Ghi Chú về Kinh Lạy Cha của Raissa Maritain

Nghe bài này

Nguyên Bản Tiếng Pháp “Notes sur le Pater”
do Nhà Desclée de Brouwer, Paris, France, ấn hành năm 1962

Giới Thiệu

Jacques và Raissa Maritain là cặp vợ chồng trí thức Công Giáo Pháp lý tưởng của thế kỷ 20. Theo Javier Martinez, hai người lý tưởng này đang trong diễn trình được phong á thánh.

Họ gặp nhau năm 1900 tại Đại Học Sorbonne, Paris. Cả hai đang đi tìm chân lý cho cuộc sống thông qua triết học. Mỗi lần đắn đo suy tư một ý niệm triết lý, họ đều nghĩ mình đã tiến gần chân lý hơn một chút, nhưng thực ra họ chỉ đụng tới điều Raissa gọi là “thuốc phiện siêu hình”. Chính tâm trạng ấy đã dẫn tới mưu toan tự tử.

Rất may, sau đó, điều họ khổ công tìm kiếm đã được tìm thấy trong cuộc nghiên cứu triết học Kitô Giáo của Thánh Tôma Aquinô và đây là lý do khiến họ, một người gốc Do Thái (Raissa) một người gốc Thệ Phản (Jacques) đã trở lại Đạo Công Giáo. Chính sự tha thiết tìm tòi các câu trả lời sâu sắc về thần học và triết học cho các câu hỏi chính chung quanh đức đức tin là lý do chính cặp vợ chồng này được xem xét để phong thánh.

Lúc mới 16 tuổi, sắp dự thi tú tài, được người dìu dắt hỏi cô muốn học gì trước nhất, Raissa Oumansov (nhũ danh của Raissa Maritain) trả lời vắn tắt: “muốn biết điều hiện hữu”. Và hiện hữu mà cô, vốn gốc Do Thái Giáo ngành Hasidic, muốn biết chính là Đấng Thiên Chúa có bản vị trước nỗi thống khổ của con người.

Cô vốn sinh ra trong một gia đình Do Thái trung lưu tại thành phố cảng Rostov-on-Don năm 1883. Khi lên hai, cha cô, một thợ may, di chuyển gia đình tới thành phố cảng Mariupol của Ukraine bên bờ Biển Azov. Trong 10 năm sống tại Đế Quốc Nga, cô được lên khuôn sâu sắc bởi lòng đạo và các truyền thống của gia đìinh ngoan đạo, nhất là bởi gương sáng của ông ngoại. Dù ở tuổi thơ ngây, nhưng nhờ chiêm ngưỡng niềm vui và lòng tốt dịu dàng của ông ngoại, cô học được gốc gác sâu xa của những đức tính này: “chúng phát xuất từ lòng đạo tuyệt vời của ông, lòng đạo của phái Hasidim, ngành huyền nhiệm trong Do Thái Giáo với rất nhiều sắc thái, có lúc nghiêng về trí thức có lúc nghiêng về xúc cảm… Tôn giáo của ông ngoại tôi là tôn giáo hoàn toàn của yêu thương và tin tưởng, hân hoan và bác ái”. Người ta thấy cái hiểu của Raissa về di sản Hasidic của bà rõ ràng nhất trong lời mô tả của bà về công trình và nhân cách của một người Nga gốc Do Thái khác tức Marc Chagall, bạn bà.

“Niềm vui thiêng liêng dịu dàng thấm nhiễm các công trình của anh đã phát sinh cùng với anh tại Vitebsk, trên đất Nga, trên đất Do Thái. Chính vì thế nó thấm đậm u sầu, bàng bạc nỗi luyến nhớ và niềm hy vọng bền bỉ. Quả thực, niềm vui Do Thái không giống bất cứ niềm vui nào khác; người ta có thể nói điều này bằng cách tìm gốc rễ của nó lặn sâu dưới thực tại đời thực, niềm vui Do Thái, cùng một lúc, từ thực tại này, rút ra cảm thức bi đát về tính mỏng dòn và chính cái chết của mình”.

Năm bà lên 10, lúc phong trào bài Do Thái lên cao ở Nga, gia đình bà di cư qua Paris. Chỉ 15 ngày sau khi tới đây, Raissa đã đủ vốn tiếng Pháp để hiểu bài và cuối cùng đã đứng thứ hai trong lớp. Sau khi đậu tú tài, bà ghi danh ở Phân Khoa Khoa Học của Sorbonne, nơi bà gặp Jacques Maritain, lúc đó đã đậu cử nhân triết và đang chuẩn bị thi cử nhân khoa học.

Cả hai cảm thấy trống rỗng và tuyệt vọng. Họ đánh giá cao phẩm chất giáo huấn họ nhận được, nhưng các ý niệm của các giáo sư không tương ứng với các hoài mong và các tra vấn sâu xa nhất của họ.

” Do đó, chúng tôi quyết định còn thì giờ còn tin tưởng vào thể vô minh; chúng tôi sẽ vẫn tin tưởng vào hiện hữu, như một kinh nghiệm cần phải làm, với hy vọng với ý nguyện nồng say của mình, ý nghĩa đời người sẽ tự ló dạng, các giá trị mới sẽ tự lộ diện rõ ràng đến có thể lôi cuốn sự gắn bó hoàn toàn của chúng tôi, và giải thoát chúng tôi khỏi cơn ác mộng của một thế giới thê thảm và vô ích này. Nếu kinh nghiệm này không diễn ra, giải pháp sẽ là tự vận; tự vận trước khi năm tháng không chất chồng bụi bặm, trước khi sức lực tuổi trẻ của chúng tôi không được sử dụng. Chúng tôi thà chết bằng một cự tuyệt tự do nếu không thể sống theo chân lý” (Les Grandes Amitiés, coll. « Livre de vie », Desclée de Brouwer, 1949).

Các khóa giảng của Henri Bergson ở Collège de France, mà Jacques và Raissa dự theo lời khuyên của Charles Péguy, giúp họ thoát khỏi nỗi thất vọng bằng cách cho phép họ tiên cảm sự hiện hữu của chân lý khách quan và “khả thể của công trình siêu hình”.

Sau lễ đính hôn của họ vào năm 1904, họ gặp Léon Bloy, người trở thành bạn thân của họ, và trở lại Đạo Công Giáo. Lễ Rửa Tội của họ diễn ra ngày 11 tháng Sáu năm 1906 với Léo Bloy là cha đỡ đầu.

Jacques và Raïssa Maritain chọn cha Humbert Clérissac, Dòng Đa Minh, làm cha linh hướng đầu tiên và sau khi vị này qua đời, họ chọn một Cha Dòng Đa Minh nổi tiếng khác làm linh hướng và bạn thân đó là Cha Garrigou-Lagrange.

Bà qua đời ngày 4 tháng Mười Một năm 1960 tại Paris, thọ 77 tuổi.

Raissa nổi tiếng là một nhà tư tưởng, thi sĩ Công Giáo Pháp. Như chính Jacques Maritain sau này xác nhận: không công trình nào của ông lại không có sự đóng góp của vợ. Bà là tác giả của ít nhất 7 cuốn sách, 4 tập thơ. Nổi tiếng hơn cả là cuốn “Les Grandes Amitiés” thuộc bộ “Sách Bỏ Túi” của Nhà Xuất Bản Desclée de Brouwer, năm 1949.
Ngoài ra, bà còn để lại rất nhiều ghi chú rải rác mà sau này được Jacques Maritain san định. Nhờ đó, có cuốn “Notes sur Le Pater” do Nhà Desclée de Brouwer, Paris, France, ấn hành năm 1962.

Chúng tôi mạn phép lược dịch cuốn sách trên sang tiếng Việt. Mời qúy độc giả đọc lời nói đầu của Jacques Maritain.

Còn tiếp…

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS