Pakistan có Một Đầy tớ Chúa đầu tiên: Chàng Thanh Niên Akash Bashir

Nghe bài này

Akash Bashir, một giáo dân và là cựu học viên của Học viện Kỹ thuật Don Bosco ở Lahore, đã trở thành một người tử vì đạo khi cố gắng ngăn chặn một kẻ đánh bom liều chết, muốn xông vào một nhà thờ đông nghẹt tín hữu đang cử hành thánh lễ Chúa nhật vào năm 2015.

(Tin Vatican – Robin Gomes)

Giáo Hội Công Giáo Pakistan mới có một ứng cử viên chính thức đầu tiên trong tiến trình phong thánh và tử đạo, em là một nạn nhân trẻ của một vụ đánh bom cảm tử, người đã can đảm ngăn chặn một vụ thảm sát lớn lao!

Thông tấn xã UCA đưa tin: Vào ngày lễ Thánh Gioan Bosco hôm thứ Hai (31/1/2022), Đức Tổng Giám Mục Sebastian Shaw của Lahore, đã thông báo Tòa thánh Vatican đã phê nhận nguyên nhân tử đạo của em Akash Bashir. Danh hiệu ‘Tôi tớ Chúa’ được trao tặng cho em như một ứng viên trong tiến trình phong thánh ở cấp giáo phận.

Người Công Giáo Pakistan đã bắt đầu cầu nguyện xin Tôi tớ Chúa đầu tiên và vị tử đạo của một quốc gia Hồi giáo đông đảo này.

“Đây là một ngày tuyệt vời đối với Giáo Hội Công Giáo ở Pakistan. Em ấy đã hy sinh mạng sống mình để cứu mạng của cả một cộng đồng Công Giáo tại Nhà thờ thánh Gioan ở Youhanabad, Lahore. Cha Francis Gulzar, Tổng đại diện của tổng giáo phận cho biết “Em ấy là một tín hữu Pakistan đầu tiên được nâng lên hàng Tôi tớ Chúa.”

Akash, Tôi tớ Chúa sinh chào đời ngày 22 tháng 6 năm 1994 tại Risalpur, Nowshera, tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa, Em bị giết khi mới 20 tuổi.

Tấn công khủng bố

Vào ngày 15 tháng 3 năm 2015, hai kẻ đánh bom cảm tử đã tự nổ bom gần Nhà thờ Công Giáo thánh Gioan và Nhà thờ Chúa Kitô gần đó ở khu phố Youhanabad nơi có đông người theo đạo Thiên chúa ở Lahore, khi các tín hữu tập trung bên trong nhà thờ để cử hành thánh lễ Chủ nhật Mùa Chay.

Các cuộc tấn công do nhóm khủng bố mang danh Tehreek-e-Taliban Pakistan Jamaatul Ahrar (TTP-JA) đã khiến 17 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương.

Akash, một cựu học sinh của Học viện Kỹ thuật Don Bosco, em từng là nhân viên bảo vệ tình nguyện, đã ngăn chặn một kẻ đánh bom cảm tử muốn xông vào Nhà thờ thánh Gioan.

Em đã khẳng khái nói với kẻ nổ bom tự sát: “Tôi sẽ chết nhưng tôi sẽ không để bạn vào,” là lời của em Akash khi em đối diện với tên khủng bố bó đầy chất nổ. Kẻ tấn công đã kích nổ bom và tự sát, Bashir và 2 người khác bên ngoài nhà thờ đã cứu được cả 1.000 tín hữu đang ở trong nhà thờ. Đây là một cuộc tàn sát có quy mô lớn.

Sự gần gũi của Đức Thánh Cha với những người theo đạo Thiên chúa ở Pakistan

ĐTC Phanxicô đã nhanh chóng lên tiếng tố giác các vụ tấn công khủng bố. ĐTC chia sẻ trong buổi đọc kinh “Truyền TIn” trưa hôm đó rằng: “Anh chị em thân mến, với một tâm trạng buồn sầu, cha được biết hôm nay đã xảy ra các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào hai nhà thờ trong thành phố Lahore, Pakistan, khiến nhiều người chết và bị thương! Họ là những tín hữu đang bị bách hại. Anh chị em của chúng ta đang đổ máu chỉ vì họ là các tín hữu của Chúa. Cha hiệp thông với các nạn nhân và gia đình của họ trong tâm tình cầu nguyện của cha, cha cầu xin Chúa, nguồn của mọi sự thiện hảo, là Chúa của hòa bình phù hộ cho đất nước của chúng con; mau chấm dứt các cuộc bách hại Kitô hữu, hầu mọi người có thể sống chung hòa bình”.

Khoảng 40 người Công Giáo đã bị bắt sau vụ hai người Hồi giáo bị nghi ngờ có liên quan đến các vụ tấn công.

Gia đình của Akash

Ba của Akash, Bashir Emmanuel, cho biết ông không biết gì về diễn biến mới liên quan đến con mình. “Một trong những người con của tôi đã báo cho tôi hay có một thánh lễ đặc biệt tại nhà thờ.” “Akash tượng trưng cho sức mạnh của đức tin Công Giáo ở đất nước chúng tôi. Tôi cầu xin cho tiến trình phong thánh cho Akash được mọi sự trôi chảy.”

Thông tấn xã UCA đăng tải một bản tin được đăng trên Facebook cho hay: Đức Tổng Giám Mục Lawrence Saldanha của Lahore đã chúc mừng cộng đoàn. Ngài nói: “Khi có nhiều tin buồn, thì tin này thật là một tin vui. Akash là một gương mẫu tuyệt vời của một vị tử đạo hiện đại. Cầu mong em sẽ truyền cảm hứng và khuyến khích tất cả những người trẻ sống nhiệt thành.”

Tiến trình phong thánh

Nguyên nhân việc phong thánh là một tiến trình lâu dài kéo dài nhiều năm. Việc ghi chép lại cuộc đời và các đức tính của một ứng viên hay một người tử vì đạo không thể bắt đầu cho đến 5 năm sau khi người ấy qua đời. Tuy nhiên, ĐTC có thể châm chước thời gian này, như trường hợp của Mẹ Teresa và thánh Giáo hoàng John Paul II.

Sau 5 năm chờ đợi, giám mục của giáo phận nơi cá nhân đã sống sẽ đề đạt thỉnh nguyện lên Tòa Thánh xin được bắt đầu tiến trình phong thánh. Nếu Tòa Thánh Vatican chấp nhận, cụ thể là Bộ Giáo lý Đức tin, thì sự cho phép, hay còn gọi là nihil obsat (“không có gì sai trái”), sẽ được thông báo cho giám mục sở tại khởi xướng.

Hãng thông tấn xã Salêdiêng ANS đưa tin rằng Bộ Phong thánh tại Vatican vào ngày 9 tháng 11 năm 2021 đã ủy quyền cho Tổng giáo phận Lahore học hỏi nguyên nhân dẫn đến cuộc tử đạo của Akash.

Trong giai đoạn cấp giáo phận này, ứng viên được phong tước hiệu ‘Tôi tớ Chúa’, đó là trường hợp của Akash. Giai đoạn này bao gồm việc thu thập bằng chứng về cuộc sống và các đức tính của Người Tôi Tớ Chúa. Ngoài ra, các bài viết công khai và riêng tư sẽ được thu thập và kiểm tra.

Giai đoạn tài liệu này có thể kéo dài nhiều năm và kết thúc với phán quyết của tòa án giáo phận, và quyết định cuối cùng của giám mục, rằng các nhân đức anh hùng của Người Tôi Tớ Chúa được minh chứng.

Cuối quá trình của giáo phận, kết quả, cùng với khối tài liệu, hoặc các Công văn, sẽ được chuyển về cho Bộ Phong thánh Vatican, nơi mà các chuyên gia của Tòa Thánh sẽ tra cứu và đem ra những chung luận chứng minh sự thánh thiện hoặc sự tử đạo của ứng viên. Một nhóm các chuyên gia thần học kiểm tra các tài liệu, chứng minh được sự căm thù vì đức tin “odium fidei” từ phía những kẻ bách hại ứng viên.

Vào cuối giai đoạn này, Đức Thánh Cha châu phê một sắc lệnh về các nhân đức anh hùng của ứng viên, phong cho ứng viên một danh hiệu ‘Đấng đáng kính’.

Bước tiếp theo là phong chân phước, theo đó ứng viên được nâng lên hàng ‘Chân phước’. Đối với một ứng viên không phải là tử đạo, thì cần một phép lạ trước khi được nâng lên hàng chân phước. Tuy nhiên, đối với một ứng cử viên tử vì đạo, chẳng hạn như Akash, thì một phép lạ không cần thiết cho giai đoạn này.

Để được phong hiển thánh thì một phép lạ khác nhờ sự chuyển cầu của người đó phải được chứng minh, kể cả đối với ứng viên tử đạo.

Thanh Quảng sdb

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS