Laudate Deum, các nhà khoa học và các nhà hoạt động hòa chung tiếng nói với Đức Thánh Cha

Nghe bài này

Trong cuộc họp báo giới thiệu Tông huấn Laudate Deum vào sáng 5/10 tại vườn Vatican, nhiều chuyên gia, các đại diện của thế giới văn hóa và các hiệp hội trong và ngoài Công giáo liên quan đến các vấn đề môi trường ở cấp độ quốc tế, đã cùng hoà tiếng nói với Đức Thánh Cha để bảo vệ ngôi nhà chung.
Phát biểu trong buổi họp báo, Giáo sư Giorgio Parisi, người đoạt giải Nobel Vật lý đã bày tỏ sự đánh giá cao đối với Tông huấn Laudate Deum, một tài liệu mà ông cho là “cần thiết” hơn bao giờ hết. Ông đồng ý với cách Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến tính cấp thiết của sự tham gia toàn cầu và tiến hành một cách công bằng và hỗ trợ. Giáo sư Parisi nói: “Để đảm bảo dừng lại hiện tượng này thành công đòi hỏi nỗ lực to lớn từ phía mọi người”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện “sự chuyển giao nguồn lực lớn từ các nước tiên tiến hơn sang các nước kém phát triển hơn”. Về vấn đề này, ông đưa ra ví dụ liên quan đến Châu Phi: “Chúng ta không thể mong đợi người dân Châu Phi có đủ nguồn lực để xây dựng các tấm điện mặt trời. Chúng ta cần một kế hoạch toàn cầu để có thể đưa các nguồn năng lượng tái tạo đến những khu vực đó”. Hơn nữa, ông cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải cải thiện môi trường giáo dục, đặc biệt là giáo dục nữ giới ở những vùng này; từ đó, tạo ra nhận thức rằng bảo vệ môi trường là vấn đề thiết yếu của tập thể.

Qua kết nối từ xa, bà Vandana Shiva, nhà hoạt động, nhà khoa học và nhà bảo vệ môi trường, đã hợp tiếng cùng Đức Thánh Cha để bảo vệ môi trường. Bà hy vọng rằng một phần ba lượng khí thải có thể được tái hấp thụ và chúng ta có thể chấm dứt sự tuyệt chủng của các loài động vật.

Trong khi đó, nhà ẩm thực Carlo Petrini, cũng kết nối từ xa, ca ngợi tác động mạnh mẽ của tài liệu trong chính thời điểm thảm kịch về môi trường mà chúng ta đang trải qua. Ông nói thêm rằng trong 8 năm kể từ Laudato si’, “sự nhạy bén và quản trị chính trị quốc tế đã cho thấy là hoàn toàn không hiệu quả và đã tạo ra những điều kiện mà theo đó một phần đáng kể của hệ thống môi trường hiện nay bị tổn hại không thể phục hồi. Ông hy vọng những hành động đạo đức mà Đức Thánh Cha Phanxicô thực hiện có thể góp phần ngăn chặn thảm họa”. Ông Petrini nhấn mạnh: “Không ai có thể thờ ơ, mọi người phải trở thành chủ thể tích cực” của sự thay đổi.

Cũng trong buổi họp báo, nhà văn Jonathan Safran Foer liên tưởng môi trường ngày nay với lò hơi ngạt. Ông giải thích thật không may là bộ não con người rất giỏi tính toán đường đi của một cơn bão, trong khi lại khó có thể đồng cảm. Đó chính là vấn đề liên quan đến những người từ thâm tâm phủ nhận biến đổi khí hậu: ngay cả khi có những dấu hiệu rõ ràng, chúng ta cũng không cảm thấy liên quan. Ông đặt câu hỏi: “Chúng ta có sẵn lòng tin vào những gì các nhà khoa học nói với chúng ta không?”, “Chúng ta có sẵn sàng một sự hy sinh nhỏ bé của mình cho tương lai không?” Và, với tư cách là một người Do Thái, ông trích lời Thánh Phanxicô: khi chết, chúng ta sẽ không mang theo được gì, trừ những gì chúng ta đã cho đi.

Ali, từ Libya đến Ý vào năm 2020, cũng phát biểu trong buổi họp báo với tư cách là người di cư. Jubran Ali Mohammed Ali đã học kinh tế tại Tripoli khi chiến tranh bắt đầu vào năm 2011, anh ngừng học và bắt đầu làm thợ hồ. Ở Ý, anh tiếp tục học với tư cách là nhà hòa giải văn hóa. Nói về cơn bão Daniel đã phá hủy thành phố Derna, anh nói: Tất cả điều này xảy ra không chỉ vì biến đổi khí hậu mà còn vì những ngôi nhà được xây dựng dưới con đập và không bao giờ có bất kỳ sự kiểm soát hay bảo trì nào. Anh mong đất nước của anh sẽ thay đổi và cũng mong mọi người biết tôn trọng thiên nhiên và bảo vệ ngôi nhà chung là trái đất.

Trong khi đó, Alessandra Sarmentino, thuộc Dự án Policoro của Tổng Giáo phận Palermo, linh hoạt viên của Phong trào Laudato si’ và cộng tác viên của phong trào Công giáo Tiến hành đã tố cáo rằng “vấn đề đáng buồn nhất là thói quen. Chúng tôi đã quen với viễn cảnh cái chết và chúng ta chỉ lo lắng khi nó ở ngay trước cửa nhà mình”.

Đối với Arthus-Bertrand Yann, đạo diễn của nhiều phim tài liệu truyền hình về môi trường, nhận định rằng: “chuyển đổi sinh thái không đến từ thế giới kinh tế – chính trị, nhưng sẽ là cuộc hoán cải thiêng liêng”.

Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS