Đền thánh Aparecida
Trong dịp Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2013, ngài sẽ bỏ ra một ngày để viếng thăm vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Aparecida.
Ngài sẽ là vị giáo hoàng thứ ba tới viếng thăm đền thánh. Đức Gioan Phaolô đã tới đây năm 1980 và nâng danh hiệu ngôi đền còn đang xây cất dang dở lên bậc vương cung thánh đường, đức Benedicto cũng đã đến đây nhân dịp đại hội đồng các giám mục vùng Nam Mỹ (Latin America and the Caribbean) năm 2007.
Ngôi đền tôn kính Đức Mẹ nằm cạnh xa lộ SP-060, giữa đường từ Sao Paulo tới Rio De Janeiro, cách Rio 240km về phiá Tây (150 miles).
Đây là ngôi đền Đức Mẹ lớn nhất thế giới, và tính theo diện tích thì là ngôi nhà thờ lớn thứ hai cuả Công Giáo, chỉ đứng sau đền Thánh Phêrô ở Rome.
Tuy đền thánh Aparecida mới phát triển nhưng đã nhanh chóng vượt qua các trung tâm hành hương khác. Số người viếng thăm trong năm 2012 đếm được hơn 11 triệu người, so với Lộ đức trung bình 5 triệu mỗi năm.
Tuy chữ Aparecida có nghiã là “đấng đã tỏ mình ra”, nhưng khác với Lộ Đức, Fatima hoặc Guadalupe, không có biến cố Đức Mẹ hiện ra ở đây để truyền bá một thông điệp, cũng không hề có truyền thuyết trong dân gian về việc Đức Mẹ đã xuất hiện để cứu khổ cứu nạn cho dân như ở La Vang bên VN ta. Ở đây, hiện tượng là một bức tượng nhiệm mầu ban nhiều ơn phúc, một hiện tượng giống như trường hợp bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bị chôn vùi dưới nước ớ giáo xứ La Mã (Bến Tre) hoặc bức tượng Thánh Du bị vỡ nát ở núi Tà Pao, Bình Tuy.
Mà câu chuyện về Đức Mẹ Aparedida thì lại giống như hai câu chuyện Đức Mẹ La Mã và Tà Pao nhập lại. Nghiã là xoay quanh một bức tượng bị vỡ, bị chôn vùi dưới đám bùn cát trong lòng sông nhiều năm.
Câu chuyện Đức Mẹ Aparecida
Cách đây trên 300 năm khi Brazil còn ở trong thời kỳ sơ khai lập quốc, những người di dân từ Bồ đào Nha (Portugal), vốn có lòng tôn kính tước hiệu ‘Vô Nhiễm Nguyên Tội’, thường mang theo những bức tượng của Mẹ để trưng bày trong nhà. Giống như bên VN người ta ưa chuộng các bức tượng Lộ Đức, Fatima, La Vang hay là bức ảnh ĐMHCG vậy.
Các bức tượng thường được nhập cảng từ ‘mẫu quốc’ Portugal hoặc đơn sơ hơn là nặn bằng đất sét tại chỗ, thường là từ một nhà dòng ‘Phan xi cô khó khăn’ vùng Carioca ở Sao Paulo, do một ‘thầy hèn mọn’ (Frei) tên là Frei Agostino de Jesus nặn ra. Tượng ĐM Aparecida có lẽ được sản xuất trong những năm 1650.
Trong bối cảnh như thế, thì vào tháng Mười năm 1717, Ngài Dom Pedro de Almedida, bá tước cuả Assumar, nhận chức thống đốc Sao Paulo và được Vua ban cho một lãnh địa là bang Minas Gerais (sau này là bang đông dân nhất cuả Brazil). Trên đường đi kinh lý ông sẽ dừng chân tại Guarantinqueta, một phố nhỏ ở thung lũng sông Paraiba.
Dân chúng thường tổ chức đón tiếp vị lãnh chuá một cách rất hoành tráng, bởi vì ông ta có thể đánh thuế nặng hơn, hoặc ban phát ân huệ bằng cách giảm thuế đi. Người dân Guarantinqueta quyết định tổ chức một bữa tiệc tuyệt vời để tôn vinh vị bá tước mới, và việc có rất nhiều cá là điều cần thiết.
Tuy nhiên, vào lúc này thì mùa cá đã mãn từ lâu rồi. Và sau một ngày cặm cụi, mọi ngư dân đã hoàn toàn tuyệt vọng và xếp lưới trở về nhà. Trong số họ là ba ngư phủ có lòng sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tên là Domingos Garcia, Joco Alves, và Felipe Pedroso. Trước khi đi đánh cá, họ đã cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ cho nhiệm vụ khó khăn này. Bây giờ trong lúc chiều tà, đau lòng nhìn thấy bến tàu Itaguagu xuất hiện ở trước mắt, Felipe tụ hợp 2 anh em khác lại và quỳ xuống cầu nguyện một cách đơn sơ rằng “Lạy Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, chúng con cần phải có cá!”
Rồi sau đó anh Joco bỏ lưới một lần nữa. Anh cũng không tìm thấy cá nhưng thay vào đó vớt lên được một một bức tượng không đầu! Joco ngạc nhiên kêu lên “Domingo, Felipe! đến mà xem!” Họ bỏ lưới một lần nữa và vớt lên được phần đầu của bức tượng!
Họ cẩn thận rửa sạch bức tượng và nhận ra đó là tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thế là không mất lòng trông cậy, họ dùng vải bọc bức tượng lại và tiếp tục thả lưới thâu đêm. Domingo sau này nhận xét rằng “Chúng tôi đã làm việc suốt một đêm nữa và cũng không tìm thấy một con cá nào cả!”
Tới lúc đó thì Felipe đưa ra một đề nghị: “Chúng ta hãy vừa thả lưới vừa dục lòng trông cậy vào Đức Trinh Nữ Aparecida (đấng đã tỏ mình ra).”
Ngay từ thời điểm đó, mọi mẻ lưới cuả họ đều vớt được đầy cá, và các thuyền cuả họ gần như muốn chìm vì chở nhiều cá quá. Đây là phép lạ đầu tiên của Đức Mẹ Aparecida.
Trước sự lạ lùng đó, các ngư dân đặt tên cho bức tượng là Nossa Senhora Aparecida da Conceição (Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã tỏ mình ra). Những người quanh vùng bắt đầu đến tôn kính bức tượng, và gọi một cách vắn tắt là Đức Mẹ Aparecida.
Vì bị chìm trong nước nhiều năm cho nên lớp men rực rỡ ở bên ngoài cuả bức tượng đã tan mất, chỉ còn lại một màu nâu sẫm cuả loại sành đã bị hoá chất phản ứng, người ta dùng một tấm áo thêu bao phủ toàn thể bức tượng, chỉ để lộ ra khuôn mặt và bàn tay.
Sự Phát Triển
Trong 15 năm đầu, bức tượng vẫn để tại nhà cuả anh Filipe Pedroso trong một ngôi nhà nguyện nhỏ của gia đình xây nên. Nhưng những câu chuyện phép lạ đã được lan truyền ra khắp Brazil và ngôi nhà nguyện cuả gia đình trở thành quá nhỏ. Năm 1737, các linh mục ở Guaratinguetá bắt đầu xây dựng cho Mẹ một ngôi đền lớn hơn trên đồi Morro dos Coqueiros và khánh thành vào năm 1745.
Lòng tôn kính bức tượng phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong giới những người Brazil gốc Phi Châu (Brazil có một dân số gốc châu Phi hơn 75 triệu người), thứ nhất là vì mầu sắc cuả bức tượng mà người ta thường gọi nôm na là Đức Bà Đen, thứ hai còn là vì một trong những phép lạ đầu tiên đã xẩy ra là cho một thanh niên nô lệ da đen. (xin xem note *)
Số lượng tín đồ tăng lên đáng kể cho nên năm 1834 người ta phải xây một nhà thờ lớn hơn nữa. Ngôi nhà thờ naỳ sau này được nâng lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường.
Năm 1904, để kỷ niệm năm thứ 50 việc công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm, bức tượng Đức Mẹ Aparecida đã được trao thêm một vương miện với nhiều đá quý. Lễ đăng quang được thực hiện thay mặt cho Đức Giáo Hoàng Piô X với sự tham dự cuả Tổng Thống Rodrigues Alves.
20 năm sau, khu vực quanh nhà thờ được ‘đô thị hoá’, trở thành một thị trấn riêng biệt lấy tên là Aparecida.
Năm 1930, Đức Trinh Nữ Maria, dưới danh hiệu Đức Mẹ Aparecida, đã được công bố là “Nữ Vương Bổn Mạng chính của Brazil” bởi Đức Giáo Hoàng Piô XI. Vị quan thầy cũ cuả Brazil, thánh Phêrô thành Alcantara, trở thành ‘đồng quan thầy’.
Cho đến đầu những năm 1950, Aparecida vẫn còn là một thành phố khiêm tốn do các cha dòng Chuá Cứu Thế đến từ nước Đức coi sóc. Đây cũng là giáo xứ đầu tiên cuả dòng Chuá Cứu Thế ở Châu Mỹ La Tinh, các cha DCCT đã mở một đài phát thanh riêng vào năm 1951. Chương trình phát thanh từ Aparecida trở thành một trong những nỗ lực truyền giáo thành công nhất ở Nam Mỹ, với một mạng lưới hiện nay là 120 đài và với một hiệp hội hỗ trợ lên tới gần một triệu thành viên.
Năm 1955, người ta khởi công xây dựng Vương Cung Thánh Đường mới, ngôi “Tiểu Vương Cung Thánh Đường cũ” được gọi là “Nhà Thờ Cũ”.
Năm 1958, do sự phát triển của cộng đồng Công Giáo xung quanh đền Đức Mẹ Aparecida, Tòa Thánh quyết định lập Tổng Giáo Phận Aparecida, dùng một phần lãnh thổ của Tổng Giáo Phận Sao Paulo và một phần cuả Giáo Phận Taubaté để hình thành tổng giáo phận mới.
Những chống đối.
Việt Nam ta có câu “bụt trên toà sao gà mổ mắt?”, ý nói cứ ăn ở hiền lành thì không ai sẽ đụng chạm đến mình.
Điều đó không đúng cho trường hợp Đức Mẹ Aparecida.
Ngài chỉ ban ân mà thôi, không luận phạt ai cả, thế mà…
Việc sùng kính bức tượng là nguồn xung đột tôn giaó giữa người Công Giáo và Tin Lành ở Brazil. Người Tin lành, cách riêng phái Ngũ Tuần đang bành trướng mạnh mẽ ở đây, cho rằng việc làm đó là thuộc loại thờ phượng ngẫu tượng phải bị lên án. Tuy nhiên những phái tin lành khác như Baptist, Lutheran, Methodist và presbiterians thì lại có quan hệ tốt với Công Giáo, nhưng họ là thiểu số không đáng kể.
Ngày 16 tháng 5 năm 1978, sau khi thánh lễ cuối ngày vừa kết thúc, thì một người Tin Lành đã cướp lấy bức tượng chạy đi. Anh ta bị giáo dân đuổi rút và bị bắt. Trong lúc giằng co, bức tượng rớt xuống đất vỡ tan.
Vì bức tương làm bằng đất sét lại bị ngâm nước lâu năm, cho nên hầu như không có phương pháp nào có thể gắn các mảnh vụn lại với nhau. Một nhóm nghệ nhân rành nghề đã được chọn và với sự cần cù nhẫn nại, họ đã thành công ráp lại bức tượng một lần nữa. Ngày nay bức tượng được bảo vệ trong một tủ kính kiên cố.
Một lần nữa vào chính ngày lễ Đức Mẹ Aparecida (12 tháng 10) năm 1995, một mục sư cuả phái Tin Lành ‘Giáo Hội phổ quát của Nước Thiên Chúa’ (UCKG) tên là Sérgio Von Helder đã tổ chức một chương trình gọi là ‘đá văng vị thánh’. ông là một giảng sư trên truyền hình và ông đã biểu diễn đá vào một bức tượng giống như tượng Đức Mẹ Aparecida trong một chương trình phát sóng ban đêm cuả đài Rede Record.
