Bốn sai lầm phải tránh khi tuyên xưng đức tin

Nghe bài này

Bốn Sai Lầm Nên Tránh Khi Tuyên xưng Đức Tin

Đức Ông Charles Pope là giáo sư Kinh Thánh đang giảng dạy tại các chủng viện ở tổng giáo phận Washington DC và phụ trách một lớp Kinh Thánh tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Ngài cũng là niên trưởng linh mục đoàn của tổng giáo phận Washington.

Liên quan đến đề xuất của Tiến Trình Công Nghị gây tranh cãi tại Đức rằng cần thiết phải thay đổi giáo huấn Công Giáo cả nội dung lẫn phương thức trình bày, ngài đã có bài viết sau trên tờ National Catholic Register với nhan đề “4 Errors You Should Avoid in the Proclamation of the Faith” nghĩa là “4 Sai Lầm Nên Tránh Khi Tuyên xưng Đức Tin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Vào Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi tại giáo xứ của tôi, chúng tôi đã đọc Kinh Tin Kính Athanasiô sau Bài Giảng. Được viết vào thế kỷ thứ 4, Kinh Tin Kính này trình bày một cách tỉ mỉ giáo lý về Chúa Ba Ngôi và giáo lý về Nhập thể. Ở một số đoạn có những cảnh báo như thế này:

Để một người được cứu rỗi, trước hết, điều cần thiết là người đó phải giữ Đức tin Công Giáo. Đó là Đức tin mà mọi người phải giữ trọn vẹn và không bị ô nhiễm, nếu không, chắc chắn, người ấy sẽ bị diệt vong vĩnh viễn.

Sau Thánh lễ, một phụ nữ khá hoạt bát tiếp cận tôi, bà tỏ ra không hài lòng vì chúng tôi đã đọc Kinh Tin Kính này. Mặc dù thừa nhận rằng đó là một Kinh Tin Kính cổ xưa, nhưng bà đã cực lực phản đối lời cảnh báo rằng những ai không tuân theo các giáo lý được ghi trong Kinh Tin Kính sẽ bị diệt vong. Cô ấy tự hỏi liệu tôi có thực sự nghĩ rằng mọi người không theo Công Giáo sẽ xuống Địa ngục hay không.

Tôi đã cố gắng giải thích rằng lời tuyên bố trong Kinh Tin Kính này phải được hiểu đúng, rằng mặc dù có một số tế nhị nhất định, nhưng nó vẫn là một giáo lý của Đức Tin như đã được Thiên Chúa mặc khải rằng một người không thể cố ý bác bỏ mặc khải của Thiên Chúa mà lại mong được cứu rỗi (xem Giáo lý 846-848 để biết giáo lý và một số điểm khác biệt).

Cô ấy trả lời rằng Tín điều Athanasiô – đặc biệt là lời cảnh báo nghiêm trọng vừa nêu – không được hoan nghênh. Cô ấy cũng nói rằng Chúa Giêsu không bao giờ nói như thế, và tôi nên đưa ra lời giải thích cho cộng đoàn bất cứ khi nào điều này được đọc lại để tránh gây xúc phạm, và điều quan trọng nhất là chúng ta không được phép xúc phạm mọi người.

Tôi muốn giải quyết từng vấn đề trong số bốn luận điểm trong lập luận của cô ấy, vì chúng là những phản đối phổ biến đối với nhiều giáo huấn của chúng ta.

Phản đối thứ nhất – Điều này không được hoan nghênh

Khi một người đến văn phòng bác sĩ, anh ta thường được chào đón bởi một nhân viên tiếp tân thân thiện. (Hãy bỏ qua nhu cầu nhỏ đòi phải xuất trình thẻ bảo hiểm). Ngay sau đó, một y tá hòa nhã hoặc một trợ lý y tế khác hộ tống anh ta đến một căn phòng và lấy các chỉ số liên quan đến sức khoẻ và hỏi một số câu hỏi. Trong những văn phòng tốt nhất, bầu không khí rất tốt đẹp và vui vẻ.

