Một cuộc đấu tranh bắt đầu từ tháng 11/2022, bởi ông Naveed Amir Jeeva thuộc đảng Nhân dân Pakistan, và được hỗ trợ bởi Uỷ ban Giám mục về Công lý và Hoà bình. Ông đã trình bày tại Quốc hội để ấn định tuổi kết hôn của các Kitô hữu là 18. Và ngày 26/02 vừa qua, Thượng viện đã bỏ phiếu về Dự luật Hôn nhân Kitô giáo, theo đó đối với các Kitô hữu, ngưỡng pháp lý được nâng từ 16 lên 18 tuổi.
Trong một tuyên bố chung, Đức cha Samson Shukardin, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pakistan, đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Giám mục về Công lý và Hoà bình, cùng với cha Bernard Emmanuel, ông Naeem Yousaf Gill, lần lượt là Giám đốc quốc gia, và Giám đốc điều hành Uỷ ban nói trên, đánh giá cao về dự luật được thông qua. Tuyên bố viết: “Chúng tôi biết ơn Thượng viện Pakistan vì đã đáp ứng yêu cầu lâu dài của chúng tôi về việc tăng tuổi kết hôn thành 18 tuổi cho các thanh niên và thiếu nữ Kitô. Điều này sẽ giúp hạn chế xu hướng kết hôn sớm của các trẻ nữ, đặc biệt ở các vùng nông thôn”.
Các vị đứng đầu Uỷ ban Giám mục về Công lý và Hoà bình cám ơn đặc biệt thượng nghị sĩ Kamran Michael vì công việc đáng khen của ông khi trình bày dự luật hôn nhân Kitô giáo cho Thượng viện, và ông Naveed Amir Jeeva vì đã trình bày luật này trước Quốc hội. Theo các vị, luật này sẽ đóng một vai trò cơ bản trong việc thúc đẩy sự hoà nhập và tôn trọng cộng đoàn Kitô giáo trong khuôn khổ pháp luật. Dự luật này chắc chắn sẽ mở ra đường cho việc bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi việc cưỡng ép cải đạo và hôn nhân.
Nhà hoạt động nhân quyền Ata-ur-Rehman Saman đánh giá cao đối với luật vừa được Thượng viện thông qua, và gọi là “một thành công” trong cuộc đấu tranh đang diễn ra liên quan đến các quyền. Biện pháp này chắc chắn sẽ nâng cao tinh thần của mọi người và sẽ củng cố các tổ chức nhân quyền làm việc để bảo vệ các thành phần bị thiệt thòi trong xã hội. Luật này sẽ bảo vệ các thiếu nữ Kitô khỏi bị lạm dụng như trở thành những cô dâu trẻ em. Đây là bước khởi đầu trong việc hiện thực hóa quyền của các bé gái thuộc mọi tôn giáo ở Pakistan.
Ông mong muốn giới hạn độ tuổi kết hôn này được mở rộng cho tất cả mọi người. Hơn nữa, để bảo vệ các thiếu nữ thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số khỏi bị cưỡng bức cải đạo và cưỡng ép kết hôn, tiếp theo chính phủ phải “hình sự hóa” những trường hợp cưỡng bức cải đạo. Điều này sẽ mang lại cảm giác bảo vệ cho các nhóm thiểu số và cải thiện hình ảnh của đất nước trên trường quốc tế.
Vatican News