Cha Antonio sinh năm 1969, hiện là cha phó giáo xứ thánh Martino của giáo phận Vigevano. Cách đây vài năm, khi còn là cha sở ở San Pasquale Baylon, một trong những giáo xứ trung tâm của Taranto, cha đã kể lại cuộc đời của mình khi là một thủy thủ trẻ, sau đó là một người nghiện ma túy và là một cha xứ. Cha nói: “Tôi là một ví dụ sống động rằng sự sống lại không phải là vào ngày sau hết, bởi vì bạn cũng có thể sống lại trong cuộc sống thực tại. Nó xảy ra khi bạn thoát ra khỏi tình cảnh của sự chết và nói: ‘Tôi đã làm được điều đó và tôi không đơn độc. Có một Đấng nào đó đã giúp tôi, Thiên Chúa hiện hữu.’” “Nếu người ta nói với tôi rằng Thiên Chúa là một điều hư cấu, tôi sẽ không bao giờ tin điều đó, bởi vì tôi đã có một kinh nghiệm sống động và thực sự.”
Một bước xuống địa ngục
Bây giờ không còn là những ngày tháng khi cha còn là một cậu bé mơ về một tương lai trong Hải quân. Nó cũng không còn là những năm tháng ngây ngô của cơn say đầu tiên, với những điếu cần sa, và lần kiểm tra nước tiểu đã khiến Antonio bị Lực lượng vũ trang sa thải sớm. Khi đó, trên tàu, những điếu cần sa được chuyền tay nhau. Antonio đã bắt đầu như thế, một phần để giải trí, một phần vì những người khác đang làm như thế. Khi bị kiểm tra nước tiểu, anh thậm chí không tưởng tượng rằng nó có thể cho ra kết quả là cái gì nữa. Nhưng thay vào đó… anh bị sa thải khỏi hải quân, đã mất một công việc yêu thích và cảm thấy như một sự thất bại.
Sau khi rời khỏi Hải quân, trong một thời gian dài chàng trai trẻ Antonio không có việc làm, không mục đích và sống vô nghĩa. Vì khó tìm được công việc, Antonio đã mở một cửa hàng văn phòng phẩm nhỏ. Anh không thiếu tiền, không thiếu những buổi đi chơi, không thiếu phụ nữ và bạn bè xấu. Và rồi bắt đầu từ việc hút cần sa, dần dần Antonio sử dụng ma túy. Một bước ngắn. Và đầy kịch tính. Anh bắt đầu bước xuống địa ngục, với những lời nói dối và bỏ bê bản thân, những đêm đen đến mức không nhớ đường về, những cuộc kiếm tiền, những cái tát … Dù bà Maria Grazia, mẹ của Antonio không muốn nhớ đến những điều này nhưng cha Antonio lại nhớ chúng rất rõ. Chúng vẫn là một lời cảnh báo liên tục. Cha Antonio nói: “Khi bạn giơ tay tấn công một người mẹ vì bạn cần tiền cho liều ma túy hàng ngày của mình, bạn đã đi đến bậc thang sâu nhất của sự sa đọa.”
Bước ngoặt
Và rồi, vào một buổi chiều, hai kẻ buôn bán ma túy bước vào cửa hàng, cửa đóng sập, một trận mưa đòn đổ xuống trên Antonio. Cha Antonio kể: “Tôi sợ chết và thậm chí không biết tại sao, vì ai. Tôi không biết lý do bị đánh, tôi không biết họ quy cho tôi tội lỗi gì. Tuy nhiên, điều đó đã mở mắt tôi, khiến tôi nhận thức được cuộc sống tồi tệ mà tôi đang sống, nhận thức rằng ma túy đã hủy hoại tôi. Tôi dừng lại và xin mẹ tôi giúp đỡ.”
Mẹ của cha Antonio chia sẻ: “Tôi không mong đợi điều gì khác. Tôi đã cùng với những người bạn đi tìm con hàng đêm, ở những nơi tăm tối nhất, để xem điều gì đã xảy ra với con tôi. Tôi cảm thấy có trách nhiệm nặng nề đối với con.” Bà không muốn mất đi người con trai và cũng là tình yêu lớn nhất đời bà. Bà nói tiếp: “Tôi không muốn bất kỳ bà mẹ nào phải trải qua những gì tôi đã trải qua. Ngay cả khi hôm nay nỗi đau đó được khép lại trong ngăn kéo. Tôi nghĩ về ngày hôm nay và tương lai. Tôi nghĩ về người đàn ông mà Antonio là của ngày hôm nay.”
