Ký ức và Hy vọng

Nghe bài này

timthumb.phpTrong Thánh Lễ sáng thứ Năm 15 tháng 5 tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến căn tính của Kitô hữu. Ngài nói người ta không thể hiểu một Kitô hữu lại ở bên ngoài cộng đoàn dân Thiên Chúa. Là một Kitô hữu, nghĩa là trở thành một phần của cộng đoàn dân Chúa.

Quảng diễn bài đọc Một từ sách Tông Đồ Công Vụ, Đức Thánh Cha nói: “Điều thú vị là khi các tông đồ rao giảng Chúa Giêsu Kitô họ không bao giờ bắt đầu với Ngài”, nói ví dụ như : “Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế”. Họ không bắt đầu như thế, thay vào đó, các Tông Đồ đưa ra chứng tá của các ngài bằng cách trình bày “lịch sử của dân tộc” . Chúng ta thấy điều đó ngày hôm nay, trong một đoạn trích từ sách Tông Đồ Công Vụ (13:13-25 ), trong đó kể lại lời chứng của Thánh Phaolô tại Hội Đường Pisidia thành Antiôkia. “Thánh Phêrô cũng làm như vậy trong bài giảng đầu tiên của mình và ông Stêphanô cũng đã làm như thế” .

Khi người ta hỏi các Tông Đồ “tại sao anh em lại tin vào người này?”, họ luôn bắt đầu nói về “Abraham và toàn bộ lịch sử của dân tộc” . Lý do của thái độ này thật là rõ ràng: “chúng ta không thể hiểu được Chúa Giêsu bên ngoài bối cảnh lịch sử này. Chúa Giêsu chính là điểm kết thúc cuối cùng mà toàn bộ lịch sử và cuộc hành trình của dân tộc hướng tới” .

Do đó, chúng ta đọc thấy trong sách Tông Đồ Công Vụ rằng Phaolô đã bắt đầu trong Hội Đường Do Thái với những lời này: “Thưa đồng bào Isarael và những người kính sợ Thiên Chúa, xin nghe đây: Thiên Chúa của dân Isarael đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Aicập, và đã giơ cánh tay mạnh mẽ của Người mà đem họ ra khỏi đó.”. Khi nói rằng Thiên Chúa “đã chọn tổ phụ chúng ta”, Thánh Phaolô bắt đầu diễn từ của mình “với sự lựa chọn một con người cụ thể của Thiên Chúa là ông Abraham” , người mà Thiên Chúa đã ra lệnh cho rời bỏ quê hương của mình, và ngôi nhà của cha mình. Thiên Chúa đã chọn Abraham và bắt đầu “một cuộc hành trình tuyển chọn: Dân Chúa là một dân được ưu tuyển, được lựa chọn nhưng luôn luôn trên một cuộc hành trình”. Đó là lý do tại sao “người ta không thể hiểu được Chúa Giêsu Kitô mà không có lịch sử chuẩn bị hướng về ngài” . Do đó, “người ta không thể hiểu một Kitô hữu tách biệt khỏi dân Thiên Chúa” . “Một Kitô hữu không phải là một đơn thể, đi đâu đó một mình. Không, người ấy thuộc về một dân tộc, là Giáo Hội vì thế một Kitô hữu mà không có Giáo Hội là một ý tưởng thuần túy, không phải là một thực tế!” .

Thiên Chúa đã hứa với ông Abraham: “Ta sẽ ban cho ngươi một dân tộc tuyệt vời!” . Như vậy, “dân tộc tiến bước trong cuộc hành trình này với một lời hứa ” , Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng chính đây là nơi mà chiều kích của ký ức được đưa vào”. Điều quan trọng là chúng ta, trong cuộc sống của mình, phải giữ cho ký ức luôn luôn sống động trước chúng ta” . Thật vậy,”một Kitô hữu là một con người nhớ về của lịch sử của dân mình; là người luôn nhớ lại cuộc hành trình dân mình đã kinh qua; là một người nhớ đến Giáo Hội mình” . Do đó, một Kitô hữu là một người lưu trữ ký ức về quá khứ.

“Dân tộc tiến bước hướng tới lời hứa cuối cùng và hướng tới sự viên mãn của nó; họ là một dân được tuyển chọn, có một lời hứa trong tương lai và đang trong cuộc lữ hành hướng tới lời hứa này, tới việc thực hiện lời hứa này”. Đó là lý do tại sao “Kitô hữu trong Giáo Hội là một người nam, nữ của hy vọng. Người đó hy vọng vào một lời hứa không phải là kỳ vọng: đó là điều hoàn toàn khác! Đó là hy vọng: là điều sắp xảy đến! Đó là niềm hy vọng mà không thể thất vọng được! ” .

Như vậy, “khi nhìn lại, thì người Kitô hữu là một người nhớ về quá khứ; người luôn luôn cầu xin ân sủng để nhớ”, trong khi ” nhìn về phía trước , người Kitô hữu là một người nam, nữ của hy vọng”. Giữa ký ức và hy vọng, người Kitô hữu trong hiện tại đi theo con đường của Thiên Chúa và canh tân giao ước với Thiên Chúa” . Trong thực tế người ấy liên tục nói với Chúa: Vâng, con ao ước huấn lệnh Ngài; con muốn biết thánh ý Chúa; con muốn theo Ngài. Làm như thế, người ấy là một con người của giao ước, là giao ước mà chúng ta đang cử hành ở đây mỗi ngày trên bàn thờ. Vì vậy, “người Kitô hữu luôn luôn là người nam, nữ của Thánh Thể” .

Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha nói, ” người ta không thể hiểu một Kitô hữu cô đơn” vì “Chúa Giêsu Kitô đã không rơi từ trên trời xuống như một anh hùng đến cứu chúng ta. Không, Chúa Giêsu Kitô có một lịch sử !”. Hơn nữa “chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa có một lịch sử vì đã muốn đồng hành với chúng ta” . Đó là lý do tại sao ” người ta không thể hiểu được Chúa Giêsu Kitô mà không có lịch sử ” , và đó cũng là lý do tại sao ” một Kitô hữu mà không có lịch sử, một Kitô hữu mà không thuộc về một dân tộc, một Kitô hữu mà không có Giáo Hội là không thể hiểu nổi: nó là một cái gì đó được sáng tạo ra trong phòng thí nghiệm, một cái gì đó nhân tạo, một cái gì đó không có sự sống ” .

Đức Thánh Cha tiếp tục bằng cách đưa ra một đề nghị chúng ta xét mình về tình trạng căn tính Kitô của chúng ta? Chúng ta hãy tự hỏi mình “xem mình có thuộc về một dân tộc, một Giáo Hội hay không. Nếu không thì chúng ta không phải là Kitô hữu vì thông qua bí tích rửa tội chúng ta bước vào Giáo Hội” .

Về vấn đề này, điều quan trọng là chúng ta có “thói quen kêu cầu ân sủng để ghi nhớ cuộc hành trình mà dân Thiên Chúa đã thực hiện, xin ký ức cá nhân để ta nhớ được những gì Thiên Chúa đã làm cho ta trong cuộc sống? và làm thế nào để có Ngài trong cuộc hành trình?” . Chúng ta cũng cần phải biết làm thế nào “để xin ân sủng của niềm hy vọng, chứ không phải xin ơn biết lạc quan: đó là cái gì khác” .

Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, chúng ta hãy “xin ơn để canh tân mỗi ngày giao ước của chúng ta với Chúa, Đấng đã kêu gọi chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta ba ân sủng cần thiết đó cho căn tính Kitô của mỗi người” .

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS