Tạp chí The Pillar, ngày 7 tháng 11 năm 2023, có đăng tải một bài giải thích về Tông thư mới của Đức Phanxicô ‘Ad theologiam Promovendam’ (Cổ vũ Thần học) cải tổ Giáo hoàng Học viện Thần học, một định chế lâu đời của Tòa Thánh.
Theo tạp chí này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ban hành một tông thư mới vào thứ Tư tuần trước kêu gọi một “sự thay đổi mô hình” trong thần học.
Bức thư, Ad theologiam Promovendam, được ban hành tự sắc, hoặc do sự thúc đẩy của chính Đức Giáo Hoàng, bổ sung vào danh sách ngày càng mở rộng các tài liệu như vậy kể từ cuộc bầu cử ngài vào năm 2013.
Tài liệu đề ngày 1 tháng 11 đã gây chú ý trên các phương tiện truyền thông thế tục với lời kêu gọi một cách tiếp cận mới đối với thần học. Nó cũng gợi lên cuộc thảo luận đáng kể giữa những người Công Giáo.
Dưới đây là hướng dẫn ngắn gọn về bản văn này:
Tài liệu nói về điều gì?
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết bức thư để báo hiệu sự chấp thuận của ngài đối với các quy chế mới được soạn thảo cho Giáo hoàng Học viện Thần học của Vatican (được biết đến với tên viết tắt PATH).
Cho đến nay, Giáo hoàng Học viện này – tọa lạc trên Via della Conciliazione của Rome và được Bộ Văn hóa và Giáo dục giám sát – đã tuân theo khóa học do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề ra vào năm 1999.
Trong tông thư Inter munera academiarum [Trong nhiệm vụ của các viện học thuật], Đức Giáo Hoàng người Ba Lan nói rằng “sứ mệnh chính của thần học ngày nay bao gồm việc cổ vũ cuộc đối thoại giữa Mặc khải và tín lý đức tin, đồng thời đưa ra một sự hiểu biết sâu sắc hơn bao giờ hết về nó”.
Ngài đã ban hành bức thư sau khi công bố thông điệp Fides et Ratio [đức tin và lý trí], trong đó nổi tiếng mô tả đức tin và lý trí là “giống như hai đôi cánh để trên đó tinh thần con người vươn lên chiêm ngưỡng sự thật”.
Các quy chế năm 2023 (hiện không có sẵn trực tuyến) bị ảnh hưởng bởi các tài liệu trước đó của Đức Giáo Hoàng, chẳng hạn như thông điệp Lumen fidei [ánhsáng đức tin] và tông huấn Evangelii gaudium [niềm vui Tin Mừng] năm 2013, và tông hiến Veritatis gaudium [niềm vui chân lý] năm 2018.
Tông thư nói gì
Bản văn gần 1,500 chữ hiện chỉ có bằng tiếng Ý (mặc dù có những bản dịch không chính thức). Tông thư được chia thành 10 điều, lấy tiêu đề từ những lời mở đầu hoặc incipit.
Điều 1
Đức Giáo Hoàng Phanxicô bắt đầu bằng một tuyên bố chắc chắn: “Để cổ vũ thần học trong tương lai, chúng ta không thể tự giới hạn vào việc đề xuất lại một cách trừu tượng các công thức và kế hoạch từ quá khứ”.
Điều này gợi lại những xác tín mà Đức Phanxicô đã bày tỏ trong cuộc phỏng vấn quan trọng đầu tiên sau cuộc bầu cử ngài, khi ngài nói rằng “sứ vụ mục vụ của Giáo hội không thể bị ám ảnh bởi việc truyền tải vô số học thuyết rời rạc được áp đặt một cách kiên quyết” và “Thiên Chúa đã tỏ mình ra như lịch sử, chứ không phải như một bản tóm lược các sự thật trừu tượng.”
Tông thư mới mô tả ơn gọi của thần học như “giải thích hiện tại một cách tiên tri và nhìn thấy những hành trình mới cho tương lai, dưới ánh sáng Mặc khải,” giữa những biến đổi văn hóa sâu sắc.
Điều 2
Đức Phanxicô vẽ lại lịch sử của Giáo hoàng Học viện Thần học, được thành lập năm 1718 bởi Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI. Ngài lưu ý rằng cấu trúc và mục đích của nó đã thay đổi qua nhiều thế kỷ, thể hiện qua nhiều lần lặp lại các quy chế của nó.
Điều 3
Đức Thánh Cha nói rằng đã đến lúc phải xem xét lại các quy chuẩn hướng dẫn học viện. Ngài viết: “Một Giáo hội có tính đồng nghị, truyền giáo và ‘đi ra ngoài’ cần có một nền thần học “đi ra ngoài” tương ứng.
Nhưng sự thay đổi này không chỉ đơn thuần là “chiến thuật”. Việc điều chỉnh “nội dung nay đã thành tinh thể cho phù hợp với các tình huống mới” là chưa đủ. Đúng hơn, thần học phải được xem xét lại cả về mặt nhận thức luận lẫn phương pháp luận, theo những đường lối được nêu ra trong lời tựa của Veritatis gaudium.
Điều 4
Được cho là phần quan trọng nhất của tông thư. Đức Phanxicô nói rằng suy tư thần học “được kêu gọi tiến đến một bước ngoặt, một sự thay đổi mô hình, một ‘cuộc cách mạng văn hóa can đảm’”.
“Cách mạng văn hóa” ở đây không ám chỉ cuộc biến động kéo dài hàng chục năm ở Trung Quốc khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Đúng hơn, nó là một trích dẫn từ thông điệp Laudato si’ năm 2015.
Bước ngoặt này bao gồm những gì? Đức Phanxicô nói rằng, trên hết, nó phải được đánh dấu bằng “một nền thần học theo bối cảnh từ nền tảng”.
Điều này có nghĩa là thần học phải “có khả năng đọc và giải thích Tin Mừng trong những điều kiện mà con người nam nữ sống hàng ngày, trong những môi trường địa lý, xã hội và văn hóa khác nhau”.
Ngài viết: “Bắt đầu từ đây, thần học chỉ có thể phát triển trong một nền văn hóa đối thoại và gặp gỡ giữa các truyền thống khác nhau và kiến thức khác nhau, giữa các tuyên tín Kitô giáo khác nhau và các tôn giáo khác nhau, cởi mở tiếp xúc với mọi người, những người có đức tin cũng như những người không có đức tin”.
Điều 5
Nếu thần học không có chiều kích tương quan này, thì nó có nguy cơ “bị cô lập và vô nghĩa”, Đức Phanxicô nói. Thay vào đó, thần học phải tự coi mình như được lồng “vào một mạng lưới các mối quan hệ, trước hết và trên hết với các ngành khác và kiến thức khác”.
Đức Giáo Hoàng gọi đây là “tính xuyên ngành” [transdisciplinarity], mà ngài định nghĩa là một hình thức liên ngành mạnh mẽ. Không nên nhầm nó với dạng yếu mà ngài gọi là “tính đa ngành” [multidisciplinarity].
Tính xuyên ngành cho phép thần học “sử dụng các phạm trù mới được khai triển bởi các kiến thức khác, để thâm nhập và truyền đạt các chân lý đức tin cũng như truyền tải giáo huấn của Chúa Giêsu bằng các ngôn ngữ ngày nay, một cách độc đáo và có phê phán”, Đức Thánh Cha giải thích.
Điều 6
Đức Phanxicô nói rằng điều quan trọng là các nhà thần học phải có “những nơi, kể cả những nơi có tính định chế, để sống và trải nghiệm tình hợp đoàn và tình huynh đệ thần học”.
Điều 7
Đức Thánh Cha viết rằng việc tập chú vào thần học như một khoa học không được làm lu mờ “chiều kích khôn ngoan” của nó, như Thánh Tôma Aquinô đã lưu ý.
Đức Phanxicô trích dẫn chân phúc Antonio Rosmini, sáng lập viên dòng Rosmini, đấng “coi thần học là một biểu thức cao siêu của ‘lòng bác ái trí thức’, trong khi kêu gọi lý lẽ phê phán của mọi kiến thức đều phải hướng tới Ý tưởng Khôn ngoan”.
Đức Giáo Hoàng nói: “Mà Ý tưởng Khôn ngoan luôn giữ cho Chân lý và Bác ái, từ nội tại, cùng ở với nhau trong một ‘vòng tròn vững chắc’, đến mức không thể biết sự thật mà không thực hành đức ái”.
Điều 8
Để bảo đảm thần học có “dấu ấn mục vụ” cần thiết, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các nhà thần học sử dụng “phương pháp quy nạp” (đi từ cụ thể đến tổng quát). Điều này có nghĩa là họ nên bắt đầu với “những tình huống cụ thể”, cho phép bản thân “bị thực tế thách thức một cách nghiêm túc”. Sau đó, họ nên tìm cách phân định “các dấu chỉ thời đại” trong việc loan báo biến cố cứu độ của Thiên Chúa-đức ái (agape), được thông truyền nơi Chúa Giêsu Kitô”.