Tuy không có nhiều người đón xem chương trình đêm cuả ông, nhưng ngày hôm sau, tờ báo Rede Globo’s Jornal Nacional đã kết án vụ việc, gây ra một chấn động trên toàn quốc. Sự cố bị đa số người Công Giáo coi như là một hành động bất khoan dung tôn giáo, và đã gây ra một làn sóng phản đối công khai. Một số đền thờ của UCKG trở thành mục tiêu của những người biểu tình, và mục sư Von Helder phải bị di chuyển đi qua Nam Phi cho đến khi những tranh cãi lắng dịu và được quên đi.
Chương trình thăm viếng cuả Đức Thánh Cha và cách xin khấn trong thánh lể cuả Đức Giáo Hoàng.
Aparecida có một ý nghĩa đặc biệt đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Năm 2007, khi còn là tổng giám mục Buenos Aires, ngài đã lãnh đạo nhóm dự thảo tuyên bố của Đại hội đồng thứ năm của các giám mục châu Mỹ La tinh và vùng Caribê, gọi là tài liệu Aparecida và ngày nay được xem như là một tài liệu không thể thiếu của các hướng dẫn cho Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh.
Sau khi tới Rio de Janeiro ngày 22 tháng 7 và được Tổng Thống đón tiếp, Đức Thánh Cha sẽ lưu ngụ tại Residence Sumaré và tiếp tục các buổi thăm viếng ngoại giao với các viên chức tôn giáo và chính quyền Brazil.
Sáng ngày 24 tháng 7, lúc 8:15 sáng, ngài sẽ đi bằng máy bay trực thăng đến đền thờ Đức Mẹ Aparecida, và cử hành Thánh Lễ tại đây.
Ngài sẽ ăn trưa với các giám mục và chủng sinh tại Chủng viện truyền giáo Bom Jesus và trở lại Rio de Janeiro trong ngày.
Hôm sau, ngài sẽ đi thăm khu ổ chuột trưóc khi bắt đầu chương trình Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio.
Các tín hữu Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới có thể gửi ý cầu nguyện đến đền Đức Mẹ Aparecida cho Thánh Lễ cuả Đức Giáo Hoàng.
Văn phòng báo chí của đền Aparecida thông báo rằng họ đang thu thập tất cả các ý chỉ và ghi lại trong một cuốn sách đặc biệt sẽ được trao cho Đức Thánh Cha.
Hạn cuối cùng nhận ý chỉ cầu nguyện cho Thánh Lễ là ngày 14 tháng 7 này. Xin ghi chú không phải trả tiền cho việc xin khấn này.
Những người muốn gửi ý cầu nguyện có thể truy cập: Xin nhấn vào đây
Website viết bằng tiếng Bồ Đào Nha nhưng có thể dùng Google để dịch ra tiếng Anh/Pháp hoặc tiếng VN. Trong phần địa chỉ có một khuôn ghi chú là Estado/Condition/Điều kiện (thực ra là những vùng cuả Brazil), chúng ta cứ đề yên như vậy.
Note *: Theo bản tường trình viết năm 1838 bởi LM Francisco Claro de Vasconcellos, Tổng thư ký Hội đồng quản trị Thánh địa lúc đó, thì vào khoảng những năm 1790 người ta lập nhiều đồn điền mía tại thung lũng Paraiba và đưa rất nhiều nô lệ da đen tới đây.
Cha Francisco không viết tên của người nô lệ, nhưng có người gọi anh ta là Zacarias. Bàn văn cuả Cha Francisco viết như sau:
“Một nô lệ bỏ trốn đã bị bắt và bị ông chủ xiềng lại và đưa trở lại đồn điền. Khi đi qua nhà thờ, anh ta xin ông chủ cho phép được vào nhà thờ để nói vài lời cầu nguyện. Trong khi anh đang cầu nguyện trước bức tượng, thì kỳ diệu thay xiềng xích ở cổ và tay cuả anh đều rơi cả xuống đất. Cảm động trước phép lạ này, ông chủ đã giải phóng anh, trả tiền lệ phí giải phóng nô lệ và đặt số tiền đó trên bàn thờ, và rồi ông dẫn người nô lệ (cũ) cuả mình về nhà, bây giờ đã là một người tự do. ”
Những xiếng xích của anh nô lệ vẫn được lưu giữ ở phòng phép lạ cuả đền thánh, gồm có một vòng cổ và 2 vòng tay, xích chung lại với nhau. Những xiềng xích là loại to và nặng, không để cho người bị xiếng dễ dàng thoát ra được.