Theo các hãng tin Công Giáo, ngày 16 tháng 7 vừa qua, Bộ Giáo Lý Đức Tin, cơ quan trung ương cao cấp nhất của Tòa Thánh phụ trách vấn đề giáo sĩ lạm dụng tình dục, đã công bố Cuốn Cẩm Nang (vademecum) hướng dẫn các Giám Mục và bề trên các dòng tu xử lý hữu hiệu các tố cáo giáo sĩ lạm dụng tình dục.
Gerard O’Connelly của Tạp chí America cho hay đây là một văn kiện dài 32 trang, gồm 164 điều chứa các qui tắc luật lệ cập nhật hơn cả và các thực hành tốt nhất mà các Giám Mục và bề trên các dòng tu nên tuân theo bất cứ khi nào các ngài nhận được một lời tố cáo giáo sĩ lạm dụng tình dục vị thành niên hay biết một lạm dụng như thế.
Nhân dịp công bố văn kiện, Đức Hồng Y Luis Ladaria, bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, cho biết văn kiện được soạn thảo với nhiều đóng góp của các Giáo Hội địa phương và sẽ được cập nhật hóa. Đức Hồng Y gọi đây là “ấn bản :1.0” vì thánh bộ dự liệu sẽ cập nhật hóa nó theo định kỳ khi có những thay đổi quan trọng.
O’Connell cho biết thêm: văn kiện này là một kết quả của các cuộc thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2 năm 2019 tại Tòa Thánh gồm chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục thế giới bàn về việc bảo vệ các vị thành niên trong Giáo Hội.
Văn kiện liên tục tham chiếu Bộ giáo luật hiện thời, tự sắc Sacramentorum Sanctitatis Tutela của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 2001, vốn được Đức Bênêđíctô XVI cập nhật năm 2010, cũng như tự sắc gần đây Vos estis lux mundi của Đức Phanxicô năm 2019.
Cũng theo O’Connell, Cẩm Nang này mất đến 1 năm rưỡi kể từ ngày kết thúc Hội Nghị Thượng Đỉnh nói trên mới hoàn thành. Phần lớn vì sự kình chống mạnh mẽ nội bộ do vấn đề cần loại bỏ bí mật Giáo Hoàng khỏi các vụ liên quan đến lạm dụng tình dục như chính Hội Nghị Thượng Đỉnh yêu cầu.
Đức Phanxicô phải đích thân can thiệp, qua đó, ngày 17 tháng 12 năm ngoái, ngài banh hành các qui định mới về bí mật Giáo Hoàng liên quan tới “các vụ có hành vi xấu về tình dục” (không những chỉ đối với các vị thành niên mà cả những “người lớn dễ bị tổn thương” nữa). Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, một người vận động mạnh mẽ cho việc thay đổi này, đã mô tả quyết định hồi đó của Đức Phanxicô là “một thay đổi trọng yếu hướng tới sự minh bạch” và là “một trong các thành quả chính của hội nghị thượng đỉnh”.
Đồng thời Đức Phanxicô cũng đã cập nhật định nghĩa về nền văn hóa khiêu dâm trẻ em để bao gồm những người 18 tuổi.
Với những quyết định trên của Đức Phanxicô, Cẩm Nang đã có thể được hoàn thành. Tuy nhiên, cần thêm 7 tháng nữa, Bộ Giáo Lý Đức Tin mới hoàn tất bản văn với sự tham khảo với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
Các thách đố chính
Loan tin về việc công bố Cẩm Nang, cả trang mạng CatholicCulture lẫn Vatican News đều lưu ý tới các thách đố chính của nó.
Tuy không thiết lập bất cứ qui định giáo luật nào mới, nhưng Cẩm Nang cung cấp câu trả lời cho các câu hỏi về việc các Giám Mục nên giải đáp các tố cáo ra sao. Bởi thế tuy gọi nó là Cẩm Nang, Đức Hồng Y Ladaria cho hay có thể coi nó như một “thủ bản giáo khoa” (instructional manual) và không ít người gọi nó là “những câu hỏi hay được hỏi nhất”. Nó không phải là bản văn luật pháp, chỉ là một dụng cụ giúp các vị bản quyền và các chuyên viên luật pháp cần áp dụng các qui định luật pháp vào các trường hợp có thật liên quan tới delicta graviora (tội phạm nặng nề hơn).
CatholicCulture nhận ra 4 thách đố chính của Cẩm Nang: Tôn trọng quyền lợi các cá nhân; kiểm chứng cẩn thận; truyền thông; hợp tác giữa Giáo Hội và nhà nước. Vatican News cũng nhận ra các thách đố này, nhưng thêm thách đố: tránh không di chuyển các giáo sĩ liên hệ.
Tôn trọng quyền lợi các cá nhân: Bộ Giáo Lý Đức Tin khuyên các Giám Mục “bảo đảm để các người cho rằng mình là nạn nhân và gia đình họ được đối xử xứng đáng và tôn trọng”. Việc đối xử tôn trọng này phải được biểu lộ ngay lập tức với người khiếu nại, chứ không phải chỉ trong các vụ có đầy đủ bằng chứng để hỗ trợ lời tố cáo. Đồng thời Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng nhắc nhở các Giám Mục rằng các giáo sĩ bị tố cáo có quyền tự bào chữa, cho dù “việc phạm tội đã hiển nhiên rõ ràng”. Trong số các quyền này, Cẩm Nang nói rõ: họ có “quyền thỉnh nguyện được miễn trừ các nghĩa vụ liên kết với bậc giáo sĩ…” kể cả việc độc thân.
Kiểm chứng cẩn thận: Mọi báo cáo và lời tố cáo phải được điều tra thấu đáo. Cho dù không có lời khiếu nại chính thức nào được đệ nạp, bất cứ báo cáo nào cũng phải được kiểm chứng cẩn thận để xác định xem liệu việc lạm dụng có xẩy ra hay không. Các giáo phận được yêu cầu lưu ý tới các khiếu nại nặc danh và các lời đồn đại trên internet. Tuy nhiên, Cẩm Nang nhấn mạnh: không được vi phạm ấn tín toà giải tội.
Vấn đề truyền thông: Trong khi đang điều tra, các viên chức giáo phận không được phổ biến bất cứ tin tức bí mật nào. Nhất là ở các giai đoạn điều tra ban đầu, khi chưa rõ liệu có xẩy ra việc lạm dụng hay không, các viên chức Giáo Hội không được công bố các lời tố cáo. Tuy nhiên, cả những người cho mình là nạn nhân lẫn các nhân chứng đều không buộc phải giữ im lặng. Cẩm Nang khuyên các Giám Mục phải thận trọng về việc cho công bố các tài liệu tạo ra trong lúc điều tra, hoặc do bên thứ ba hay do lệnh tư pháp.
Hợp tác giữa Giáo Hội và nhà nước: Cẩm Nang yêu cầu các Giám Mục hợp tác với các nhà cầm quyền công cộng trong việc chấp pháp luât lệ dân sự và cho hay “ngay trong các trường hợp không có nghĩa vụ luật pháp minh nhiên phải làm vậy, các thẩm quyền Giáo Hội nên tường trình cho các nhà cầm quyền công cộng có năng quyền nếu điều này được coi là cần thiết để che chở người liên hệ hay các vị thành niên khác khỏi nguy cơ bị các hành vi tội ác thêm”.
Tránh thuyên chuyển các giáo sĩ liên hệ: Vatican News lưu ý tới một số khía cạnh khác. Đầu tiên là biện pháp đề phòng (precautionary measures). Chúng không phải là hình phạt, mà đúng hơn là hành vi hành chánh áp đặt lúc khởi đầu cuộc điều tra sơ bộ để bảo vệ tiếng thơm của các người liên hệ và công ích, tránh xì-căng-đan, che đậy bằng chứng, hoặc việc các người được coi là nạn nhân bị đe dọa. Một khi lý do đưa ra các biện pháp này không còn nữa hay diễn trình đã kết thúc, các biện pháp này phải được thu hồi. Tuy nhiên, Cẩm Nang khuyên nên “khôn ngoan và biện phân” trong lãnh vực này.
Thứ đến là việc sử dụng thuật ngữ “suspensio a divinis” (huyền chức) để chỉ việc không được thi hành thừa tác vụ linh mục, đặt để như một biện pháp đề phòng. Cẩm Nang đề nghị nên tránh dùng thuật ngữ này trong giai đoạn điều tra sơ khởi vì một hình phạt như thế “chưa thể áp dụng vào giai đoạn này”. Thay vào đó, chỉ nên dùng kiểu nói “không được thi hành thừa tác vụ”. Trong giai đoạn này, nên tránh việc thuyên chuyển linh mục liên hệ.
Bài phát biểu của Đức Hồng Y Ladaria
Sau đây là nguyên văn bài phát biểu của Đức Hồng Y Luis F. Ladaria, S.J., Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin lúc giới thiệu Văn kiện:
“Cẩm nang về một số điểm thủ tục trong việc xử lý các vụ lạm dụng tình dục vị thành niên bởi các giáo sĩ” là kết quả của nhiều lời yêu cầu của các Giám Mục, Bản quyền, Bề trên các Viện Đời sống Thánh hiến và Các Hội Đời sống Tông đồ gửi tới Bộ Giáo Lý Đức Tin, để các vị có trong tay một dụng cụ có thể giúp các vị trong nhiệm vụ tế nhị là tiến hành chính xác các trường hợp liên quan tới các phó tế, linh mục và Giám Mục khi các vị bị tố cáo lạm dụng tình dục các vị thành niên. Lịch sử gần đây chứng thực một cách đầy lưu tâm phần của Giáo Hội liên quan đến tại họa này. Một mình con đường công lý không thể làm cạn kiệt đáp ứng của Giáo Hội, nhưng nó cần thiết ngõ hầu có thể đạt tới sự thật về sự kiện. Đây là một nẻo đường phức tạp dẫn đến cả một khu rừng rậm gồm nhiều qui tắc và thủ tục mà các vị bản quyền và các Bề trên đôi khi phải đối diện đến nỗi không biết chắc phải tiến hành ra sao.
Do đó, Cuốn Cẩm Nang chủ yếu được viết cho các vị, cũng như cho các chuyên viên luật lệ là những người giúp các cị xử lý các trường hợp. Đây không phải là một bản văn qui phạm. Không luật lệ mới nào được công bố, cũng không qui tắc mới nào được ban hành. Thay vào đó, nó là “một thủ bản giáo khoa” với ý hướng giúp bất cứ ai phải xử lý với các trường hợp cụ thể từ lúc bắt đầu cho tới lúc kết thúc, từ thông tri đầu tiên về một tội khả hữu (notitia de delicto) cho tới khi kết luận dứt khoát trường hợp này (res iudicata). Giữa hai mốc điểm này là các khoảng thời gian phải được tuân giữ, các biện pháp phải hoàn tất, truyền thông phải thực hiện, các quyết định phải đưa ra.
Lời yêu cầu cung ứng dụng cụ này đã được đưa ra trong Phiên họp hoàn cầu Các Chủ Tịch Các Hội Đồng Giám Mục về Việc Bảo Vệ Các Vị Thành Niên Trong Giáo Hội (21-24 Tháng 2, năm 2019). Dịp ấy, Đức Thánh Cha cung cấp 21 Điểm Để Suy Nghĩ nhằm hướng dẫn công việc. Điểm thứ nhất trong số này cho hay: phải “soạn thảo một cẩm nang thực dụng cho thấy những bước các vị hữu trách phải theo vào các thời điểm chủ chốt khi diễn ra một trường hợp”. Đề nghị này đã được các tham dự viên chọn lựa và tái xác nhận. Do đó, trong phiên họp báo sau cùng, việc soạn thảo bản văn đã được lồng vào các đề nghị cụ thể cần được thực thi.
Các nguồn của bản văn này vừa có tính pháp lý vừa có tính thực tiễn. Trên bình diện pháp lý, các tham chiếu chính là Bộ Giáo Luật hiện hành, Các Qui Tắc Trọng Yếu và các qui tắc thủ tục liên quan đến các tội phạm dành riêng cho Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố bởi tự sắc Sacramentorum Sanctitatis Tutela (2001, được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cập nhật năm 2010), và tự sắc gần đây Vos estis lux mundi (2019).
Bên cạnh các bản văn qui phạm trên là một nguồn nữa đối với Cẩm Nang: công trình thực hiện của Bộ Giáo Lý Đức Tin, chín mùi trong thời gian, nhất là từ năm 2001, trong đó, các qui tắc đầu tiên xuất hiện chuyên biệt dành cho các tội phạm nghiêm trọng hơn. Bộ Giáo Lý Đức Tin lợi dụng sự đóng góp của nhiều luật gia Giáo Hội, cả bên trong lẫn bên ngoài Bộ, của các tòa án địa phương và giáo phận, những cơ quan, trong nhiều năm qua, đã tiến hành nhiều cuộc điều tra và diễn trình do ủy nhiệm của Bộ. Ở thời điểm này, công trình thực hiện này đã được củng cố và chín mùi.
Ấn bản Cẩm Nang này, được gọi là ấn bản “1.0”, nay được công bố, con số này hàm nghĩa sẽ có nhiều cập nhật trong tương lai. Là một “thủ bản”, nó cần tuân theo các phát triển có thể có của các điều qui định trong giáo luật, và do đó, cần được thích nghi. Nó cũng cần đáp ứng các thách đố mới mà kinh nghiệm sẽ cung cấp cho việc xử lý pháp chế các trường hợp cần bàn. Sau cùng, nó cần trân trọng các xem xét phát xuất từ các thực tại Giáo Hội đa dạng: các giáo phận, các viện, các phân khoa Giáo Hội, các trung tâm chào đón thiết lập ở cấp giáo phận và liên giáo phận. Các đóng góp có phẩm chất của họ sẽ giúp tu chính, tổng hợp, chuyên biệt hóa và minh xác các điểm cần được suy nghĩ sâu xa hơn, một điều vốn rất tự nhiên.
Vũ Văn An