Thụy Điển 31-10-2016.- Đức Thánh Cha tuyên bố trong một chuyến tông du 24 giờ về mục đích đại kết, nhân dịp kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành: “Sự hiệp nhất của các Kitô hữu phải là vấn đề ưu tiên, vì chúng ta ý thức rằng có rất nhiều điều liên kết chúng ta hơn là chia rẽ chúng ta.”
Ghi nhận quá trình đối thọai trong 50 năm qua giữa Công Giáo và Tin Lành, Đức Thánh Cha nói rằng hành trình tiến tới việc hiệp nhất “chính là món quà tặng lớn lao Thiên Chúa ban cho chúng ta.”
Đức Thánh Cha ghi nhận: Một trong những hoa trái của cuộc đối thọai này là việc hợp tác trong các công trình bác ái của lòng thương xót. Diễn từ của Đức Thánh Cha tiếp theo bốn chứng từ của những người nói về các nhu cầu của thế giới. Một Đức Giám Mục từ Aleppo cũng trình bầy cảm nghĩ của ngài.
Đức Thánh Cha nói: “Các chứng nhân hùng hồn này làm cho chúng ta phải suy nghĩ về chính cuộc sống của chúng ta và bằng cách nào chúng ta có thể đáp ứng các hoàn cảnh thiếu thốn và đau khổ chung quanh chúng ta.”
Ngài nói: “Đối với chúng ta là các Kitô hữu, vấn đề ưu tiên là phải tiếp cận những người bị hất hủi và bỏ rơi trong thế giới chúng ta, và làm cho họ cảm nhận được tình yêu dịu hiền và đầy thương xót của Thiên Chúa, là Đấng không chối bỏ một ai, nhưng đón nhận tất cả mọi người.”
Chú trọng tới tình hình ở Syria, Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận rằng hàng ngày nhiều tin tức cho thấy “những đau khổ vô tả đang bị cuộc chiến tại Syria gây ra, tới nay đã kéo dài trên năm năm.”
Ngài nói rằng tất cả mọi người dân Syria đều “cần được chúng ta yêu thương và cầu nguyện cho họ.”
Ngài nói: “Chúng ta hãy cầu khẩn Thiên Chúa ban cho những người chịu trách nhiệm về định mệnh của miền đất này có được ân sủng của sự hoán cải sâu xa.”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha khuyên nhủ: “Anh chị em thân mến, chúng ta đứng nản chí trước những khó khăn. Ước gì những cầu chuyện chúng ta được nghe hôm nay sẽ thúc đẩy chúng ta và giúp chúng ta có thêm nghị lực để cùng hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Khi chúng ta trở về nhà, chúng ta hãy cam kết sẽ làm hàng ngày những hành động và cử chỉ hầu đem lại hoà bình và hoà giải, để trở nên những chứng nhân can đảm và trung thành của niềm hy vọng Kitô giáo.”
BH Thư