Ngày 30 tháng bảy năm 1941, có một tù nhân trốn ra khỏi trại tập trung Ðức Quốc xã Auschwitz, tại xứ Ba Lan. Viên chỉ huy trại độc ác bắt tất cả tù nhân phòng giam số 14 phải sắp hàng và hắn chọn mười người đem giam đói vào hầm tối cho đến chết để đền tội thay thế cho người đã trốn trại.
Mười người được chỉ định, trong đó có Francis Gajowniczek, đã than khóc: “Vợ và các con khốn khổ của tôi ơi, tôi chẳng còn bao giờ được gặp lại các người nữa!” Lúc đó thì có một tù nhân bước ra xin điền thế chỗ của anh ta. Viên chỉ huy hỏi: “Anh là ai? Tù nhân đã trả lời: “Tôi là một linh mục Công giáo!” Viên chỉ huy chấp thuận, cha Kolbe đã thay thế cho Francis trong số 10 người bị giam đói.
Cha Kolbe sinh năm 1894 tại Zdunsla, xứ Ba Lan. Năm 16 tuổi ngài gia nhập Dòng Phanxicô. Ngài rất yếu vì bệnh lao phổi nên thường đi nằm bệnh xá. Tuy vậy ngài là người rất nhiệt tâm và có tài tổ chức. Sau khi thụ phong linh mục, ngài liền tổ chức Phong trào Hiệp sĩ Ðức Mẹ Ðồng Trinh. Phong trào này phổ biến loan truyền việc tôn kính Ðức Mẹ qua sách báo và rất thành công tại Ba Lan. Năm 1930, ngài được gởi đến truyền giáo tại Nhật bản, ngài cũng thành lập Phong trào tôn sùng Ðức Mẹ tại dây và đã thành công vượt mức tưỏng tượng.
Năm 1939 ngài trở về lại Ba lan khi Ðức Quôc Xã chiếm đóng xứ này. Ngài sửa soạn chấp nhận mọi đau khổ gian truân với đồng bào của mình, Ngài nói: “Tôi muốn được chịu đựng dau khổ và chết một cách anh hùng dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để mang thế giới về cho Ðức Mẹ Chúa Trời!”
Cha Kolbe bị bắt giữ tháng 2 năm 1941 và tháng năm thì bị giải về Auschwitz. Bị hành hạ đánh đập, ngài đã làm việc cực nhọc trong ba tháng dù bị bệnh lao phổi rất nặng. Trong lúc đó cha Kolbe luôn nêu gương đức tin cho các tù nhân và khuyến khích họ dừng bao giờ để mất niềm hy vọng vào Thiên Chúa và Ðức Mẹ.
Cuộc khổ nạn bắt đầu khi chúng đem nhốt cha Kolbe vào hầm tối vào tháng 7 năm 1941. Ở đó không có gì để uống chỉ có uống nước tiểu của mình để qua cơn khát dữ dội. Cha Kolbe suốt ngày đêm hướng dẫn các bạn tử tội đọc kinh, sửa soạn cho họ được chết trong niềm hy vọng. Họ lần lượt ra đi, đến ngày 14 tháng 8 chỉ một mình cha Kolbe và ba người nữa còn sống sót. Bọn Ðức Quốc Xã không muốn chờ đợi lâu hơn được nữa nên chúng đem các tù nhân sống sót ra tiêm thuốc độc và đem đốt tại lò thiêu sống.
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao lồ II, khi còn là Giám mục Cracow thường dến cầu nguyện nơi Cha Kolbe tử đạo. Năm 1982 khi là Giáo Hoàng, ngài đã chủ tọa cuộc phong hiển thánh cho cha Maximilian Kolbe tại Roma.
Hiện diện trong buổi lễ có Francis Gajowniczek, mà cha Kolbe đã chết thay cho ông. Ðức Thánh Cha nói: Cha Kolbe là đấng tử đạo và là đấng thánh của thời đại, lòng bác ái đã vượt qua mọi thử thách và sự chết. Ðức Thánh Cha đã đọc lên lời Phúc Âm của Thánh Gioan: “Không có tình yêu nào lớn hơn là người đã hy sinh mạng sống của mình cho bạn hữu.”
(Phó Tế JB Huỳnh Mai Trác)