Huế – mới những ngày cuối tháng 3 nhưng tiết trời oi bức như để chuẩn bị cho một mùa hè rực lửa sắp đến trên mảnh đất miền Trung. Vào ngày 30/3/2014 (Chúa Nhật IV Mùa Chay) tôi cùng anh em Đệ Tử Viện Dòng Thánh Tâm được trở “về nguồn”, trở về với vùng đất nằm ẩn khuất trong dãy Ngự Bình trùng điệp. Nơi chúng tôi đến là Nghĩa trang Thai nhi Ngọc Hồ, nơi yên nghỉ của rất nhiều những thai nhi vô tội không được chào đời, nghĩa trang thuộc địa hạt Giáo xứ Ngọc Hồ, Tổng Giáo phận Huế – Thành phố Huế. Đến với vùng đất này giúp tôi có dịp hiểu sâu xa ý nghĩa của sự phục vụ, ý nghĩa của sự sống và thấu hiểu hơn về giá trị đích thực của công việc tưởng chừng như vô nghĩa nhưng trái lại nó lại mang một ý nghĩa vô cùng cao cả: Đó chính là việc chăm sóc và phục vụ nghĩa trang. Điều đặc biệt ở đây mà tôi muốn nói đến là hình ảnh của một người đã dành trọn tâm huyết để lo cho các sinh linh bé nhỏ nhất của sự sống con người có được một chỗ yên nghỉ khi các em bị tước đoạt đi quyền sống.
Chuyến hành trình của chúng tôi được bắt đầu từ sáng sớm, chặng hành trình tuy khá xa nhưng ngay khi ánh nắng đầu tiên của ngày mới ló rạng thì chúng tôi cũng đã về được gần với núi rừng, nơi mà có nghĩa trang chôn cất các thai nhi. Giữa không gian núi đồi rộng lớn, cảnh vật thiên nhiên đang cố vươn mình lên để dành lấy sự sống thì chính nơi đây biết bao sinh linh bé nhỏ nhất của sự sống con người lại bị chôn vùi, các em không được nhìn thấy và cảm nhận cuộc đời này. Khi đến nơi, chúng tôi được sự hướng dẫn của chú Năng – Người mà đã dành tất cả tâm huyết, sức lực để chôn cất cho các hài nhi có chỗ yên nghỉ. Chú đã đưa chúng tôi đến với nghĩa trang thai nhi nằm trên đỉnh đồi của một vùng núi rộng. Hiện ra trước mắt tôi với hàng ngàn ngôi mộ nhỏ bé nằm gọn lỏn trong một không gian núi đồi, cây cỏ.
Qua trò chuyện với chú Năng thì tôi được biết, nghĩa trang thai nhi này chính là mảnh đất thuộc gia đình chú, nhưng chú đã lấy nó làm nơi chôn cất các sinh linh bé nhỏ kém may mắn khi không được cất tiếng khóc chào đời. Chú Năng cùng với gia đình đã dùng mảnh đất này để tôn tạo thành một vùng nghĩa trang và hằng ngày lo chăm sóc và đem các thai nhi vô tội về chôn cất. Với dáng người hao gầy, trạc tuổi tứ tuần, da ngăm đen sạm nắng vì công việc, và mặc cho công việc nhà vất vả của một người trụ cột phải lo lắng trong gia đình, phải nuôi 6 người con ăn học nhưng chú Năng vẫn dành nhiều thời gian cho việc tôn tạo nghĩa trang một cách khang trang, đẹp đẽ.
Chú còn tâm sự thêm rằng: Công việc chăm sóc và bảo vệ nghĩa trang Thai nhi đã được chú thực hiện được hơn 20 năm nay và hiện nay số lượng ngôi mộ thai nhi đã được đem về nơi đây là khoảng 50.000 em. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số nhỏ trong sự thống kê mà chú đã thu nhận về nghĩa trang Thai nhi Ngọc Hồ trong Thành phố này mà thôi. Bên cạnh đó còn biết bao hài nhi vẫn bị tước đoạt sự sống hàng ngày mà không có ai biết đến. Trên khuôn mặt, ánh mắt của chú khi tâm sự với tôi thoáng hàng hiện lên một nỗi buồn khó tả. Dường như tất cả nỗi niềm chú đã và đang dành cho các sinh linh bé bỏng nhất của sự sống con người.
Chú hướng dẫn chúng tôi dọn dẹp và tôn trang lại các ngôi mộ, quét dọn lá cây rừng, tân trang ngôi mộ cho sạch sẽ hơn. Điều mà tôi không khỏi e ngại và lo lắng là diện tích nghĩa trang vẫn được mở rộng thêm. Chính điều này tạo nên một câu hỏi lớn mà buộc lòng chúng ta phải nghĩ tới: Tại sao lại không dừng ở trong chính diện tích khuôn viên nghĩa trang này hầu dừng lại tội ác phá thai để sự sống của con người được bảo tồn và phát triển mà lại mở rộng thêm diện tích của nghĩa trang? Nói đến điều này, chính mỗi người chúng ta đang dần liên tưởng đến sự sống của các thai nhi đang trong tình trạng bị hủy diệt. Diện tích nghĩa trang được mở rộng cũng chính là nói đến tình cảnh và số phận của các em lại phải tiếp tục bị chôn vùi trong mảnh đất này. Đứng trước điều này chúng ta thấy được rằng nhân phẩm và tình thương của một số người làm cha, làm mẹ đã mất đi, họ đã hủy diệt chính mầm sống là máu thịt của mình. Họ có biết cho chăng đáng lẽ các em phải được sinh ra, được lớn lên, được trưởng thành trong nhân cách con người. Thế nhưng, ngay từ trong thai mẫu các em đã phải giã từ cuộc sống này để yên nghỉ trong lòng đất quạnh quẽ ở chốn hoang vu.
Suốt cả buổi lao động trong nghĩa trang này, mặc cho trời nắng và thời tiết oi bức mỗi người chúng tôi vẫn hăng say để sửa lại và làm lại các ngôi mộ thai nhi cho sạch và mới hầu mong an ủi phần nào sự mất mát và kém may mắn nơi số phận của các em. Đây cũng chính là điều mà chú Năng và mọi người yêu chuộng sự sống, tôn trọng quyền sống và có trái tim yêu thương hằng ấp ủ và dành trọn con tim cho sinh linh các thai nhi vô tội. Hành trình trở “về nguồn” của chúng tôi được kết thúc trong ngày nhưng dư âm của chuyến đi vẫn vang vọng mãi trong lòng mỗi người. Những yêu thương, tình cảm của những người ngày đêm lo âu cho sự sống, vẫn không ngừng khắc khoải cho tiếng nói bảo vệ sự sống cho con người.
Trở về nguồn!
Tiếng đời thêm sâu lắng
Cảm nghiệm yêu thương trong chính trái tim mình.