Hôm 20 tháng Sáu vừa qua, Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục đã công bố Tài liệu làm việc của Khóa họp thứ XVI sẽ tiến hành vào tháng Mười năm nay tại Roma, và sẽ tiếp tục vào tháng Mười năm tới, 2024, về chủ đề: “Tiến tới một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng”.
Văn kiện này dài khoảng 60 trang, đúc kết tiến trình tham khảo dân Chúa trong hai năm qua, phản ánh kinh nghiệm và vấn đề của Giáo hội tại các nơi trên thế giới: chiến tranh, thay đổi khí hậu, các chế độ kinh tế tạo ra nạn bóc lột, bất quân bình và gạt bỏ. Có những Giáo hội chịu tử đạo, và những Giáo hội đang chịu hiện tượng tục hóa mạnh mẽ, những Giáo hội bị thương tổn vì nạn lạm dụng tính dục, quyền bính, lương tâm, kinh tế và cơ chế, những vết thương cần được chữa trị và hoán cải.
Mục đích của Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới không phải là để soạn ra các văn kiện, nhưng là để mở ra những chân trời hy vọng.
Tài liệu làm việc gồm hai phần chính: Phần A trình bày kinh nghiệm tham khảo trong hai năm qua, cách thức tiến hành để trở thành một Giáo hội ngày càng đồng hành.
Phần B mang tựa đề: “Hiệp thông, sứ mạng, tham gia”, nhắm tới ba hoạt động chính yếu, đó là: tăng trưởng trong tình hiệp thông bằng cách đón tiếp tất cả mọi người, không loại trừ ai; nhìn nhận và đề cao sự đóng góp của mỗi tín hữu đã chịu phép rửa, để thi hành sứ mạng; xác định những cơ cấu và năng động cai quản, qua đó thực thi sự tham gia và quyền bính trong một Giáo hội đồng hành truyền giáo.
Một Giáo hội đồng hành trước tiên là một Giáo hội lắng nghe, vì thế đó là một Giáo hội sống khiêm tốn, biết xin lỗi và có nhiều điều cần học hỏi. Khuôn mặt Giáo hội ngày nay có nhiều dấu hiệu khủng hoảng lớn về sự tín nhiệm và uy tín. “Tại nhiều nơi, cuộc khủng hoảng do lạm dụng tính dục, kinh tế, quyền lực và lương tâm đã thúc đẩy Giáo hội xét mình, để dưới tác động của Chúa Thánh Linh, không ngừng canh tân bản thân, trong một hành trình thống hối và hoán cải, mở ra những con đường hòa giải, chữa lành và công lý”.
Một Giáo hội đồng hành cũng là một Giáo hội gặp gỡ và đối thoại với các tín hữu các tôn giáo, văn hóa khác và xã hội. Đó là một Giáo hội không sợ những khác biệt nhưng đề cao giá trị những khác biệt đó, không bó buộc phải đồng nhất. Giáo hội đồng hành là Giáo hội liên tục nuôi dưỡng mình bằng mầu nhiệm được cử hành trong phụng vụ, trong đó mỗi ngày cảm nghiệm sự hiệp nhất trong cùng phụng vụ, tuy ở trong các ngôn ngữ và nghi lễ khác nhau”.
Trong những phần khác của Tài liệu làm việc, có nói đến vấn đề quyền bính, sự sai trái trong việc thực thi quyền bính vì tinh thần thế tục. Cần có một nền huấn luyện toàn diện, huấn luyện khởi đầu và thường huấn cho dân Chúa, cố gắng canh tân ngôn ngữ dùng trong phụng vụ, giảng thuyết, huấn giáo, nghệ thuật thánh, cũng như mọi hình thức thông tin cho các tín hữu và dư luận quần chúng, kể cả qua các phương tiện thông tin mới. “Sự canh tân ngôn ngữ phải nhắm làm cho nó dễ hiểu và hấp dẫn đối với con người ngày nay, không trở thành một chướng ngại làm cho họ xa cách Giáo hội”.