Điều 9
Đức Thánh Cha kêu gọi giáo hoàng học viện tham gia “cuộc đối thoại xuyên ngành với các kiến thức khoa học, triết học, nhân văn và nghệ thuật khác, với những người có đức tin và những người không có đức tin, với những người nam nữ thuộc các giáo phái Kitô giáo khác và các tôn giáo khác”.
Ngài cho rằng điều này có thể đạt được bằng cách “tạo ra một cộng đồng học thuật để chia sẻ đức tin và nghiên cứu, tạo nên một mạng lưới các mối quan hệ với các tổ chức huấn luyện, giáo dục và văn hóa khác”.
Điều 10
Đức Giáo Hoàng kết luận rằng nhờ các quy chế mới của mình, Giáo hoàng Học viện Thần học “sẽ có thể dễ dàng theo đuổi các mục tiêu mà thời điểm hiện tại đòi hỏi”.
Tất cả có nghĩa gì?
Các nhà thần học được The Pillar hỏi ý kiến nói rằng cụm từ chính của tài liệu là “thần học theo ngữ cảnh” [contextual theology].
Thuật ngữ này, đôi khi còn được gọi là “thần học ngữ cảnh hóa”, thường bắt nguồn từ Shoki Coe (1914-1988), một mục sư của Giáo hội Trưởng lão ở Đài Loan, người lập luận rằng thần học cần giải quyết những mối quan tâm nảy sinh trong bối cảnh địa phương chuyên biệt.
Khái niệm này đã được tiếp thu một cách nhiệt tình ở nhiều nơi trong thế giới Công Giáo. Thần học giải phóng ở Mỹ Latinh đôi khi được coi là một thí dụ của nền thần học theo ngữ cảnh.
Các nhà thần học cũng lưu ý rằng tài liệu này được đánh dấu bằng “thần học nhân dân” (teología del pueblo), xuất hiện ở Á Căn Đình sau Công đồng Vatican II. Dòng suy nghĩ này, gắn liền với các nhà thần học như Lucio Gera, Rafael Tello, và Juan Carlos Scannone, coi dân chúng như một “Nguồn cứ liệu thần học” [locus theologicus] hay nguồn cứ liệu suy tư thần học.
Thần học nhân dân đã ảnh hưởng không những Đức Giáo Hoàng Phanxicô mà còn cả vị giám hộ tín lý mới của Vatican là Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, người mà một số nhà thần học cho rằng đã soạn thảo tông thư.
Massimo Faggioli, giáo sư thần học lịch sử tại Đại học Villanova ở Pennsylvania, phát biểu với tờ The Pillar ngày 5 tháng 11 rằng Ad theologiam provendam là tuyên bố mới nhất trong “một loạt các tuyên bố và tài liệu của Đức Phanxicô nói về việc thần học cần thay đổi và trở thành một phần của một Giáo Hội truyền giảng Tin Mừng và truyền giáo nhiều hơn”.
Ông nói rằng nó diễn ra sau những can thiệp quan trọng khác như lá thư năm 2015 gửi Đại học Công Giáo Á Căn Đình, bài phát biểu năm 2017 gửi các sinh viên và học giả, tông hiến Veritatis gaudium năm 2017, và bài phát biểu năm 2019 với các nhà thần học Ý.
Faggioli cho biết qua email, “‘Cuộc cách mạng văn hóa’ về thần học mà Đức Phanxicô nói đến ở đây [trong tông thư mới] phù hợp với nền giáo hội học của ngài kể từ Evangelii gaudium: một nền thần học ngữ cảnh hóa nhiều hơn, nói chuyện với và tiếp nhận từ dân Thiên Chúa, ít trừu tượng hơn và mang tính mục vụ hơn”.
“Tài liệu này liên quan đến các quy chế của Giáo hoàng Học viện Thần học nhưng có hoặc nên có các hệ luận đối với các nhà thần học Công Giáo trong tất cả các định chế học thuật, đặc biệt khi nó nói về thần học như là ‘kiến thức phê phán thực sự trong tư cách kiến thức khôn ngoan, không phải trừu tượng và ý thức hệ, mà là tâm linh, được khai triển trên đầu gối của chúng ta, được định hình bởi sự tôn thờ và cầu nguyện’ và nó không thể ‘quên chiều kích trí huệ/khôn ngoan của nó.’”
Ông nói thêm: “Tài liệu này kêu gọi các nhà thần học phải hiểu theo ngữ cảnh hơn nhưng điều này cũng hàm ý một quan điểm mang tính nhập thể, nhập thân, và chứng thực hơn về việc tuyên xưng – điều này rất khó hoặc không thể đưa vào bản mô tả công việc cho một lập trường mới hoặc một đánh giá các thành tựu của một nhà thần học Công Giáo.”
Faggioli cho rằng việc tiếp nhận tông thư sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Ông nói, “Thần học Công Giáo trong thế kỷ 21 được ‘thực hiện’ ở nhiều loại định chế khác nhau – giáo hoàng, Công Giáo với những xu hướng khác nhau, các trung tâm và học viện Công Giáo trong các định chế phi Công Giáo, v.v. – và có nhiều cách khác nhau để tiếp nhận hoặc bỏ qua tầm nhìn thần học phát xuất từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô này”.
“Đây là câu hỏi về tương lai của thần học Công Giáo ngày nay: làm thế nào để trở nên nghiêm túc về mặt học thuật, phê phán, khoa học và đồng thời có tính giáo hội dứt khoát. Hai khía cạnh này đang căng thẳng và có thể sinh hoa trái nhưng trong nhiều định chế ngày nay không cùng hiện hữu một cách tốt đẹp với nhau.”
Cha. Thomas Weinandy, O.F.M. Cap., một cựu thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế của Vatican, nói với The Pillar ngày 2 tháng 11 rằng ngài nghĩ tông thư mới có những điều mơ hồ và thiếu sót.
Ngài viết qua email, “Đó là một tài liệu điển hình của Đức Giáo Hoàng Phanxicô – rất nhiều từ ngữ khoa trương nhưng lại rất mơ hồ. Nó chủ yếu là chuông và còi”.
“[Đức Giáo Hoàng Phanxicô] tuyên bố như sau: Thần học phải tính đến những kinh nghiệm đương thời, phải phục vụ văn hóa, phải phát triển, phải tính đến cuộc cách mạng văn hóa, phải từ dưới lên, phải có tính mục vụ, phải tính đến lương tri của con người, phải mang tính truyền giáo.”
“Theo một nghĩa nào đó, tất cả những điều này có thể được hiểu theo nghĩa tích cực và được thừa nhận là đúng. Vấn đề là, như trường hợp thường thấy của Đức Phanxicô, không đề cập đến việc thần học phải dựa trên cách giải thích truyền thống về thánh kinh, truyền thống thần học và huấn quyền sống động, lời giảng dạy không thể sai lầm của các Công đồng, và phải trung thành với tín lý và giáo huấn luân lý Công Giáo”.
“Chỉ khi tất cả những điều này được tính đến thì thần học mới có thể giải quyết được nền văn hóa đương thời, phát triển một cách thích đáng, mang tính mục vụ, trung thành với sensus fidelium [cảm thức của các tín hữu] và mang tính truyền giáo”.
Cha Weinandy, người trước đây từng là giám đốc điều hành của Văn phòng Tín lý của các Giám mục Hoa Kỳ và đã viết một bức thư ngỏ năm 2017 bày tỏ mối quan ngại về thần học của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nói thêm: “Không thể có sự thay đổi mô hình đích thực nếu không trung thành ủng hộ và cổ vũ những gì Giáo hội đã giảng dạy một cách đích thực qua nhiều thế kỷ.”
“Những gì đã được dạy và tin tưởng trước đây bây giờ không thể nói là sai lầm.”
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Giáo hoàng Học viện cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 1 tháng 11 rằng tông thư đã mang lại cho học viện “năng lực mới để thực hiện một cuộc đối thoại liên ngành hữu hiệu”.
Giáo hoàng Học viện cho biết các quy chế mới đã công nhận một loại cộng tác viên mới trong công việc của mình, được gọi là “Interlocutori Referenti”, hoặc các học giả từ các truyền thống Kitô giáo khác nhau và các tôn giáo khác.
Nó cho biết họ sẽ hợp tác với các trường đại học và “các trung tâm sản xuất văn hóa và tư tưởng” khác. Nó cũng sẽ tổ chức các cuộc họp nhằm thúc đẩy việc “tiết lộ sự khôn ngoan” nhằm soi sáng không những các tín hữu mà cả những người không tin vào Thiên Chúa.
Đức Giám Mục Antonio Staglianò, chủ tịch Giáo hoàng Học viện Thần học, cho biết: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô giao phó cho giáo hoàng học viện của chúng tôi một sứ mệnh mới: đó là cổ vũ, trong mọi lĩnh vực kiến thức, thảo luận và đối thoại nhằm tiếp cận và thu hút tất cả dân Chúa vào nghiên cứu thần học, để đời sống dân chúng trở thành đời sống thần học”.