Các Rabbi Do Thái giận dữ vì một bài giảng của Đức Thánh Cha

Nghe bài này

Hàng lãnh đạo Do Thái đặt vấn đề đối với một bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Các nhà chức trách Do Thái Giáo hàng đầu của Israel đã nói với Vatican rằng họ lo ngại về những bình luận mà Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra về sách luật thánh thiêng của họ và đã yêu cầu Tòa Thánh làm rõ.

Trong một bức thư được chuyển đến Tòa Thánh và một bản sao gởi cho thông tấn xã Reuters, Giáo sĩ Rasson Arousi, chủ tịch Ủy ban Đối thoại với Tòa thánh của Rabbi trưởng Israel, cho biết những lời bình luận dường như nhằm cho thấy luật Do Thái đã lỗi thời.

Các giới chức thẩm quyền Vatican cho biết họ đang nghiên cứu bức thư và đang xem xét việc đưa ra lời phúc đáp.

Giáo sĩ Arousi đã viết thư trên một ngày sau khi Đức Giáo Hoàng đề cập đến Torah, tức là năm cuốn sách đầu tiên của Kinh thánh Do Thái, trong một buổi tiếp kiến chung vào ngày 11 tháng 8.

Kinh Torah chứa đựng hàng trăm điều răn, hay còn gọi là mitzvot, để người Do Thái tuân theo trong cuộc sống hàng ngày của họ. Mức độ tuân thủ nhiều hay ít các hướng dẫn này có sự khác biệt giữa người Do Thái Chính thống và người Do Thái Cải cách.

Tại buổi tiếp kiến ngày 11 tháng 8, Đức Giáo Hoàng khi trình bày các suy tư về những gì Thánh Phaolô đã nói về kinh Torah trong Tân Ước, và nhận định rằng:

“Trên thực tế, Kinh Torah, hay Lề Luật, không có trong lời hứa được đưa ra với Áp-ra-ham. Tuy nhiên, khi nói điều này, ta không nên nghĩ rằng Thánh Phaolô chống lại Luật Môisê. Không, thánh nhân đã tuân giữ nó. Một vài lần trong Thư của mình, ngài bảo vệ nguồn gốc thần thánh của nó và nói rằng nó có một vai trò được xác định rõ ràng trong lịch sử cứu độ. Tuy nhiên, Lề Luật không ban sự sống, nó không mang lại sự thành toàn lời hứa bởi vì nó không có khả năng làm điều đó. Lề Luật là một cuộc hành trình, một cuộc hành trình dẫn đến một cuộc gặp gỡ. Thánh Phaolô dùng một từ, tôi không biết nó có trong văn bản hay không, nhưng là một từ rất quan trọng: lề luật là “phương pháp sư phạm” hướng đến Chúa Kitô, một phương pháp sư phạm hướng đến đức tin nơi Chúa Kitô, nói cách khác lề luật là người thầy cầm tay anh chị em dắt tới cuộc gặp gỡ (x. Gl 3,24). Những ai tìm kiếm sự sống cần phải nhìn vào lời hứa và sự hoàn thành lời hứa trong Chúa Kitô”.

Giáo sĩ Arousi đã gửi lá thư thay mặt cho Rabbi trưởng Do Thái Giáo – là Rabbi có thẩm quyền tối cao trong hàng giáo sĩ Do Thái Giáo ở Israel. Lá thư đã được gởi cho Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn.

“Trong bài giảng của mình, Đức Giáo Hoàng trình bày đức tin Kitô không chỉ thay thế kinh Torah; mà còn khẳng định rằng kinh Torah không còn mang lại sự sống, ngụ ý rằng thực hành tôn giáo của người Do Thái trong thời đại hiện nay đã trở nên lỗi thời”, Arousi nói trong bức thư.

Ông nói: “Điều này thực chất là một phần và là cốt lõi của “giáo huấn khinh miệt” đối với người Do Thái và Do Thái Giáo mà chúng tôi nghĩ rằng đã bị Giáo Hội Công Giáo bác bỏ hoàn toàn,” ông nói.

Mối quan hệ giữa người Công Giáo và người Do Thái đã được cách mạng hóa vào năm 1965, khi Công đồng Vatican II bác bỏ khái niệm tội lỗi tập thể của người Do Thái về cái chết của Chúa Giêsu và bắt đầu nhiều thập kỷ đối thoại giữa các tôn giáo. Đức Phanxicô và hai vị tiền nhiệm đã đến thăm các giáo đường Do Thái.

Hai học giả Công Giáo hàng đầu về quan hệ tôn giáo với người Do Thái đồng ý rằng nhận xét của Đức Giáo Hoàng có thể được coi là một bước lùi rất rắc rối và cần được làm rõ.

Cha John Pawlikowski, cựu giám đốc Chương trình Nghiên cứu Công Giáo-Do Thái tại Liên đoàn Thần học Công Giáo ở Chicago cho biết: “nói rằng tín lý nền tảng này của Do Thái Giáo không đem lại sự sống là bôi lọ quan điểm tôn giáo nền tảng của người Do Thái và của Do Thái Giáo. Lẽ ra nó chỉ có thể xảy ra trước thời Công đồng”.

Giáo sư Philip Cunningham, giám đốc Viện Các Liên hệ Do Thái-Công Giáo tại Đại học St. Joseph ở Philadelphia nói, “Tôi nghĩ đó là một vấn đề đối với đôi tai của người Do Thái, nhất là vì nhận xét của Đức Giáo Hoàng được ngỏ với khán giả Công Giáo. Nó có thể được hiểu như làm giảm giá trị việc tuân theo kinh Torah của người Do Thái ngày nay”.

Giáo sĩ Arousi và Cha Pawlikowski nói rằng có thể ít nhất một phần trong bài giảng của Đức Giáo Hoàng, được gọi là bài giáo lý, được viết bởi các phụ tá và cụm từ này đã không được hiệu đính thích đáng.

Văn phòng của Đức Hồng Y Koch, hôm thứ Tư, cho biết ngài đã nhận được bức thư, đang “xem xét nó một cách nghiêm túc và suy nghĩ về một phúc đáp”.

Đức Phanxicô đã có một mối liên hệ rất tốt với người Do Thái. Khi còn là tổng giám mục ở nơi sinh quán Buenos Aires, ngài từng cùng viết sách với một trong những giáo sĩ Do Thái của thành phố, Abraham Skorka, và đã duy trì một tình bạn lâu dài với vị này.

Trong lá thư gửi cho Hồng Y Koch, Giáo sĩ Arousi yêu cầu vị Hồng Y “chuyển sự đau khổ của chúng tôi đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô” và yêu cầu Đức Giáo Hoàng làm rõ để “bảo đảm rằng bất kỳ kết luận xúc phạm nào rút ra từ bài giảng này đều được bác bỏ rõ ràng”.

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS