Rio và giới trẻ thực sự đã bước vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Từ Úc Châu, hơn 1,800 khách hành hương cùng với 16 giám mục đã lên đường tới thành phố có tượng Chúa Kitô Cứu Chuộc được liệt kê như một trong Bẩy Kỳ Quan Mới của thế giới này.
Họ thuộc 40 nhóm khác nhau lên đường từ khắp nước Úc. Nhóm đông nhất là nhóm của Tổng Giáo Phận Sydney, nơi tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2008. Nhóm này gồm 450 người do Đức Hồng Y George Pell và 3 giám mục phụ ta hướng dẫn.
Trong khi đó, Đức Cha Anthony Fisher, Giám Mục Parramatta và là giám đốc Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2008 tại Sydney, hướng dẫn nhóm đông thứ hai gồm 250 khách hành hương.
Những nhóm hành hương này đại diện rộng rãi cho Giáo Hội Úc Châu, trong đó có cả một nhóm Thổ Dân đi từ Darwin và một nhóm người Việt đi từ Nam Úc. Nhiều nhóm bao gồm các chương trình hòa mình và truyền giáo vào hành trình lần này. Hợp tác với các phong trào và tổ chức như Phong Trào Sự Sống Công Giáo, Caritas và Dòng Columbans, khách hành hương Úc sẽ thực hiện nhiều dự án xây dựng như cầu thang cho nhiều thế đất hiểm trở, các trung tâm sinh hoạt và cả nhiều nhà nguyện nữa.
Đức Cha Fisher, giám mục phụ trách giới trẻ của Hội Đồng Giám Mục Úc Châu, cho hay: “Ngày Giới Trẻ Thế Giới tiếp tục mời gọi giới trẻ của Giáo Hội chúng tôi tại Úc dấn thân, và Ngày Giới Trẻ Rio là cuộc hành hương lớn nhất của chúng tôi tới một Ngày Giới Trẻ Thế Giới không tổ chức tại Âu Châu. Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Giáo Hội và trong đời sống người trẻ. Ngày Giới Trẻ Rio là dịp may độc đáo để giới trẻ phục vụ trong kinh nghiệm truyền giáo tại Nam Mỹ, và gặp gỡ Đức Thánh Cha đầu tiên người Nam Mỹ của chúng tôi”.
Trong tuần lễ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, 4 giám mục Úc, Đức HY Pell, Đức TGM Mark Coleridge của Brisbane, Đức Cha Eugene Hurley của Darwin và Đức Cha Bishop Fisher đã được yêu cầu dạy giáo lý cho giới trẻ. Úc cũng sẽ cung cấp các nhóm sinh động giáo lý đến từ hai tổng giáo phận Sydney và Perth. Các nhóm này sẽ phối hợp các buổi giáo lý vào buổi sáng các ngày Thứ Tư, Thứ Năm và Thứ Sáu của Đại Hội. Ngày sinh hoạt chung dành cho các nhóm Úc sẽ được tổ chức vào ngày 24 tháng 7, tại Vivo Rio, từ 2 giờ tới 4 giờ chiều, nhằm xây dựng căn tính và cổ vũ hiệp thông giữa các khách hành hương.
Malcolm Hart, viên chức kỳ cựu tại thừa tác vụ giới trẻ thuộc Ủy Ban Mục Vụ Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Úc, đặt nhiều kỳ vọng ở cuộc họp mặt trên. Anh cho hay: cuộc họp tương tự “tại Madrid hết sức phấn khích và thực sự đã tạo được một cảm thức mục đích cho tuần lễ chúng tôi ở với nhau. Tập chú của cuộc gặp năm nay sẽ là việc suy niệm Năm Hồng Ân và làm thế nào chuyển từ giai đoạn suy niệm qua giai đoạn hành động vì chúng tôi vốn được mời gọi ra đi và làm muôn dân thành môn đệ. Phần lớn các chương trình sẽ đầy ngạc nhiên đối với người tham dự, nhưng năm nay, tôi có thể nói rằng chúng ta sẽ được nghe một số đông người hành hương trẻ của Úc, các giám mục và một số nhạc sĩ Công Giáo mới ra lò. Chúng tôi cũng sẽ chào mời một đoàn hạc sĩ quốc tế thăm Úc vào cuối năm nay để tham dự Ngày Lễ Hội Giới Trẻ Công Giáo Úc”.
Rio đã sẵn sàng
Lisa Flueckiger của tờ Rio Times cho hay Rio, Cidade Maravilhosa, Thành Phố Diệu Kỳ, đã sẵn sàng đón tiếp tuổi trẻ và người hành hương thế giới, ước chừng hơn hai triệu. Thành phố đã dự trù nhiều biện pháp để bảo đảm giao thông và an ninh cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới, nhất là sau những đợt biểu tình hồi tháng Sáu vừa qua.
Nhà cầm quyền đã công bố các ngày 25 và 26 tháng Bẩy là ngày nghỉ cũng như nửa ngày 23. Các cơ sở thương mại nói chung như cửa tiệm và nhà hàng vẫn sẽ mở cửa, trừ ngân hàng.
Nhà cầm quyền cũng sẽ tăng cường nhân viên thuế quan và cảnh sát từ 16 tới 193 phần trăm tùy theo khu vực. Lực lượng an ninh của thành phố đã được tăng cường bởi 10,000 binh sĩ cộng với 12,000 cảnh sát dân sự. Ngoài ra còn hàng trăm cảnh sát thường phuc nữa. Số xe buýt đường xa cũng sẽ được gia tăng với 20,000 xe nữa chạy về Rio trong các ngày hội. Các cuộc bố ráp chống các xe búyt bất hợp pháp cũng đã được tổ chức và một trang mạng đã được thiết lập để khách hành hương kiểm soát tính hợp pháp của các xe buýt. Các khách sạn trong thành phố đã được giữ chỗ tới 60%.
Để theo dõi diễn tiến tổng quát của các biến cố, một Trung Tâm Quản Trị Rủi Ro cũng đã được thiết lập và sẽ hoạt động 24 trên 24 tiếng đồng hồ với sự hợp tác của nhiều thiện nguyện viên trên đường phố. Họ sẽ sử dụng điện thoại thông minh và kỹ thuật bản đồ để thông báo những gì đang xẩy ra trong thành phố và cung cấp những hình ảnh đúng lúc.
Ngày Giới Trẻ Thế Giới và cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là một thử nghiệm đối với an ninh và hạ tầng của Rio trước Giải Túc Cầu Thế Giới năm 2014 và Thế Vận Hội năm 2016 cũng như khả năng đương đầu với số lượng du khách khổng lồ.
Thay đổi xã hội trong vùng
Tờ Rio Times cũng đăng nhận định của Paul J. Griffiths, Giáo Sư Thần Học Công Giáo tại Phân Khoa Thần Học Duke, về chuyến đi Rio của Đức Phanxicô nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới.
Theo ông, đối với người Công Giáo thế giới, không có sức mạnh thay đổi nào lớn hơn các quan điểm của một vị giáo hoàng. Nhân cuộc tông du đầu tiên ra ngoại quốc để thăm Ba Tây, Đức Phanxicô có dịp nói rõ bản chất triều đại giáo hoàng của mình. Thành thử, đây là cuộc tông du đáng theo dõi không những vì nó sẽ cho thấy rõ bản chất ngôi vị giáo hoàng, mà còn có thể khởi diễn nhiều thay đổi lớn lao về xã hội và kinh tế trong vùng.
Là một người Á Căn Đình và Hồng Y TGM Buenos Aires từ năm 2001 tới ngày được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô biết rõ số phận của hàng triệu người nghèo trong vùng. Ngài là người có kính nghiệm trực tiếp từ hồi còn trẻ về những bất quân bình lớn lao về giầu có và quyền lực vốn là đặc điểm của các thành phố lớn trên thế giới ngày nay.
Giống Rio de Janeiro và São Paulo, những địa điểm của các cuộc biểu tình gần đây, Buenos Aires là một trong các thành phố nơi tương lai Đạo Công Giáo ở Nam Mỹ sẽ được quyết định. Giống các thành phố vẫn còn đang phát triển hỗn độn tại nam bán cầu, các thành phố này hiện là trung tâm cho những khu ổ chuột kinh hoàng không kém những khu nghèo nàn nhất của New York và London ngày trước, và chỉ cách các cộng đồng kinh tế ưu đãi vài bước.
Tại Ba Tây ngày nay, và nhất là tại São Paulo và Rio, các người biểu tình không những rất quan tâm tới nạn tham nhũng và việc gia tăng giá cả đối với các nhu yếu phẩm, mà còn quan tâm tới những bất bình đẳng sâu xa nữa, giống như Phong Trào Chiếm Dụng (Occupy Movement) tại Mỹ vậy. Tuy chưa đòi thay chế độ, nhưng họ từng tuyên bố không thể chấp nhận các bất quân bình họ đang chứng kiến và sống với.
Đức Phanxicô dự tính dành gần hết thời gian thăm Ba Tây cho Rio, và sẽ thăm một trong các khu ổ chuột tệ nhất của thành phố này, tức khu ổ chuột Varginha, thuộc khu vực Manguinhos. Liệu ngài có tìm ra lời để nói với người nghèo Rio, và qua họ, nói với người nghèo Ba Tây, người nghèo Nam Mỹ và người nghèo thế giới hòng an ủi họ và gợi hứng cho họ, giúp huấn luyện họ thành một lực lượng thay đổi hay không? Liệu ngài có tìm ra cách để nói với chính phủ Ba Tây và thế giới bằng những ngôn từ cho thấy: hiện trạng sự vật hiện nay không thể nào chấp nhận được, cần có những thay đổi sâu xa và có tính cơ cấu?
Ngài từng đưa ra một vài dấu hiệu cho thấy ngài quan tâm đặc biệt đối với vấn đề nghèo đói, và từng đặc biệt đồng hóa với người nghèo. Tên hiệu giáo hoàng của ngài, tức tên của Thánh Phanxicô Assisi, là một trong các dấu hiệu này.Trong số tất cả các thánh, Thánh Phanxicô là vị thánh suy nghĩ nhiều hơn hết về bản chất của nghèo đói, và ta nên hay không nên tiếp nhận nó ra sao. Ngài nói về điều này một cách sâu sắc đến nỗi vừa có thể khẳng định người nghèo trong cảnh nghèo của họ vừa chỉ ra cách để họ và cả những người áp bức họ có thể thay đổi được hiện trạng cho tốt hơn.
Và ngài đã làm việc trên với một sức htuyết phục không ai có được. Các chính phủ quốc gia và các cơ quan nhà nước, tại Ba Tây cũng như tại các nơi khác, đều ngập ngừng trong các vấn đề này. Người ta thấy họ rõ ràng đang nằm trong tay các phần tử ưu đãi, và những điều họ làm và nói về các vấn đề này không có được sức thuyết phục tinh thần.
Còn Đức Phanxicô thì sao? Ở đây, ta thấy đã có tiền lệ: Đức Phanxicô có thể gây xúc tác cho các thay đổi xã hội và kinh tế đối với cảnh nghèo ở Châu Mỹ La Tinh và nam bán cầu theo cùng cung cách như Đức Gioan Phaolô II đã làm trong thập niên 1980 đối với ách thống trị Xô Viết tại Đông Âu.
Nhưng ta thấy có nan đề. Từ thập niên 1970, Giáo Hội Công Giáo tại Nam Mỹ từng tạo ra rồi lại bác bỏ một phong trào thần học, tức thần học giải phóng, mà quan tâm hàng đầu là thân phận người nghèo, và nhiều lần đã “liên minh” với một số chế độ chính trị áp chế tại đó. Đức Phanxicô, theo Griffiths, cần vượt qua các trở ngại do lịch sử này tạo ra mới mong tìm được tiếng nói trong các các vấn đề này.