Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, nhận xét cay đắng rằng “Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thánh Gioan Phaolô II, chúng ta đang chứng kiến những vụ tấn công chưa từng có vào bản thân ngài” sau khi báo cáo về McCarrick được đưa ra.
Những kẻ tấn công vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan là những ai? Dẫn đầu là những cựu đảng viên cộng sản Ba Lan và con cháu họ, là những kẻ đang muốn cân bằng tỷ số với vị Giáo Hoàng đã lật đổ cái chế độ trong đó họ được ăn trên ngồi chốc. Kế đến là những kẻ ủng hộ phá thai đang tấn công bạo lực vào các nhà thờ tại Ba Lan. Tuy nhiên, cũng không thiếu những người Công Giáo và cả các linh mục. Có người thì vì vô tri nên bất mộ. Cũng có kẻ hữu tri nhưng nhân chuyến này muốn cân bằng tỷ số với ngài. Linh Mục Thomas Reese, Dòng Tên, cựu chủ bút tập san America, là một thí dụ.
Ngày 19 tháng 11, 2020, ngài cựu chủ bút đã có bài viết tựa là “It was a mistake to canonize Saint John Paul II so quickly”, nghĩa là “Thật là một lỗi lầm khi tuyên thánh quá nhanh cho Thánh Gioan Phaolô II”. Vị linh mục này viết rằng “Phúc trình gần đây chi tiết hóa đáp ứng của Vatican đối với tai tiếng quanh cựu Hồng Y Theodore McCarrick cho thấy tại sao là một lỗi lầm khi phong thánh cho các vị giáo hoàng (hay bất cứ ai) một cách nhanh chóng sau khi họ qua đời”.
Thomas Reese làm chủ bút tờ American Magazine trong 7 năm từ 1998 đến 2005. Trong suốt 5 năm cuối cùng, ông liên tục bị Bộ Giáo Lý Đức Tin dưới thời Đức Gioan Phaolô II chỉ trích vì lập trường cấp tiến của ông trong các vấn đề như hô hào sử dụng bao cao su để ngăn ngừa HIV/AIDS, cổ vũ chủ thuyết đa nguyên tôn giáo, ủng hộ các linh mục đồng tính luyến ái, đòi bãi bỏ luật độc thân linh mục, và cho các chính trị gia Công Giáo phò phá thai được rước lễ. Dưới các áp lực càng lúc càng gia tăng của Bộ Giáo Lý Đức Tin, ông bị mất chức chủ bút tập san America vào tháng 5, năm 2005.
Trước trào lưu hiện nay, Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vừa có một bài đăng trên tờ First Things hôm 9 tháng 12, có tựa đề “Those Who Question the Sanctity of John Paul II Don’t Know What They’re Talking About”, nghĩa là “Những Ai Đặt Vấn Đề Về Sự Thánh Thiện Của Đức Gioan Phaolô Ii Không Biết Họ Đang Nói Gì”.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Those Who Question the Sanctity of John Paul II Don’t Know What They’re Talking About
By George Weigel
Những Ai Đặt Vấn Đề Về Sự Thánh Thiện Của Đức Gioan Phaolô Ii Không Biết Họ Đang Nói Gì.
Từ năm 1991 đến năm 2005, Đức Hồng Y Camillo Ruini là Giám Quản Giáo phận Rôma, tức là vị thay mặt Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải quyết các công việc hàng ngày của giáo phận nơi, đương nhiên, vị giáo hoàng là giám mục. Đức Hồng Y Ruini là một Hồng Y Giám quản rất sáng tạo, là người đã tiếp thêm năng lượng cho Giáo phận Rôma trong công cuộc Tân Phúc âm hóa – một khái niệm mà ngài nắm bắt có lẽ tốt hơn bất kỳ vị giám mục người Ý nào khác. Với tư cách là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, ngài cam kết thực hiện chương trình “mở rộng sông Tiber” của Đức Gioan Phaolô II: nghĩa là, đưa Giáo Hội tại Ý thoát khỏi những vướng mắc theo thông lệ với nền chính trị đảng phái của Ý và dấn thân vào việc đưa ra các chứng tá đạo đức Công Giáo và chuyển đổi nền văn hóa theo tinh thần Kitô. Năm 2005, nếu Hồng Y đoàn quyết định bầu một người Ý vào sứ vụ giáo hoàng, thì Hồng Y Ruini hẳn đã là một lựa chọn tuyệt vời.
Lần cuối tôi nói chuyện với vị Hồng Y là vào tháng 10 năm 2019. Một vài tháng trước sinh nhật lần thứ 89 của ngài, ngài vẫn như mọi khi, sắc sảo, sâu sắc, thẳng thắn, hài hước và hiểu rõ về tình hình Công Giáo trên khắp thế giới. Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi Đức Hồng Y Ruini đã đăng các bài của mình trên tờ Il Foglio vào tháng trước để bênh vực triều giáo hoàng và sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II, điều đó chứng tỏ rằng ngài đã không mất đi chút khí lực nào trong 13 tháng kể từ khi chúng tôi gặp nhau. Những phản ứng của ngài đối với các cuộc tấn công khác nhau về tính cách và năng lực của Đức Gioan Phaolô II kể từ khi báo cáo McCarrick được công bố đáng được ghi lại cho các độc giả nói tiếng Anh.
Tại sao án tuyên chân phước và tuyên thánh cho Đức Gioan Phaolô II bắt đầu ngay lập tức? Bởi vì, theo giải thích của Đức Hồng Y Ruini, hơn 80 vị Hồng Y đã ký đơn thỉnh cầu vị “Giáo hoàng tương lai” ngay trước mật nghị bầu Giáo Hoàng năm 2005, rằng bất cứ ai được bầu làm giáo hoàng phải bỏ qua thời gian chờ đợi 5 năm bình thường trước khi bắt đầu một án tuyên thánh. Bản kiến nghị được giao cho Đức Hồng Y Ruini, và Đức Bênêđíctô XVI mới được bầu “ngay lập tức” đồng ý với yêu cầu khi vị Hồng Y, với tư cách là Giám Quản của Giáo phận Rôma, trình bày với ngài trong buổi tiếp kiến đầu tiên của hai vị.
Tại sao án tuyên thánh lại tiến triển nhanh chóng như vậy? Quá trình này diễn ra “với tính thường xuyên tuyệt đối, tuân thủ tất cả các quy định”. Hơn nữa, các báo cáo về các phép lạ— “và những phép lạ này kỳ diệu biết bao!” — đang đổ vào Tòa Giám Quản Rôma ngay cả trước khi tiến trình này bắt đầu. Chẳng lẽ người ta không thấy được ngón tay của Chúa trong tiến trình này sao?
Đức Hồng Y đã nói gì khi sự thánh thiện của Đức Gioan Phaolô II bị đặt thành vấn đề? Thưa, ngài nói rằng những người đưa ra các cáo buộc này “bị mù quáng bởi những định kiến và họ không biết họ đang nói cái gì”. Vị Hồng Y tiếp tục đề cập đến sự ‘tiếp xúc gần gũi’ của ngài với Đức Giáo Hoàng Ba Lan hơn hai thập kỷ và ngài bị “đánh động đến mức nào ngay từ đầu trước thái độ nhiệt thành cầu nguyện của vị giáo hoàng: ngài đắm mình trong những lời cầu nguyện… hoàn toàn đến mức không có gì xảy ra xung quanh khiến ngài phân tâm”.
Có phải Đức Gioan Phaolô II là một người quản lý lơ đãng không quan tâm đầy đủ đến việc điều hành Giáo Hội không? Không phải như thế, Đức Hồng Y đại diện lâu năm của ngài khẳng định. “Ngài đã cẩn thận chọn những cộng tác viên thân thiết nhất của mình” và sau đó đặt niềm tin vào họ. “Đồng thời, ngài có ý thức rất cao về trách nhiệm và sứ mệnh của mình, đồng thời hiểu rõ bản chất của sứ vụ chăn dắt [toàn thể đoàn chiên Chúa]. Bất kỳ lời buộc tội nào về phong cách chăn dắt của Đức Gioan Phaolô II đều là ‘hời hợt’, đều là ‘sai lầm và quá sức bất công’: vì không có gì trong phong cách sống hay điều hành của ngài là hời hợt”.
Đức Gioan Phaolô II có nao núng trước những lời hoa mỹ và thái độ xem ra đầy quyền thế của Theodore McCarrick không? “Khi nghĩ rằng McCarrick, hoặc thậm chí những người còn quan trọng hơn ông ta, có thể đe dọa Đức Gioan Phaolô II thì đơn giản là chuyện nực cười. Đức Gioan Phaolô II không sợ bất cứ ai trên trái đất này. Trong những lựa chọn của mình, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt mình trước mặt Chúa và đưa ra quyết định không chỉ theo lương tâm mà còn là trước sự hiện diện của Chúa. Tất cả điều này không có nghĩa là quyết định này hay quyết định khác không thể sai lầm”. (Như các quyết định liên quan đến chuyển McCarrick về Washington và tấn phong Hồng Y cho ông ta) Nhưng nó có nghĩa là Đức Gioan Phaolô chưa bao giờ “xem nhẹ” các quyết định của ngài.
Sao Giáo hội không chờ đợi lâu hơn trước khi phong thánh cho các giáo hoàng? Đức Hồng Y Ruini trong phần kết luận cho rằng khi cân nhắc về sự thánh thiện, các giáo hoàng nên được xem xét “càng nhiều càng tốt như mọi thành viên khác của Giáo hội, không có ưu đãi và không có miễn trừ nào”.
Khi làm quen với Đức Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Ruini đã “kinh ngạc trước khả năng tha thứ phi thường của ngài”. Nếu cuộc sống tại Ngai Thiên Chúa Đầy Ân Sủng là sự viên mãn của các nhân đức được thể hiện trong cuộc sống này, thì Thánh Gioan Phaolô II đã tha thứ cho những kẻ gần đây gièm pha ngài: những kẻ theo các ý thức hệ cũ muốn cân bằng tỷ số với ngài, và những người đồng ý với nhân vật Marple của Agatha Christie rằng cả ma thuật và tội ác đều có thể xảy ra khi có thể khiến mọi người nhìn sai hướng để họ không thấy điều gì đang thực sự xảy ra. Biết được sự tha thứ của ngài, có thể những kẻ gièm pha Đức Gioan-Phaolô II cũng sẽ cảm động mà có một tinh thần rộng lượng tương tự. Tôi nghi ngờ điều đó. Nhưng chúng ta có thể hy vọng.