Hành trình hoán cải
Cha Antonio chia sẻ tiếp: “Tôi muốn thoát khỏi ma túy bằng mọi giá và tôi muốn làm điều đó bằng chính sức lực của mình. Tôi đã nhờ mẹ giúp đỡ trong những lúc khó khăn nhất, khi tôi không ngủ, khi tôi nôn mửa, khi tôi bị ảo giác. Tôi biết mình có nghị lực để nói không cách dứt khoát với ma túy.”
Sau đó Antonio quay trở lại với công việc buôn bán nhỏ của mình. Nhưng với một sự trống rỗng trong tâm hồn. Cha thú nhận: “Khi bạn ngừng sử dụng ma túy, bạn rơi vào trầm cảm. Cũng bởi vì bạn cần phải tránh xa tất cả những bối cảnh đã làm cho cuộc sống của bạn sống động cho đến thời điểm đó. Ngày sống của tôi là ở nhà-làm việc-ở nhà. Động lực của tôi là bản nhạc Lễ cầu hồn của Mozart. Tôi đã đeo tai nghe trên đầu suốt cả ngày. Tôi nghe và đọc, nhưng cuộc sống của tôi đã trở nên phẳng lặng.”
Cho đến một buổi tối, đó là tháng 1 năm 1992, Antonio cảm thấy cần phải chia sẻ với ai đó. Khi làm xong việc, anh đi vào một nhà thờ; điều này có lẽ là do thói quen anh thường đến giáo xứ khi còn nhỏ. Cha Antonio kể: “Tôi tìm một người để nói chuyện, để xưng tội. Và tôi gặp vị linh mục trẻ, lớn hơn tôi vài tuổi, người khiến tôi cảm thấy được chào đón ngay lập tức. Lần xưng tội đó là bước ngoặt đối với tôi. Lần xưng tội đó là sự chiếm đoạt lại bản thân, tìm lại bản thân mình. Từ đó con đường tìm lại đức tin của tôi cũng bắt đầu.” Một cuộc hành trình dài khiến Antonio phải đặt câu hỏi về cuộc sống của mình, mong muốn của mình, ý nghĩa của sự tồn tại.
Hành trình ơn gọi
Anh bắt đầu siêng năng tham dự vào đời sống giáo xứ, tham dự Thánh lễ mỗi ngày, linh hoạt cho nhóm giới trẻ. Anh bắt đầu chăm sóc bản thân mình lại. Cha Antonio kể tiếp: “Sau bốn năm, tôi xin vị linh mục giải tội, người đã trở thành cha linh hướng của tôi, cho tôi được trải nghiệm cuộc sống của các tu sĩ Biển Đức. Tôi đã bắt đầu một cuộc hành trình phân định tại đây, nhưng tôi cảm thấy rằng tôi cần một đời sống huynh đệ chứ không phải chỉ im lặng và cầu nguyện.”
Vào tháng 12 năm 1997, Antonio gia nhập dòng Phanxicô. Sau đó, anh tuyên khấn trọng thể vào năm 2005 và được thụ phong linh mục vào năm 2010.
Trở thành cha phó giáo xứ thánh Martino của giáo phận Vigevano, cha phụ trách các tu sĩ trong giai đoạn đào tạo, rồi làm cha sở từ tháng 9/2016. Trong khu phố, cha là một điểm tham chiếu, những người trẻ tuổi tìm kiếm cha, các cộng đồng gọi cha để cầu nguyện và các cuộc hội thảo.
Cha Antonio kết luận: “Tôi cảm thấy cần chia sẻ kinh nghiệm này với những người khác, đặc biệt là với những người trẻ tuổi. Để tất cả mọi người có thể cảm thấy rằng cuộc sống luôn mở ra những chân trời mới. Chính trong những chân trời này, Thiên Chúa đã tỏ mình ra.”
Hồng Thủy – Vatican News