Sau đó, bác sĩ bước vào với sự chào đón vui vẻ nhưng nhanh chóng bắt tay vào công việc. Có lẽ anh ta xem lại các chỉ số sức khoẻ hoặc xem xét các kết quả xét nghiệm gần đây. Bây giờ bác sĩ thân thiện phải nói sự thật. Đối với hầu hết chúng ta, một số chỉ số có thể có vấn đề. Có lẽ chỉ số cân nặng của cơ thể quá cao. Có thể huyết áp, mức cholesterol hoặc lượng đường trong máu thấp hơn hay cao hơn mức lý tưởng. Đột nhiên, bác sĩ chào đón có nghĩa vụ kêu gọi chúng ta phải ăn năn, thay đổi lối sống, kẻo chúng ta đi từ tệ đến tệ hơn. Thật vậy, sự sống và cái chết có thể treo lơ lửng.

Hầu hết chúng ta sẽ nói rằng một bác sĩ khi xem xét các kết quả quá kém mà lại nói với chúng ta rằng mọi thứ đều OK là phạm tội nói dối và thậm chí có thể bị kiện vì sơ suất. Vậy thì tại sao nếu một linh mục cảnh báo về những lựa chọn sai lầm ảnh hưởng đến sự sống hay cái chết vĩnh cửu thì điều đó lại bị coi là “không được hoan nghênh”?

Như trong phòng khám bác sĩ, việc chào đón mọi người bằng những lời chào nồng nhiệt là có chỗ đứng của nó, nhưng cuối cùng, đã đến lúc bắt tay vào công việc thì phải nói lên sự thật, phải cảnh báo chống lại tội lỗi và triệu hồi đức hạnh, kêu gọi ăn năn và cảnh báo hậu quả. Đây là những gì tình yêu làm. Những điều ấy nói lên sự thật và cảnh báo về sai lầm cũng như nhiều lỗ hổng của sự thật nửa vời và sự thỏa hiệp. Tình yêu cảnh báo rằng ôm ấp những điều như vậy sẽ khiến cho sự cứu rỗi trở nên khó khăn—thậm chí đáng nghi ngờ.

Phản đối thứ hai – Chúa Giêsu không bao giờ nói như thế; Ngài luôn chào đón

Thật ra, Chúa Giêsu đã nói như thế trong nhiều dịp. Ví dụ:

“Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6)

“Nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” (Ga 8:24)

“Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16:16).

Có nhiều đoạn khác trong đó Chúa cảnh báo những người không tin và không chuẩn bị. Mặc dù những văn bản như thế này hiếm khi được giải thích hoặc có nhiều điểm tế nhị, nhưng chúng ta không nhất thiết phải giải thích những lời ấy có nghĩa là nếu một người nào đó không thể biết một cách hợp lý rằng Chúa Giêsu là con đường duy nhất để lên Thiên đàng và đến với Chúa Cha thì người ấy ắt sẽ xuống Địa ngục. Chúa là Đấng công minh; Ngài không đòi buộc mọi người phải đáp ứng các yêu cầu mà họ không thể biết hoặc thỏa mãn một cách hợp lý. Tuy nhiên, Giáo hội có nghĩa vụ công bố rằng Chúa Giêsu là con đường chắc chắn duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi và Giáo Hội nhận ra rằng vì tội lỗi mà nhiều người sẽ hư mất nếu không được kêu gọi ăn năn và tin vào Ngài. Chúng ta có nghĩa vụ nghiêm túc là lôi kéo các linh hồn đến với Chúa Kitô và cảnh báo họ về những nguy cơ xuất phát từ sự phản kháng và vô tín của họ. Có những quan niệm như “có nhiều cách để đến với Đức Chúa Trời” hoặc “đạo nào cũng là đạo, tin điều gì không quan trọng miễn là người đó tử tế và chân thành”. Những quan niệm như thế không phù hợp với lời kêu gọi trong Kinh thánh. Những quan niệm như thế gây ra những vấn đề.

Ngay cả khi những người vô minh có thể nhận được sự khoan hồng từ Thiên Chúa, Công đồng Vatican II dạy rằng Chúa Quan phòng cũng ban những trợ giúp cần thiết để được cứu rỗi cho những người, chưa đạt đến sự hiểu biết rõ ràng về Thiên Chúa, để với ân sủng của Ngài, họ có thể cố gắng sống một cuộc sống tốt đẹp. Bất cứ điều gì tốt hay sự thật được tìm thấy nơi họ đều được Giáo hội coi là sự chuẩn bị cho Tin Mừng. Mẹ Giáo Hội biết rằng những điều đó được Đấng soi sáng ban cho mọi người để cuối cùng họ có được sự sống. Tuy nhiên, rất thường là con người bị lừa dối bởi ma quỷ, trở nên tuyệt vọng trong suy nghĩ của họ, và không tin vào chân lý của Thiên Chúa, quay sang thờ phượng tạo vật hơn là Đấng Tạo Hóa. Hoặc một số người, sống và chết trong thế giới này mà không có Chúa, phải đối mặt với sự tuyệt vọng cuối cùng. Vì vậy, để quảng bá vinh quang của Chúa và mang lại sự cứu rỗi cho tất cả những người này, và ghi nhớ mệnh lệnh của Chúa, “Hãy rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật,” Giáo hội nuôi dưỡng các sứ mệnh truyền giáo với sự quan tâm và chăm sóc (Lumen Gentium 16).

Chúng ta không thể bỏ qua cụm từ “rất thường xuyên” trong đoạn thứ hai. Điều này sẽ thúc đẩy chúng ta kêu gọi mọi người đến với Chúa Kitô và nhận ra rằng Ngài buộc chúng ta phải lựa chọn: hoặc tin vào Ngài và được cứu rỗi hoặc từ chối tin và bị hư mất. Ngay cả những người chưa bao giờ có sự lựa chọn rõ ràng này cũng có nguy cơ bị “suy luận hão huyền”, bị lối suy nghĩ của thế gian, sai lầm và dối trá khiến họ đi sai hướng và khiến họ bác bỏ ngay cả những gì lương tâm của họ cho biết là sai. Do đó, cho dù không phải người vô tín nào cũng bị lên án, thì họ cũng không tự động được cứu rỗi. Thay vào đó, họ vẫn phải chịu bóng tối của sai lầm trong tư duy, hành động, và những sự thờ phượng và lòng trung thành của họ. Thành thật mà nói, họ khó được cứu rỗi hơn, mặc dù không phải là không thể.

Phản đối thứ ba – Các linh mục nên đưa ra lời giải thích mỗi khi chúng ta đọc Kinh Tin Kính này.

Có lẽ như thế, nhưng bài giảng của tôi đã khá dài. Đôi khi chúng ta phải nói chuyện với một phạm vi hạn chế của chân lý, và dành việc trình bày các khái niệm đó sau này.

Ngày nay, người nghe có xu hướng tuyệt đối hóa nhiều thứ rồi phản đối. Người nói có thể không trình bày một sự thật tuyệt đối, mà là một sự thật chung thừa nhận những ngoại lệ và sự khác biệt. Giải quyết mọi ngoại lệ hoặc sự khác biệt có thể sẽ mất quá nhiều thời gian.

Đôi khi, cũng có lợi khi cho phép những sự thật phũ phàng khơi gợi câu hỏi và do đó mở ra một thời điểm cho những giáo huấn sâu xa hơn. Chúa Giêsu thường làm điều này bằng cách sử dụng những câu chuyện ngụ ngôn giống như câu đố. Khi giảng dạy cho một đám đông thù địch hoặc thích tranh cãi, kể một câu chuyện khó hiểu khiến họ khao khát được giải thích hoặc cáu kỉnh và đòi làm rõ thường là có hiệu quả.

Giải thích cặn kẽ mọi thứ không phải lúc nào cũng là cách hiệu quả nhất để dạy chân lý.

Phản đối thứ tư – Điều quan trọng nhất là chúng ta không xúc phạm mọi người.

Quan điểm này ngày càng trở nên phổ biến trong thời đại của chúng ta. Nhiều người không cho rằng người nói có thiện chí và dễ cảm thấy bị xúc phạm. Trong Giáo hội, chúng ta thường đề cập đến Kinh thánh và các văn bản cổ xưa khác, được viết vào thời kỳ hoàn toàn khác, đó là thời kỳ mà sự cấp bách và lòng nhiệt thành công bố sự thật được mặc khải được xem là trọng tâm của nhiệm vụ truyền bá Đức tin hơn là làm hài lòng, khẳng định, chào đón vô điều kiện, và không làm phật ý.

