Những ngày gần đây, nghề làm luật sư cho giáo hội quả là gian nan. Cãi một vụ án ở ngoài đời đã khó rồi, mà cãi cho một giáo hội lấy ‘sự thương yêu và tha thứ’ làm gốc thì càng khó hơn. Nghĩa là, nếu đối phương đập (nghĩa bóng) cho anh một trận ở trên tòa thì anh chỉ có quyền né, chứ không có quyền đập lại, và dĩ nhiên đừng mơ tưởng tới những mánh khóe đâm sau lưng đối phương như thói đời.
Nói một cách cụ thể hơn, phận sự lên tòa của anh là làm bia đỡ đạn.
Thảo nào giáo hội đã thua dài dài, tiền bồi thường trả ra như nước.
Xin Chúa cứu chữa.
Vậy mà có người cả gan nhận làm luật sư cho Đức Giáo Hòang!
“Tôi là luật sư của Tòa Thánh,” (“I am counsel for the Holy See,” ) Jeffrey S. Lena, năm nay 51 tuổi, tự giới thiệu mình với đối thủ là bà Lee Boyd của tổ hợp Luật Sư Howarth and Smith trong vụ kiện Vatican Bank tại California hồi năm 2000.
Lúc đó Lena đang dạy học tại University of Turin bên Ý thì được mời đi giúp vụ kiện này bởi vì nó xảy ra gần quê nhà của anh là vùng San Francisco.
Trong vụ kiện, nhiều người sống sót từ Holocaust tại Croatia, Ukraine và Yugoslavia đã kiện Vatican Bank, cho rằng nhà băng đã nhận hằng triệu dollars là trị giá tài sản của họ bị cướp giật bởi Quốc Xã Đức.
“Rõ ràng anh ta không phải là một luật sư nặng ký,” Bà Boyd nhận xét “anh ta không có vẻ hăng hái, cũng không trông sáng sủa như phần đông các luật sư hùng biện trên tòa. Anh ta chỉ thụ động. Trông như là một thầy cãi ở miệt vườn, không có khả năng nhìn thấy vần đề lớn trước mặt. Tôi nghĩ là anh ta sẽ không thể sống được trong một thế giới của những tổ hợp luật sư lớn. Anh ta không thuộc lớp ấy và cũng không thể sánh vai với tầng lớp ấy (các LS của tổ hợp lớn). Tôi không thể hiểu tại sao Vatican không thuê một tổ hợp luật sư giống như các nước khác vẫn làm mà lại thuê cái anh Jeff Lena này, thật là một bí ấn”
Những lời khinh thường ấy không được bền lâu. Kết quả là Tòa Thượng Thẩm quận 9, tuy cho rằng những tranh cãi về tài chánh thì không nên dùng nguyên tắc chính trị mà giải quyết, nhưng ngân hàng Vatican rõ ràng là một cơ sở của nước ngoài và vì thế những luật lệ Hoa Kỳ không thể áp dụng trên một quốc gia có chủ quyền.
Khi được hõi về câu chê bai của bà Boyd, Jeff Lena chỉ trả lời ngắn gọn: “Dĩ nhiên bà ấy phải khó chịu bởi vì tôi đã đánh bại bà ta..”
Nhưng không chỉ có phe địch mới tỏ vẻ khinh thường anh, mà ngay cả những đồng minh cũng đánh giá thấp anh.
“Ông ta được thuê vì người ta cần một ai đó “, theo nhận xét của Mark Chopko, tổng tư vấn cho Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ từ năm 1987 cho đến 2007, và hiện làm việc cho một tổ hợp ở Washington. “Những tranh chấp về thương mại thì mất nhiều lao lực; giới hữu trách của Roma chắc nghĩ rằng họ cần một luật sư về thương mại.”
Hình như sự lựa chọn của Vatican về một luật sư chưa nổi tiếng và chưa có thành tích đã chạm vào tự ái của nhóm luật sư đang đại diện cho các giáo phận Mỹ.
“Nó không hẳn là ghen tị. Nhưng là một cảm giác ‘làm thế nào mà ai đó ở ngòai kia (Vatican) lại biết có một người có chuyên môn như thế này mà chúng tôi đã không bao giờ nghe nói về anh ta cả’?” theo lời luật sư James Geoly, luật sư của tổng giáo phận Chicago và đang là đại diện cho một bị đơn trong vụ án ở Oregon có liên hệ tới Tòa Thánh.
“”Cho nên chúng tôi đã phải trải qua một giai đoạn làm quen với nhau. Nhưng rất nhanh chóng Jeff đã kết thân với tất cả các luật sư của các giáo phận. Và họ đã biết và đánh giá anh ta rất cao”, ông nói thêm.
Cũng vậy, đối thủ của Lena cũng đánh giá anh rất cao sau những lần so găng.
Anderson, người đang kiện Tòa Thánh tại Oregon, cho biết ông dự kiến Vatican sẽ thuê một tổ hợp “tay thì đeo găng trắng, nhưng máu lại là lọai máu xanh,”.
Nhưng sau khi đụng trận với Jeff, ông bộc lộ: “Anh ta tuy không phải là một đại hãn (bigshot) trong một công ty lớn, nhưng anh ta quả là một luật sư ghê gớm”.
Trong vụ án Oregon, luật sư Kelly Clark đòi hỏi cung Đức Hồng Y William Levada, tổng giám mục cũ của Portland, Oregon, và bây giờ là Tổng Trưởng bộ Giáo Lý Đức Tin tại Vatican. ĐHY Levada đã trả lời xong các cuộc hỏi cung từ năm 2006 về sự kiện các linh mục lạm dụng tình dục.
Nhưng Clark còn có vài khiếu nại về cuộc hỏi cung đó. Bất ngờ Lena tung ra một tá hạn chế về những gì có thể hỏi, với lý do là ĐHY Levada bây giờ là một quan chức của nước ngoài cho nên có quyền đặc miễn Ngọai Giao.
Cuối cùng, thì thẩm phán đã đồng ý với Lena mà hạn chế Clark chỉ được hỏi thêm những gì mà ĐHY Levada có trách nhiệm trong thời gian ở Portland mà thôi.
Lena cho biết vị thẩm phán đã làm đúng khi công nhận rằng các giáo phận là độc lập với Tòa Thánh.
“Đức Giáo Hàng không phải là một ông tướng năm sao đang điều binh khiển tướng, ” Lena nói. “Các Giám mục cũng không phải là thuộc hạ hay là phụ tá của giáo hoàng. Quyền của một giám mục đến từ Chức Vụ của mình.. Giám Mục điều khiển giáo phận của mình và trách nhiệm những gì xảy ra.”
Được bạn và thù nể sợ cũng chưa phải là điều đáng nói, chiến thắng trên tòa vẫn là mục tiêu tối hậu.
Mấy ngày qua, báo chí sôi nổi vì một chiến thắng ngọan mục.
Một luật sư thành công nhiều vụ kiện chống lại các giáo phận Công giáo Mỹ vứa tuyên bố bỏ cuộc.
“Để chiến thắng Vatican thì cũng giống như bạn phải có đủ sức lực mà xoay chuyển hết tất cà các hành tinh và mặt trăng vào một hàng với nhau,” luật sư Bill McMurry tuyên bố sau khi ông nộp đơn bãi nại tại tòa án Kentucky, chấm dứt vụ kiện Vatican về tất cả các lạm dụng tình dục trẻ em của giáo sĩ Công giáo tại Hoa Kỳ, thường được coi là vụ kiện có nhiều cơ may thắng cuộc nhất.
“Chúng tôi không muốn đập đầu vào bờ tường mãi nữa. Nó vượt khỏi bàn tay của tôi vì bây giờ chúng tôi không thể đáp ứng được những gánh nặng mà tòa án đã đặt trên nguyên đơn”
McMurry đã thắng 26 triệu dollars tại Giáo phận Louisville năm 2003 và ông muốn thừa thắng xông lên nhắm vào chính Đức Giáo Hòang.
Để chống lại, tháng trước Lena nộp tài liệu với tòa kháng án Quận 8 Hoa Kỳ ở Louisville tuyên bố rằng Đức Giáo Hòang được đặc miễn khỏi thẩm quyền của tòa án Hoa Kỳ vì ngài là người đứng đầu của một quốc gia có chủ quyền; Lena cũng xác định các giáo phận là độc lập và bác bỏ luận cứ cho rằng chính sách của giáo hội năm 1962 là giữ bí mật trước chính quyến dân sự vế các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục.
McMurry nói rằng ông nghĩ Lena là một luật sư có tài, mặc dù lần đầu tiên khi ông nghe “tay mơ” này xưng là luật sư chính của Tòa Thánh ông đã nghĩ rằng “anh ta nói sạo.”
Còn có hai vụ kiện Tòa Thánh nữa ở Hoa Kỳ. Ở Oregon do Anderson chủ xướng và ở Wisconsin cũng do Anderson nộp đơn. Anderson mới đây tiết lộ ông thu được trên 60 triệu tiền lời từ các vụ kiện ở cấp giáo phận và cũng như McMurry muốn mở kho tàng của Vatican.
Trước sự thất bại của McMurry, Anderson tuyên bố vụ kiện của ông vẫn tiếp tục, nhưng các nguồn tin thân cận cho biết ông ta đang chuẩn bị bãi nại vào tháng sau, vào dịp mà Lena sẽ đệ đơn đòi hủy bỏ vụ kiện tại Oregon một lần thứ hai.
Còn vụ kiện ở Wisconsin? Theo Lena cho biết thì cho tới nay bên nguyên cáo vẫn chưa nộp bằng chứng tội phạm và cũng chưa đòi hỏi lấy khẩu cung.
Hình như Lena đã tìm ra chìa khóa của sự thành công. Con người “cù lần” này đã để mặc cho các đối thủ mở rộng chiều kích của các vụ kiến trong nhiều năm để rồi vỏn vẹn đặt ra một câu hỏi rất căn bản, một cách rất nôm na là: “Nếu các anh muốn kiện Đức Giáo Hòang, thì trước tiên các anh có cái quyền đó không đã?”
“Vatican chỉ là một chủ quyền nhỏ,”Lena nói, “nhưng không có nghĩa là quyền của nước đó có thể bị chà đạp trong vấn đề này.”
Mà khi nói tới chủ quyền quốc tế thì ngay cả tổng thống Mỹ cũng lên tiếng phụ họa. Không môt ai muốn thầy cảnh một ông tổng thống Mỹ phải trình diện trước tòa án Afganistan theo trát đòi của họ cả.
Đó là chưa kể những con mắt thế giới lo ngại nhìn vào cách giải quyết của tòa án Hoa Kỳ. Áp lực quốc tế là rất lớn, do đó cái hậu thuẫn mà Lena tự nhiên có sau lưng thì cũng vô cùng lớn.
So sánh một tổ hợp luật sư có nhiều chi nhánh và đông đảo luật sư dưới trướng với một anh luật sư “solo” mà văn phòng là một cái gác xếp để sách của vợ thì quả là một sự so sánh bất tương xứng. Nhưng ngươc lại nếu nhìn về khía cạnh chi phí của một tổ hợp lớn muốn quảng bá danh tiếng qua những vụ kiện xuyên quốc gia với chi phí của một luật sư nhỏ không cần quảng cáo thì sự chênh lệch về chi phí cũng sẽ là vô cùng lớn.
Các tổ hợp có mục đích làm tiền thì họ sẽ lùi bước sớm trước một nghiệp vụ tốn kém, trước khi bị phá sản.
McMurry than phiền đã bỏ ra 600 ngàn để chỉ theo đuổi một mối dây mà thôi. Còn Anderson thì chưa cho biết ông đã chi bao nhiêu, nhưng chắc chắn là cũng lớn lắm.
Rõ ràng Của Thiên thỉ trả Địa,
Còn về phần Lena, hình như anh không thoải mái với sự nổi tiếng mới của mình.
“Hai tuần trước, tôi là một luật sư chỉ biết tới trường hợp của riêng tôi”, Lena nói với Associated Press. “Bây giờ thì khác rồi.”
Lena từ chối chụp hình cho bài viết của AP, nói rằng anh đã nhận được nhiều đe dọa vì biện hộ cho Vatican. Anh đã chuyển văn phòng nhỏ của mình đến một địa điểm bí mật ở Berkeley.
Khi Washington Post bắt kịp với Lena tuần trước, “anh đang cố gắng để cắt bớt cà phê. Anh nhìn rất mệt mỏi. Với đôi mắt nâu thâm quầng, tóc hoa râm, có dáng đàn bà. móng tay không cắt, mặc áo nỉ quần bluejeans, anh nhìn không giống như là một luật sư biện hộ cho đức giáo hoàng, vị lãnh đạo tối cao của một Giáo Hội phổ quát, là hoàng tử của các tông đồ và là đại diện của Chúa Kitô trên Trái Đất”
Thế mà người đàn ông khiêm tốn ở Berkeley này lại là trung tâm giải quyết các vụ bê bối lạm dụng tình dục có liên hệ tới Vatican.
Bất cứ nơi nào ở Hoa Kỳ mà Vatican là bị cáo, thì Lena có mặt ở đó để bảo vệ.
Tại Kentucky, anh đại diện cho đức Giáo hoàng Benedict trong một trường hợp liên quan đến lạm dụng trẻ em của giáo sĩ. Tại Mississippi, anh chống lại cáo buộc rằng Vatican có tham gia vào một chương trình rửa tiền. Tại New York, Lena bảo vệ Tòa Thánh trong một tranh chấp thương mại liên quan đến giấy phép cho việc sử dụng hình ảnh của viện Bảo Tàng Vatican.
Nguồn gốc Lena làm việc với Vatican bắt đầu như thế nào là một bí ẩn mà anh từ chối soi sáng.
“Tôi không bao giờ muốn bị công chúng nhòm ngó”, anh nói sau ba giờ đồng hồ trốn trong một phòng xử án trống ở Austin để tránh các nhiếp ảnh gia. “Và điều này xảy ra giống như đột nhiên cửa sổ nhà riêng của tôi bị mở toang vào chốn công cộng. Tôi muốn giữ sự riêng tư của tôi.”
Lena sống với vợ và con trai trong một mái nhà ở Berkeley Hills. Anh không có máy TV cho mãi đến mùa Giáng sinh vừa qua. Gia đình anh đã sở hữu căn nhà này từ những năm 1960. ông nội của anh, Lino Lena, di cư từ Ý sang, cha của anh, Leland, là giáo viên công lập, đã tham chiến tại Việt Nam trên một tầu tuần dương.
Lớn lên trong một gia đình Công giáo, Lena và hai em đã theo cha mẹ đi lễ Chúa nhật và đi tìm trứng trong mùa Phục Sinh. Lena vốn có tính nhút nhát, hay bị hỏang (cerebral) và rất thể thao. Theo người em trai tên là Justin đang sống ở Nam Dakota thì anh thích nghiên cứu về môn chơi tennis và đã từng học tiếng Latin.
Các câu hỏi về quyền hạn của luật Hội Thánh và pháp luật dân sự luôn luôn lẩn quẩn trong tâm trí của Lena khi anh lớn lên.
Vào năm 1962, ĐGH John XXIII, còn được gọi một cách trìu mến là “Vị Giáo Hòang nhân từ,” ban hành một chính sách lên án các tội phạm trong tòa giải tội là những tội phạm “thối tha,” và gọi các giáo sĩ có hành động nhơ bẩn đối với trẻ em là “những con thú vật.” Nhưng lúc ấy mối quan tâm của Giáo hội cũng là để bảo vệ các linh mục thể hiện quan điểm đối lập khỏi bị trừng phạt oan uổng bởi các giám mục đầy uy quyền. Cho nên cũng nhấn mạnh đến chính sách giữ bí mật trong giáo hội và chính quyền dân sự, liên quan đến những hình phạt nặng nề của giáo hội như việc bãi nhiêm một linh mục.
Tốt nghiệp Trung Học với số điểm khá cao, nhưng Lena tuyên bố anh thích công việc thể thao hơn, anh làm việc cho một công ty xây dựng và giúp người em họ xây nhà ở Oakland Hills.
Anh chỉ trở nên hiếu kỳ về mặt trí tuệ khi theo học tại trường Đại học California tại Santa Cruz, Anh tốt nghiệp năm 1982, và lấy được MA về lịch sử tại Đại học California tại Berkeley vào năm 1986, tiểu luận cao học của anh là vai trò của các tôn giáo trong việc định hình lịch sử của nước Mỹ.
Năm 1988 anh kết hôn với cô Adele D’Alessando, quê ở Milan bên Ý, và học lớp tiến sĩ về lịch sử; anh hoàn tất khóa học và thi khảo hạch xong nhưng không bao giờ trình luận án. Cùng lúc đó, anh bắt đầu giảng dạy môn lịch sử tại Berkeley và Đại học Maryland.
Năm 1993, Lena theo học trường luật Hastings College, và làm bạn với Ugo Mattei, một học giả pháp lý nổi tiếng người Ý mà Lena gọi là một bậc thầy.
Với sự giúp đỡ của Mattei, Lena chuyển từ trường luật ở Berkeley sang nghiên cứu tại Đại học Milan bên Ý. Sau khi hoàn tất bằng luật của mình, Lena đi qua Ý vào năm 1996 làm giáo sư thỉnh giảng tại các trường đại học của Ý.
Tại một nơi nào đó dọc theo con đường đời ở bên Ý, Lena đã gặp một mối quan hệ làm thay đổi cuộc sống của anh với Tòa Thánh. Lena chỉ vỏn vẹn cho biết anh đã trở thành cố vấn cho Vatican qua “hiệp hội học thuật và chuyên nghiệp Ý” và từ chối yêu cầu giải thích thêm về sự kết nối đó.
Mattei, người đã chấm dứt những quan hệ với Lena, thì tuyên bố là do ông ta giới thiệu.
“Tôi giới thiệu anh ta với Vatican cho một số trường hợp ở Mỹ không còn liên quan đến các vấn đề hiện tại”, ông Mattei nói trong một e-mail. Ông nói thêm, “Chúng tôi làm việc chặt chẽ với nhau cho Vatican như là một cặp vợ chồng, kéo dài được ba năm, nhưng đó là dưới thời của Đức Giáo Hoàng trước và với vị Quốc Vụ Khanh trước (Tổng trưởng Ngọai giao).”
Nhưng Mattei, người từng gọi tờ báo “Tuyên ngôn Cộng sản Ý” là tờ báo yêu thích của mình, thì khó mà là một môi giới giữa Lena và Vatican. “Mattei là một người cánh tả”, theo lời ông Antonio Gidi, người đồng sáng tác một cuốn sách về luật với Mattei. Ông Gidi cũng cho biết Mattei cũng đã cùng viết cuốn “Plunder” (“cướp bóc”) với Laura Nader, chị của Ralph Nader. “Ông ấy và đức giáo hòang thì xung khắc như nước với lửa.”
Một nguồn tin hiểu biết hơn, nhưng xin giấu tên, thì nói rằng Mattei đã từng giới thiệu Lena với Franzo Grande Stevens, là một luật sư hàng đầu từng đại diện cho cố chủ tịch Gianni Agnelli của hãng Fiat, và chính ông Stevens sau này đã chọn Lena để bảo vệ vụ kiện Ngân hàng Vatican.
Lena cho biết anh chưa bao giờ phải “bị khảo giáo lý” cho chức vụ luật sư của Vatican vào năm 2000.
Quan điểm bào chữa cho Vatican của Lena là dựa theo một nguyên tắc bao quát rằng một nhà nước chỉ có thẩm quyền trên một nước có chủ quyền khác khi thực sự có những hành động gây ra thiệt hại bởi chính chính phủ của nước ngoài ấy. Nếu một nhà nước mà giành lấy quyền trên một quốc gia khác, thì sự cân bằng tinh tế của quyền lực quốc tế sẽ bị suy yếu.
“Đối với một số trường hợp thì yêu cầu đặc miễn này có vẻ không công bằng,” Luật sư Paul Clement, người giúp việc cho Lena trong vụ án Oregon, nói “Nhưng chung chung thì đó là một chính sách bao quát.”
Theo giới thạo tin của giáo hội, thì Lena cũng đã than phiền rằng các quan chức Vatican đã thất bại về việc phát huy quan điểm của giáo hội một cách rõ ràng, rằng có quá nhiều hồng y đã đưa ra những lời tuyên bố không chính thức và rằng giáo hội cũng cần phải gióng lên tiếng nói của mình trước sự kiện các luật sư đối thủ tuyên bố vung vít về giáo hội.
“Trong thời gian tôi đối đầu với Jeff, rõ ràng anh ta đã trở thành một phát ngôn viên của Vatican trước công chúng, họ dựa vào lời khuyên và tư vấn của anh ta,” McMurry nói. “Tôi biết rằng mới đây anh ta đã thất vọng vì nhiều tài liệu bị lộ ra báo chí, Jeff thực sự đã bị phân tán khi mà anh đáng lẽ phải ở nhà để viết luận án nhưng thực sự anh đã phải ở Vatican để kiểm soát thiệt hại. ”
Nhưng Lena nói lại: “Đối với tôi đó không phải là kiểm soát thiệt hại, mà là cung cấp tư vấn. Sự thất vọng không phải là ở các lời tuyên bố của các cá nhân, dĩ nhiên, ai cũng có quyền tuyên bố một cách tự do. Nhưng sự thất vọng là vì các phương tiện truyền thông cố tình nói sai, hoặc bình luận sai về các quan điểm của các cá nhân có liên hệ với Tòa Thánh. ”
Tòa thánh Vatican dường như cũng nhận được tín hiệu của Lena là phải rõ ràng. Tuần trước, Tòa Thánh đã đăng trực tuyến một hướng dẫn mới cho các giám mục trên khắp thế giới rằng, “Những luật lệ dân sự liên quan đến việc phải báo cáo tội phạm cho cơ quan thích hợp thì luôn luôn phải được tuân theo. ”
Đối với một số người đã từng làm việc với Lena, thì hình như đó là kết quả của việc anh thúc đẩy giáo hội tiến về tương lai.