Richard A. Spinello là Giáo sư Thực hành Quản lý tại Học viện Boston (Boston College) và là thành viên của khoa phụ trợ tại Chủng viện St. John ở Boston. Ông là tác giả của Thông điệp của Đức Gioan Phaolô II: Giới thiệu và Bình luận và Sự huy hoàng của Hôn nhân: Tầm nhìn của Thánh Gioan Phaolô II về Tình yêu, Hôn nhân, Gia đình và Văn hóa Sự sống.
Ngày 26 tháng 3 vừa qua, trên tạp chí The Catholic Thing, ông nhận định rằng: Một trong những chủ đề phổ biến trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô là việc tối thiểu hóa những hành vi bất thường về tình dục hoặc “tội lỗi dưới dây thắt lưng”. Ít nhất ba lần ngài đã tuyên bố rằng những tội này ít nghiêm trọng hơn nhiều so với những tội khác như hận thù hay đố kỵ.
Tại một cuộc gặp gỡ với các tu sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha, Đức Phanxicô đã than thở rằng Giáo hội vẫn nhìn điều gọi là “tội lỗi xác thịt” bằng một “kính khuếch đại” giống như Giáo hội đã “làm từ lâu đối với điều răn thứ sáu”. Ngài cho rằng, những tệ nạn khác, chẳng hạn như bóc lột công nhân, nói dối và gian lận, hầu như bị bỏ qua trong khi “tội lỗi dưới thắt lưng thì có liên quan”. Đức Phanxicô tiếp tục giải thích rằng những tội lỗi này đòi hỏi sự nhạy cảm và sự chăm sóc mục vụ một cách sáng tạo. Vì sự phức tạp của chúng, không có giải pháp đơn giản hay nhất dạng nào như sống một lối sống khiết tịnh.
Vài năm trước, trong một cuộc phỏng vấn dài bằng một cuốn sách do Dominique Wolton thực hiện, vị giáo hoàng này cũng truyền đạt một thái độ ngộ đạo về những vi phạm tình dục: “Có một mối nguy hiểm lớn đối với những người thuyết giáo, và đó là việc chỉ lên án đạo đức – thứ lỗi cho tôi – ‘dưới dây thắt lưng.’” Ngài tiếp tục nói rằng so với tội hận thù và đố kỵ “tội xác thịt là tội nhẹ nhất, vì xác thịt yếu đuối”. Theo quan điểm này, những tội lỗi nguy hiểm nhất “là tội lỗi của tinh thần” hay “thiên thần thuyết” [angelism], tức tội kiêu ngạo và phù phiếm.
Đức Phanxicô đề cập đến sự ngưỡng mộ của ngài đối với một vị Hồng Y đã tâm sự với ngài rằng ngay khi có ai đó nhắc đến những tội lỗi này “dưới thắt lưng”, ngài ngay lập tức trả lời: “Tôi hiểu, chúng ta hãy tiếp tục”. Bằng cách này, hối nhân hoặc giáo dân sẽ nhận ra rằng “có những lỗi lầm khác còn quan trọng hơn nhiều”.
Người ta tự hỏi vị Hồng Y này sẽ nói gì với một thanh niên bị vướng vào thói hư coi văn hóa khiêu dâm, như nhiều người ngày nay, vì sự thôi thúc này một khi được thỏa mãn có thể dễ dàng phát triển thành một nỗi ám ảnh tê liệt, phá vỡ sự tự chủ trưởng thành của một người. Như Thánh Tôma đã nói với chúng ta, “tư dục, nếu được nuông chiều, sẽ thu thập sức mạnh.”
Có nhiều người Công Giáo tiến bộ với thái độ thù địch theo phản xạ đối với học thuyết luân lý tình dục của Giáo hội, những người đồng ý với nỗ lực của Đức Giáo Hoàng nhằm tối thiểu hóa thực tại của tội lỗi tình dục nghiêm trọng. Họ phàn nàn rằng nỗi ám ảnh của Giáo Hội Công Giáo về tội lỗi tình dục đã làm Giáo hội mất quan tâm đối với các tệ nạn xã hội được đề cập. Trong một bài báo của Washington Post về bài phát biểu của Đức Phanxicô với các tu sĩ Dòng Tên của ngài, David Gibson đã chỉ trích các nhà lãnh đạo Giáo hội Hoa Kỳ vì sự tập trung như tia laser của họ vào “thần học vùng xương chậu” và vì đã “bị giam cầm trong não trạng chiến tranh văn hóa”.
Thái độ dễ dãi của vị giáo hoàng này được phản ảnh trong các trước tác như Amoris laetitia, Fiducia supplicans, và các câu trả lời cho nhiều Dubia (thắc mắc) khác, vốn lặp lại cùng một lý luận rối rắm về sự yếu đuối của xác thịt.
Nguyên tắc này chắc chắn tạo cơ sở cho những thay đổi mục vụ mới được tìm thấy trong Fiducia supplicans, vốn tránh bất cứ sự đề cập nào đến “tội trọng” hoặc nhu cầu “sám hối” khi thảo luận về “các cuộc kết hợp bất hợp lệ”. Nếu rối loạn tình dục không phải là những vi phạm nghiêm trọng như vậy, thì có gì là không đúng đắn khi ban phước cho những cuộc kết hợp đồng tính và bất hợp lệ không sống theo lý tưởng hôn nhân một vợ một chồng, bất khả tiêu?
Tính không chính thống này không những nói lên sự vi phạm triệt để các giáo huấn của những người tiền nhiệm của vị giáo hoàng mà còn tượng trưng cho một sự rút lui khỏi “Kitô giáo khổ hạnh”. Nhà triết học vĩ đại người Ý Augusto Del Noce đã tiên đoán rằng đạo Công Giáo cấp tiến cuối cùng sẽ nhượng bộ trước “sự tấn công khiêu dâm” của xã hội bằng cách bác bỏ các tín lý thánh thiêng của Giáo hội về khổ hạnh và hành xác.
Đúng như dự liệu, những người cấp tiến đã nhiệt tình lập luận rằng các đức tính “riêng tư” như khiết tịnh và trong sạch đã được nhấn mạnh quá mức, đặc biệt là kể từ thời kỳ Phản Cải cách; rằng nền luân lý “sợ tình dục” [sexophobic] này vừa lỗi thời vừa áp chế.
Để chứng thực các chủ trương này, họ dựa vào các trụ cột của nền văn minh, khoa học và xã hội hiện đại, những nền tảng khuyến khích đạo đức tình dục phóng khoáng hơn. Do đó, “Chủ nghĩa duy khoa học” [Scientism] và “chủ nghĩa duy xã hội học” [sociologism], dựa trên một nền tảng mỏng manh, thay thế trật tự siêu việt của tự nhiên và luân lý.
Del Noce đã dự ứng sự phân chia các đức tính này và mối liên hệ của nó với sự xói mòn dần dần của Kitô giáo khổ hạnh. Điều lấp đầy khoảng trống là một “Kitô giáo thế tục hóa” phù hợp hơn với nền văn hóa tự do, hậu hiện đại của chúng ta.
Trong thời điểm mới này của Kitô giáo, các nhân đức xã hội và chính trị (như bác ái), nhằm mục đích thăng tiến thân phận con người, đã quét sạch những nhân đức thụ động và riêng tư như khiết tịnh và thanh khiết.
Do đó, chúng ta hiếm khi nghe vị giáo hoàng này nói về khiết tịnh và sự trong sạch, cũng như những nhân đức này không tìm thấy chỗ đứng trong các tài liệu như Amoris laetitia. Đức Giáo Hoàng Phanxicô hết lời ca ngợi New Ways Ministry, một nhóm thẳng thắn khẳng định lối sống đồng tính luyến ái, nhưng không nói gì về Courage, nhóm kêu gọi sự khiết tịnh phù hợp với giáo huấn của Giáo hội.
Đối với Đức Giáo Hoàng và những người cấp tiến khác, cuộc chiến bảo vệ hôn nhân và gia đình truyền thống hay ngăn chặn tình trạng lăng nhăng tràn lan được coi là ít cấp bách hơn nhiều so với nhu cầu giúp đỡ người nghèo và người bị đàn áp.
Tuy nhiên, nhiều điều kỳ lạ xảy ra khi Giáo hội mất đi sự gắn kết và chỉ tập trung vào các nhân đức công cộng hoặc xã hội. Khi người nghèo và những người bị đàn áp (ví dụ, người châu Phi) bám vào đạo đức tình dục truyền thống, họ sẽ bị gắn nhãn hiệu màu đỏ của sự kỳ thị đồng tính. Kết quả là họ bị những người Công Giáo cấp tiến đối xử một cách nghi ngờ và trịch thượng. Do đó, việc phân chia các nhân đức hóa ra lại gây chia rẽ một cách nghịch lý và cuối cùng làm suy yếu ngay cả sứ mệnh công bằng xã hội của Giáo hội.
Người ta hơi nghi ngờ rằng vị giáo hoàng này đã đưa Giáo hội đến gần hơn với một phiên bản Kitô giáo bị thế tục hóa với tầm nhìn rời rạc và giản lược về nhân đức cũng như sứ mệnh của Giáo hội. Sự phát triển này là một thảm kịch không thể giảm khinh bởi vì một Kitô giáo khổ hạnh bảo tồn và phát huy mọi nhân đức là Kitô giáo đích thực duy nhất.
Kitô giáo khổ hạnh đã bám rễ sâu vào mảnh đất của truyền thống Tông đồ, được chứng kiến bởi vô số vị thánh và các vị tử đạo, và được chính Chúa Giêsu khẳng định, Đấng đã lên án ngay cả điều mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “cái nhìn tư dục” như một hình thức “ngoại tình trong lòng” (Mt 5:27).
Những người cấp tiến có thể lập luận rằng họ sáng suốt hơn về những vấn đề này, nhưng ánh sáng của họ lại là thứ tạo ra quá nhiều bóng tối.