Sự thận trọng chắc chắn có một vị trí trong việc công bố phúc âm; nó hướng tới mục tiêu trong bối cảnh và hoàn cảnh hiện tại và cân nhắc cách tốt nhất để đạt được điều đó. Nếu mục tiêu là rao giảng phúc âm cứu rỗi, thì việc pha loãng chính phúc âm đó sẽ bỏ lỡ toàn bộ vấn đề và tương đương với việc “vứt đứa bé ra ngoài cùng với nước tắm”.

Kỳ lạ thay, chúng ta đang sống trong thời kỳ nghịch lý. Một số người đưa ra những yêu cầu nghiêm khắc phải được “chào đón”. Những người khác cộc cằn đòi được đối xử dịu dàng. Lại còn có những người khác trở nên bất khoan dung với một gợi ý dù nhỏ nhất về những gì họ coi là bất khoan dung. Một loại tiêu chuẩn kép được thiết lập, là điều mà Chúa đã nhận xét,

Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói:

‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than.’

Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám.’ Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.” (Mt 11:16-19).

Nói cách khác, việc làm hài lòng mọi người trên quy mô lớn gần như là không thể; những nhu cầu luôn thay đổi và xung đột thường tạo ra một tình huống không thể thắng được.

Vấn đề với thứ lý luận cảm xúc

Có lẽ, bất kể sự phản đối quyết liệt của cô ấy, tôi đã có thể tiếp cận người phụ nữ đang phản đối này; Tôi hy vọng như vậy.

Tuy nhiên, khi cảm xúc ngày nay dễ dàng thay thế suy nghĩ, tôi có những nghi ngờ của mình – ít nhất là đối với cô ấy và nói chung. Quá nhiều người tin rằng chỉ riêng việc họ cảm thấy khó chịu thôi cũng là một minh chứng đầy thuyết phục rằng người nói (tôi hoặc Giáo hội) đã làm sai điều gì đó.

Lý luận cảm xúc là một sự bóp méo nhận thức cho rằng cảm xúc đơn thuần tiết lộ thực tế và sự thật; thường xuyên nhất đây là một ngụy biện. Ví dụ, hãy xem xét câu nói sau: “Tôi sợ bay, vì vậy bay rất nguy hiểm.” Theo thống kê, bay thực sự là một trong những cách an toàn nhất để đi du lịch. Nỗi sợ hãi đơn thuần về một điều gì đó không hẳn khiến nó trở nên không an toàn.

Tương tự như vậy, thật sai lầm khi kết luận rằng vì tôi tức giận hoặc khó chịu với những gì bạn nói nên bạn đã làm sai khi nói điều đó. Không nhất thiết là như thế đâu. Trong thực tế, bạn có thể đã nói điều gì đó đúng. Có thể sự tức giận của tôi có nghĩa là bạn đã bị kích động và trong sâu thẳm, tôi biết bạn đúng. Lúc đầu, tôi có thể tức giận hoặc thậm chí buồn, nhưng sự thật cuối cùng khiến tôi vui mừng!

Bằng mọi giá, hãy cố gắng ở đó, thưa các linh mục và anh chị em. Hành vi phạm tội thường được thực hiện ngày hôm nay, ngay cả khi chúng ta không có ý định. Hãy thận trọng và hiểu điều này và tất cả những lời dạy của chúng ta theo cách Công Giáo. Hãy luôn tâm niệm rằng rao truyền đức tin Công Giáo mới là mục tiêu. Hãy thận trọng luôn hướng đến mục tiêu. Đừng từ bỏ mục tiêu chỉ để nhằm đạt được vài thước. Một vài yard là vô nghĩa nếu chúng ta không đạt được mục tiêu. Bất kể tiền đề và sự tế nhị nào được yêu cầu, sự thật vẫn là Đức tin – Đức tin chân chính, Đức tin Công Giáo – cần thiết cho sự cứu rỗi. Chúa Giêsu không bao giờ pha loãng giáo huấn này, và chúng ta cũng phải như vậy.

VietCatholic Media

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS