Chúa Giêsu tiếp tục đưa ra những lời khuyên cho các môn đệ mình. “Hãy mạnh dạn sống và rao giảng Phúc Âm, đừng sợ.” Ngài cũng tiếp tục đưa ra những lý do để họ luôn được an tâm: Lý do thứ nhất vì trong ngày phán xét chính Chúa sẽ nhận những người dám can đảm làm chứng cho Ngài. Lý do thứ hai là sẽ có Thánh Thần soi sáng để họ có thể ăn nói và ứng phó mà không ai có thể bắt bẻ được.
Đừng sợ! Ngài trấn an các môn đệ vì biết chắc rằng, trong hành trình rao giảng của các ngài còn có Thiên Chúa, Đấng luôn quan phòng và nhờ Chúa Thánh Thần cùng đồng hành. Tình thương Thiên Chúa luôn quan tâm săn sóc con người và bao bọc con người, bảo vệ cho con người được an toàn và luôn vui hưởng hạnh phúc, hãy luôn tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, người luôn gìn giữ chở che.
Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết, các ông sẽ phải chịu đau khổ, bách hại và gặp muôn điều khó khăn, tuy nhiên, các ông đừng sợ, những lúc như thế, Chúa Thánh Thần sẽ giúp các ông để cho các ông biết phải làm gì và nói gì.
Khi được sống trong ân tình của Thiên Chúa, người Kitô hữu cố gắng sống sao cho xứng danh là người môn đệ: không gian tham, không bóc lột, không tham nhũng, nhưng luôn sống bác ái, khiêm nhường tha thứ thay vì báo thù. Người môn đệ của Chúa luôn sống theo tinh thần của Chúa trong mọi hoàn cảnh, dù phong ba bão tố của cuộc đời, dù an bình thư thái, người môn đệ luôn biết tuyên xưng Chúa Giêsu là Thầy và là Đấng Cứu Độ.
Chúa Thánh Thần là Ðấng của tình yêu thương và sự tha thứ. Ai khước từ Chúa Thánh Thần là hoàn toàn từ chối sự cứu rỗi mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Hồng ân và sức mạnh đến từ Chúa Thánh Thần làm cho đức tin của chúng ta được tăng trưởng và đức tin đó được đun nóng từ Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy chúng ta đến những hành động anh hùng bằng gương tử đạo. Gương tử đạo không xuất phát từ các yếu tố con người mà là kết quả đến từ những ai để cho ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần bùng cháy trong tâm hồn mình đó là hồng ân của Chúa Thánh Thần ban cho những ai biết mở rộng con tim để đón nhận Người.
Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý. Một trong những công việc của Ngài là mạc khải về chân lý, giúp con người hiểu biết chân lý mà hướng lòng họ đi tìm sự thật. Bởi thế, sau khi Chúa Giêsu về trời, thì Thánh Thần đến trên các Tông đồ để dạy dỗ và hướng dẫn các ông. Nhờ Thánh Thần, các ông đã hiểu rõ những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu; và cũng nhờ Thánh Thần, các ông đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng như lời căn dặn của Chúa Giêsu trước khi Ngài về trời.
Chúa Thánh Thần tác động trên xã hội loài người, trên các nền văn hóa, bằng cách biến đổi và tái tạo tâm trí con người. Ngài là nguồn gốc của những lý tưởng cao thượng, những công trình mang lại lợi ích cho nhân loại. Thánh Thần Thiên Chúa có khả năng nhìn xa trông rộng tuyệt vời đang điều khiển dòng lịch sử và đang canh tân bộ mặt trái đất.
Công cuộc rao giảng Tin Mừng không phải luôn luôn dễ dàng và gặt hái thành công, như lần 3,000 người trở lại liền sau bài giảng của thánh Phêrô vào dịp lễ Ngũ Tuần; nhưng các ông đã gặp biết bao chống đối và bách hại. Dù gặp gian nan thử thách như thế, các ông vẫn hiên ngang rao giảng, vì đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu, và hơn nữa, một điều kiện: “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa”.
Vả lại, các ông không phải đơn độc trong gian nan, thử thách, vì có Thánh Thần luôn hiện diện với các ông. Thánh Thần sẽ dạy cho các ông phải nói gì khi bị điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Chúa Giêsu. Một sự hiện diện gần gũi và cần thiết như vậy của Thánh Thần, khiến cho tội phạm đến Thánh Thần trở thành tội không được tha. Không được tha, không phải vì Thánh Thần là một Thiên Chúa nghiêm khắc trừng phạt; Chúa Thánh Thần vẫn mãi mãi là một Thiên Chúa khoan dung, từ bi, nhân hậu, là Ðấng Bầu Chữa, an ủi, vỗ về các tâm hồn. Không được tha không phải vì Chúa Thánh Thần không muốn tha, nhưng là vì thái độ của con người.
Mỗi người chúng ta đều có những khát vọng về chân lý, nhưng chính thái độ bịt tai nhắm mắt trước sự thật đã khiến con người mất dần khả năng cảm nhận sự thật để rồi đối với họ sự thật chẳng còn giá trị gì. Chúa Thánh Thần là Chân Lý, nhưng nếu đứng trước Ngài, con người vẫn giữ thái độ cố chấp, thì dù Ngài là Ðấng giúp con người hiểu biết và đi tìm chân lý, Ngài cũng đành bó tay. Không tìm đến với nguồn chân lý, làm sao con người có thể nhận được ơn tha thứ?
Xin Chúa cho chúng ta có một tâm hồn yêu mến và nhạy cảm trước sự thật. Xin cho chúng ta biết can đảm vượt qua những trói buộc của đam mê, ích kỷ, tội lỗi, để tìm đến với sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta.
Để loan báo Tin Mừng cho Nước Chúa, Chúa Giêsu mời gọi ta phải hy sinh, từ bỏ. Cho nên, khi chấp nhận hy sinh của cải, danh dự, sự nghiệp hay từ bỏ thói hư tính xấu dù phải thiệt thòi, thiệt thân, chính lúc đó đức tin của ta được vững mạnh và vẹn toàn. Ta hãy can đảm vượt lên trên những khốn khó đó để vững vàng xưng Đạo Chúa ra trước mặt thiên hạ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống. Ngày nay chúng ta thấy trong cuộc sống không có những cuộc bách hại đạo công khai, không còn những hình phạt đe dọa. Nhưng trái lại, người Kitô hữu đang phải trải qua rất nhiều những khó khăn phải chịu để nói lên niềm tin của mình đến mức độ như là tử đạo. Nhưng lời Chúa hôm nay dạy chúng ta hãy an tâm, vì “ngay trong giờ đó Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12, 12). Chúa Thánh Thần là hồn sống, Ngài luôn hoạt động trong Hội Thánh để dẫn dắt Hội Thánh can đảm rao giảng rao giảng Tin Mừng.
Huệ Minh