichon, tác giả cuốn Le Père Six, curé de Phát Diệm, Vice-roi de l’Annam đã nhận định về công nghiệp Cụ Sáu như sau: “Trên những đầm sình lầy, Cụ Sáu không chỉ có dự định làm cho lúa mọc lên, mà ngài còn muốn cho mọc lên những lâu đài, những đại giáo đường nữa. Ngài đã thành công và các núi công sức đó ngày hôm nay làm cho du khách thán phục. Nếu từ ngữ “sáng tạo” được phép dùng cho các công trình của con người, thì ở đây đúng là phải sử dụng từ ngữ ấy. Trên những ao đầm sình lầy của Phát Diệm, Cụ Sáu không có gỗ, không có đá, không có gạch, không có cơ giới kiến trúc, không có kiến trúc sư mà Cụ Sáu chỉ có tre nứa, những bàn tay, trí tuệ và ý chí dẻo dai mà thôi…”

Tiếp theo là nhận xét của Lyautey: “Cụ Sáu đã có óc tưởng tượng tuyệt vời, đã hội tụ những gì Cụ đã biết, cho nên người ta thấy nghệ thuật Trung Hoa phối hợp với nghệ thuật Việt Nam trong cách chạm trổ và trang trí tỉ mỉ. Rồi kiểu Gôtích huy hoàng trên đầu các cây cột. Chúng tôi sửng sốt và kinh ngạc vì không có cái gì xấu, cũng không có cái gì chướng mắt. Cụ Sáu đã làm cho tất cả những cái ấy hài hòa. Quả thật là Cụ Sáu đã sáng tạo một mô hình của riêng Cụ…”

Tác giả Kim Ân trong bài viết: “NHÀ THỜ PHÁT DIỆM NƠI NIỀM TIN KITÔ GIÁO GẶP GỠ VĂN HOÁ VIỆT NAM.” Đã nhận xét: “Vậy là tâm huyết của cha Phêrô Trần Lục cùng với mồ hôi và lao nhọc của người xưa đã hoá thân thành cái đẹp nơi Nhà thờ lớn Phát Diệm, cái đẹp trầm tư mà lộng lẫy, nhẹ nhàng mà uy nghi, kín đáo mà trang nghiêm, uyển chuyển mà vững vàng, thanh cao mà gần gũi.”

Và còn đẹp hơn nữa trong nhận xét của Đức Cha Nguyễn Minh Nhật nguyên chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Hiền hoà trong nét trầm mặc của các tôn giáo Phương Đông mà diễn tả được Đức Tin nhập thế của Kitô giáo”.

Công đồng Vaticanô II, trong hiến chế Phụng Vụ, số 37 đã công bố: “Bất cứ những gì trong tập tục, không liên quan mật thiết với dị đoan và lầm lạc, đều được Giáo Hội mến phục với thiện cảm, và nếu có thể, còn được bảo tồn trọn vẹn. Hơn nữa, đôi khi những tập tục đó còn được Giáo Hội nhận vào trong phụng vụ, miễn sao hoà hợp với những nguyên tắc của tinh thần phụng vụ đích thực và chân chính.” Thật ngạc nhiên và cảm phục khi Cụ Sáu đã có những hội nhập văn hoá Tin Mừng, đem Đức tin vào nét kiến trúc văn hoá Á Đông. Cụ Sáu xứng đáng được gọi là người đi trước thời đại hàng thế kỷ, nói theo ngôn ngữ hiện đại.

Về mặt giáo dục, Cụ Sáu đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm rất được ưa chuộng, trong đó có ba tác phẩm phổ biến hơn, đó là: HIẾU TỰ CA, NỮ TẮC THƯỜNG LỄ, NỊCH ÁI VONG ÂN. Tất cả được gọi thân thương là CA VÈ CỤ SÁU.

Tủ sách Dũng Lạc giới thiệu: “Tác phẩm Hiếu Tự Ca rất nổi tiếng của Cụ Sáu Trần Lục, gồm 1088 câu thơ theo thể Vè, vẫn được gọi là Ca Vè Cụ Sáu. Đây là một hình thức giáo dục bình dân tuyệt vời, vì dân chúng trong vùng ai cũng thuộc, và đọc đi đọc lại thường xuyên trong mọi sinh hoạt đời thường đã khiến trở thành kim chỉ nam đời sống.”

NỮ TẮC THƯỜNG LỄ cũng là một tác phẩm dài gồm 1015 câu, tác giả giáo dục thiếu nữ hết sức tinh tế về mặt nhân bản và cung cách ứng xử trong gia đình. Mặc dù có những quan niệm phong kiến không còn phù hợp với thời đại dân chủ, nhưng tâm huyết của Cụ Sáu muốn giáo dục những thiếu nữ đoan trang đức hạnh thì sống mãi với thời gian.

NỊCH ÁI VONG ÂN là tác phẩm giáo dục thanh niên gồm 440 câu. Vẫn tâm hồn nhà giáo dục toát lên lương tâm và trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ. Từ những quan sát tinh tế đến những thực tế chứng minh. Cụ Sáu đã đưa ca vè trở thành một gia sư bình dân đồng cảm với mọi gia đình. Những tiêu chí cho chàng kết duyên với nàng mãi vẫn luôn là mực thước. Những chuẩn mực đạo đức đòi hỏi nơi người thiếu nữ thì không bao giờ thay đổi. Các bậc cha mẹ đã rất tâm đắc với Ca Vè Cụ Sáu:

“Tự nhiên cũng lắm thứ hoa

Coi xinh đẹp đẽ nhưng mà không thơm

Chớ bờm xơm rây vào mà chết

Lúc về nhà tính nết như ma

Làm cho cực khổ mẹ cha

Rầu rĩ trong nhà, mất nghĩa anh em”.

Những công trình về kiến trúc và giáo dục trên của Cụ Sáu trào lên những tâm tình biết ơn của bao thế hệ con cháu. Tưởng nhớ công ơn của Cụ và đón nhận được những ý niệm thâm trầm Cụ trao lại cho con cháu đã trở thành nghĩa vụ của những ai yêu mến Phát Diệm. Nhân ngày giỗ của Cha Phêrô Trần Lục (06/07/1899) và hiệp thông trong Năm Đức Tin, Toà Giám mục Phát Diệm tổ chức buổi toạ đàm về CÔNG TRÌNH CỤ SÁU để nhờ đó thế hệ hôm nay noi gương tiền nhân diễn tả đức tin theo văn hóa Việt Nam.

Nội dung được đề cập tới là

• Thân thế, sự nghiệp cha Phêrô Trần Lục.

• Đánh giá về công trình của Cụ Sáu nơi Đức Tin Kitô Giáo Hội nhập văn hoá Việt Nam.

Buổi toạ đàm cũng dành thời gian cho những cảm xúc của người giáo dân Phát Diệm bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với Cụ Sáu, người cha thân thương của Phát Diệm, cảm xúc này như những dư âm cần được luôn nối dài qua các thời đại.

Tuy nhiên, tất cả những gì thể hiện trong buổi toạ đàm này, chỉ là những nét chấm phá mở đường cho một Hội thảo có tính chuyên sâu do Đức Giám Mục giáo phận sẽ tổ chức vào thời điểm được coi là thích hợp nhất.

Nhưng cho dù có bao nhiêu chuyên đề và hội thảo khép lại thì Công trình Cụ Sáu vẫn là một công trình mở ra để đối thoại, hội nhập văn hoá Tin Mừng và in đậm dấu ấn của bản sắc văn hoá dân tộc.

Nhận thức trên đem đến một phương châm hành động, là luôn cần cập nhật những hội thảo chuyên đề về Công trình Cụ Sáu để tâm tình tri ân theo diễn đàn được mở rộng. Nếu thế thì buổi toạ đàm này là những nét khai phá cần thiết. Xin trân trọng giới thiệu những thuyết trình về nội dung buổi toạ đàm.

LM Phêrô Nguyễn Hồng Phúc

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS