Các nghị quyết của cả Thượng viện và Hạ viện đều được đa số chấp thuận, ca ngợi thành tích của vị Hồng y đã lãnh đạo Giáo hội Ba Lan vào giai đoạn đàn áp cao điểm của cộng sản.
Hạ viện Ba Lan ca ngợi Đức Hồng y bảo vệ nền độc lập của Giáo hội Ba Lan
Nghị quyết của Hạ viện Ba Lan nhận định: “Trong hoạt động linh mục, vị Giáo chủ của Thiên niên kỷ đã chú ý đến phẩm giá nội tại của con người, nguồn gốc mọi nhân quyền.”
Đức Hồng y Wyszyński được biết đến như “Giáo chủ của Thiên niên kỷ” vì là Giáo chủ của Ba Lan, giám sát một chương trình chuẩn bị kéo dài 9 năm với đỉnh điểm là lễ kỷ niệm toàn quốc 1.000 năm Ba Lan nhận phép rửa tội, vào năm 1966.
Nghị quyết của Hạ viện cũng ca ngợi Đức Hồng y đã mạnh mẽ bảo vệ nền độc lập của Giáo hội dưới chế độ cộng sản. Nó ám chỉ đến lá thư năm 1953 của ngài gửi cho nhà lãnh đạo cộng sản Ba Lan Bolesław Bierut, trong đó ngài từ chối đặt Giáo hội phục tùng chính quyền, khi tuyên bố: “Non Possumus!” – “Chúng tôi không thể”. Đức Hồng y bị bắt giam vào cuối năm đó.
Thượng viện Ba Lan: Đức Hồng y Wyszyński là một trong những người Ba Lan vĩ đại nhất của thế kỷ XX
Trong nghị quyết của mình, Thượng viện Ba Lan mô tả Đức Hồng y Wyszyński là một trong những người Ba Lan vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Nghị quyết viết: “Không thể mô tả chính xác công lao và vai trò của Giáo chủ Stefan Wyszyński trong những năm đó đối với Ba Lan và Giáo hội. Ngài và Đức Gioan-Phaolô II đã cùng nhau là những người thầy vĩ đại của dân tộc và đã hỗ trợ người Ba Lan trong những thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử quê hương chúng ta.”
Nghị quyết nói tiếp: “Đức Hồng y đã theo dõi số phận của Giáo hội Ba Lan trong những năm đen tối nhất của chủ nghĩa Stalin với sự quan tâm đặc biệt. Vì thái độ kiên định của ngài đối với nhà cầm quyền cộng sản, vì sự phản đối việc hủy hoại đời sống xã hội và Giáo hội – được thể hiện bằng câu nói nổi tiếng “Chúng tôi không thể”- ngài đã bị giam tù vài năm.”
Hoạt động của Đức Hồng y Wyszyński
Ngày 3/8 năm nay kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Đức Hồng y Wyszyński. Trước chiến tranh ngài tham gia vào các hoạt động giáo dục và xã hội của các Liên đoàn Công giáo và tổ chức Liên đoàn Công nhân Trẻ. Trong chiến tranh, ngài trở thành thành viên của phong trao kháng chiến ngầm của Ba Lan, làm tuyên úy của một bệnh viện cho quân nổi dậy ở Laski, gần Vác-sa-va. Năm 1946 Đức Pio XII bổ nhiệm ngài làm giám mục Lublin và hai năm sau, làm tổng giám mục Gbiezno và Vác-sa-va. Ngài làm Giáo chủ Ba Lan cho đến khi qua đời tại Vác-sa-va ngày 28/5/1981, vài tháng sau khi thành lập liên đoàn Liên đới, tổ chức đã góp phần vào sự sụp đổ của cộng sản Ba Lan vào năm 1989.
Án phong chân phước
Án phong chân phước cho Đức Hồng y được bắt đầu vào năm 1989. Ngày 4/10/2019 Vatican đã nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của Đức Hồng y. Lễ tuyên phong chân phước cho ngài được dự định vào ngày 7/6 năm ngoái nhưng do đại dịch, đã phải hoãn lại.
Hồng Thủy – Vatican News