Cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô gây ra phẫn nộ ở Nga

Nghe bài này

Trong bài “‘Racist’ interview with Pope Francis causes fury in Russia” nghĩa là “Cuộc phỏng vấn phân biệt chủng tộc với Đức Thánh Cha Phanxicô gây ra phẫn nộ ở Nga”, tờ The Guardian cho biết như sau:

Đức Phanxicô nói người thiểu số Chechnya và Buryat trong quân đội Nga ở Ukraine tàn ác hơn những người lính khác

Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm dấy lên cơn thịnh nộ ở Nga sau một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài cho rằng các thành viên Chechnya và Buryat thuộc sắc tộc thiểu số trong lực lượng vũ trang của Nga đã thể hiện sự tàn ác ở Ukraine hơn là những người lính Nga chính cống.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Công Giáo America xuất bản hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha nói rằng những người lính từ Buryatia, nơi Phật giáo là một tôn giáo chính, và nước cộng hòa Chechnya đa số theo đạo Hồi, là “những kẻ tàn ác nhất” khi chiến đấu ở Ukraine.

Ngài nói: “Nói chung, những kẻ tàn ác nhất có lẽ là những người thuộc Nga nhưng không thuộc truyền thống Nga, chẳng hạn như người Chechnya, người Buryats, vân vân.”

Nga đã động viên một cách không cân xứng trong các dân tộc thiểu số để cung cấp lực lượng chiến đấu chính của họ ở Ukraine.

Các nhóm nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập đã ghi lại bằng chứng rõ ràng về tội ác chiến tranh của lực lượng Nga, nhưng không có dữ liệu nào cho thấy binh lính từ các dân tộc thiểu số chiến đấu ở Ukraine đã cư xử ở Ukraine tồi tệ hơn các thành viên dân tộc Nga.

Các bình luận của Đức Giáo Hoàng đã bị các quan chức Nga nhanh chóng lên án vào tối thứ Hai.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói với hãng thông tấn Nga TASS: “Đây không chỉ là còn là tâm tình bài Nga nữa, nó là sự bóp méo sự thật ở mức độ mà tôi thậm chí không thể gọi tên”.

Sau đó, Zakharova đã gửi một Tweet cáo buộc Đức Giáo Hoàng đang cố gắng chia rẽ các lực lượng Nga: “Chúng tôi là một gia đình với người Buryats, người Chechnya và các đại diện khác của đất nước đa sắc tộc và đa tôn giáo của chúng tôi,” cô ta viết.

Alexandra Garmazhapova, người sáng lập tổ chức phản chiến Giải phóng Buryatia khỏi ách xâm lược của Nga, gọi những bình luận này là “không thể tha thứ và phân biệt chủng tộc”.

Garmazhapova nói: “Tôi vô cùng thất vọng khi đọc những tuyên bố phân biệt chủng tộc, không thể bào chữa này.”

“Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh đế quốc do Vladimir Putin bắt đầu và lãnh đạo, ông ta về mọi mặt không phải là thành viên của một dân tộc thiểu số nào cả. Đức Giáo Hoàng lẽ ra phải lên án cá nhân ông ấy, nhưng ngài đã quyết định không nhắc đến tổng thống Nga.”

Đề cập đến sự ủng hộ công khai cho cuộc chiến của Thượng Phụ Kirill là người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga, Garmazhapova nói thêm: “Chúng ta đừng quên rằng Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những bên ủng hộ lớn nhất cho cuộc chiến.”

Garmazhapova cũng chỉ ra một cuộc điều tra của Ukraine đã xác định một nhóm binh lính sắc tộc Nga chính cống là nghi phạm chính đằng sau vụ giết thường dân ở vùng ngoại ô Bucha của Kyiv vào mùa xuân năm ngoái.

Cô ấy nói: “Những bình luận này là sai ở rất nhiều cấp độ.”

Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng phải đối mặt với những tranh cãi về quan điểm của ngài đối với Ukraine. Kyiv đã nhiều lần phản kháng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào tháng Hai vì Đức Thánh Cha đã không lên án thỏa đáng Điện Cẩm Linh về vai trò của họ trong cuộc xung đột.

Đức Phanxicô trước đây cũng đã nói rằng cuộc xâm lược Ukraine của Mạc Tư Khoa “có lẽ bằng cách nào đó đã bị phương Tây khiêu khích”, đề cập đến một cuộc trò chuyện trước đó với một nguyên thủ quốc gia giấu tên, người bày tỏ lo ngại rằng Nato đang “sủa trước cổng của Nga” theo cách có thể dẫn đến để chiến tranh.

Trong một lời phân bua rõ ràng đối với những cáo buộc cho rằng ngài không trực tiếp chỉ trích Putin, Đức Giáo Hoàng nói với tạp chí America: “Đôi khi tôi cố gắng không nêu rõ để không xúc phạm và đúng hơn là lên án chung, mặc dù ai cũng biết tôi đang lên án ai. Tôi không nhất thiết phải nêu đích danh họ.”

Ngài nói tiếp: “Tại sao tôi không nêu đích danh Putin? Bởi vì nó không cần thiết; nó đã được biết đến. Tuy nhiên, đôi khi mọi người bám vào một chi tiết. Mọi người đều biết lập trường của tôi, dù có Putin hay không có Putin, mà không cần nêu đích danh ông ấy”.

Đặng Tự Do

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS