Chuyến đi của Đức Phanxicô để lại nhiều ấn tượng lâu dài nơi những người theo dõi ngài xưa nay. John Thavis, chẳng hạn, nhớ mãi câu ngài nói với giới trẻ phải “quậy” chứ đừng im lìm. Thực ra chữ “quậy” này người viết đã được nghe từ miệng Đức Cha Oanh, giám mục Kontum, lúc gặp nhau tại Sydney năm 2008.
Nhưng thay vì nói với một số người, chữ quậy này đã được Đức Phanxicô nói với 3 triệu bạn trẻ tại Rio de Janeiro và qua họ là hàng trăm triệu người trẻ khắp thế giới. Mà không riêng gì người trẻ, tại Rio, ngài cũng từng nói với giới già phải “mở miệng ra”, phải quậy!
Dù diễn dịch sang tiếng Anh hay tiếng Việt, theo Thavis, điều rõ ràng là Đức Phanxicô tin rằng lối xưa “xe ngựa cũ” trong Giáo Hội không còn đủ cho thế giới hiện nay, rằng ta cần nhiều phương thức mới mẻ.
Bản dịch chính thức của Vatican về lời tuyên bố “tự phát” của Đức Phanxicô với người hành hương Á Căn Đình tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Ba Tây đọc như sau:
“Cha muốn chúng con làm cho mình được lắng nghe tại các giáo phận của chúng con, cha muốn tiếng ồn bay ra ngoài, cha muốn Giáo Hội ra đường phố, cha muốn chúng ta chống lại những gì là thế gian, những gì là định lập, những gì là thoải mái, những gì liên quan tới giáo sĩ trị, những gì làm ta tự khép kín vào chính ta. Các giáo xứ, các trường học, các định chế được lập ra là để đi ra ngoài… nếu không đi ra ngoài, chúng sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ (NGO), mà Giáo Hội thì không thể là một tổ chức phi chính phủ được. Ước mong các giám mục và các linh mục tha thứ cho cha nếu một số trong các con tạo ra đôi chút lộn xộn sau này. Đó là lời khuyên của cha. Cám ơn về bất cứ điều gì các con có thể làm được”.
Dù không dùng những chữ tiếng Anh như “mess”, “shaking up”, bản dịch trên vẫn cho thấy tính cách triệt để trong sứ điệp của Đức Phanxicô trong ý hướng muốn di chuyển Giáo Hội ra khỏi phòng áo lễ để bước ra đường phố, khỏi những tranh luận thần học bước vào cuộc gặp gỡ đời thực với người đau khổ và bị cho ra rìa.
Đức Phanxicô đã hành động theo đường hướng ấy khi dành phần lớn chuyến thăm Ba Tây để ăn trưa với người trẻ, giải tội cho họ, cầu nguyện với người tù, thăm người cai nghiền ma túy, ôm hôn người bệnh, nói chuyện với các gia đình tại khu ổ chuột Rio và thách thức người quyền thế trên thế giới chấm dứt các bất quân bình kinh tế và xã hội.
Vì những lý do trên và nhiều lý do khác, Thavis cho rằng cuộc tông du đầu tiên của Đức Phanxicô đã thành công về nhiều mặt:
— Ngài phê phán điều ngài gọi là “nền văn hóa vị kỷ và cá nhân chủ nghĩa”, vì cho rằng mô thức kinh tế dựa trên lợi lôc vật chất không có khả năng nuôi sống người nghèo hay làm người ta hạnh phúc thật sự. Sứ điệp này xem ra “đồng âm” với người trẻ, nhất là khi ngài đặc biệt nhắm vào nạn tham nhũng và những bất công kinh tế từng khiến nổ ra các cuộc biểu tình mới đây tại Ba Tây.
— Một cách mặc nhiên, Đức Giáo Hoàng nói tới thách thức do người Ngũ Tuần và các cộng đồng tin lành nêu ra, một thách thức đang lôi kéo nhiều người Công Giáo Ba Tây trong suốt 30 năm qua. Ngài nói thế chủ yếu qua việc chú ý tới nhu cầu thiêng liêng của người đau khổ, một loại chú ý mà nhiều người cho rằng họ không tìm thấy trong Giáo Hội Công Giáo.
Trên một bình diện khác, việc Đức Phanxicô nhấn mạnh tới Tin Mừng người nghèo hoàn toàn tương phản với nền “thần học thịnh vượng” được một số nhà giảng thuyết Kitô Giáo Ba Tây truyền bá.
Và dù nói tới làn sóng “di tản” của người Công Giáo trong mấy thập niên qua, Đức Giáo Hoàng cho thấy rõ chiến lược phúc âm hóa của ngài không hẳn nhằm phục hồi con số người Công Giáo cho bằng tái lên sinh khí cho họ khắp Châu Mỹ La Tinh và thế giới. Như ngài đã nói với người trẻ trong Thánh Lễ bế mạc: “Giáo Hội cần các con, cần lòng hứng khởi của các con, cần óc sáng tạo của các con và niềm vui hết sức đặc trưng của các con”.
— Ngài ban hành một số lệnh quyết tiến cho các thừa tác viên và nhân viên mục vụ, bảo họ phải cổ vũ “nền văn hóa gặp gỡ” với những người bên ngoài Giáo Hội: “Ta không thể tự đóng kín trong các giáo xứ, trong các cộng đoàn của ta, khi có biết bao người đang chờ nghe Tin Mừng! Chỉ đứng trong mà mở cửa thì không đủ, ta phải ra khỏi chiếc cửa kia để tìm và gặp gỡ người ta!”
Nhân dịp này, ngài khuyến khích các thừa tác viên bác bỏ chủ nghĩa duy trí để nói thứ ngôn ngữ giản dị. Ngài nói thẳng thừng: “Đôi lúc ta mất dân vì họ không hiểu điều ta nói”.
— Đức Phanxicô nối kết được với giới trẻ, nhưng nhắc họ phải nhớ tới người già. Rõ ràng ngài nhìn giới trẻ trong Giáo Hội như là thành phần của một cộng đồng lớn hơn, không như một phân nhóm cô lập cần hàng giáo phẩm phải có phương thức “tiếp thị” đặc biệt.
Ngài nhấn mạnh rằng giới trẻ cần biết đánh giá kinh nghiệm và sự khôn ngoan của người già, những người thường bị lãng quên trong xã hội. Chính vì thế, ngài dẫn khởi một chủ đề mới vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới: già và trẻ hiện đang là nạn nhân của nền kinh tế hiện đại, một nền kinh tế đang coi cả hai như đồ có thể vứt bỏ.
— Trong các diễn văn của mình, Đức Giáo Hoàng ít nói hoặc không nói gì về những vấn đề nóng bỏng như phá thai, kiểm soát sinh đẻ, hôn nhân đồng tính hay buông thả tình dục. Nhưng trong Thánh Lễ bế mạc, ngài yêu cầu được đích thân chúc lành cho một bé gái sinh ra với bệnh quái tượng không não (anencephaly, thiếu phần lớn não bộ). Phần lớn trẻ em mắc chứng này không sống sót hoặc bị trục thai. Theo cái nhìn của các viên chức Vatican, thái độ của Đức Phanxicô nói nhiều hơn là một bài diễn văn về phá thai.
— Sức năng nổ của vị giáo hoàng 76 tuổi, nhất là niềm hứng khởi của ngài giữa đám đông suốt trong những ngày qua, cho thấy các lo âu về sức khỏe của ngài hoàn toàn vô căn cứ.
Ta học được gì?
John L. Allen Jr., trên CNN, thì cho rằng không cần Đức Phanxicô phải tới Ba Tây, người ta mới thấy ngài là người được sùng mộ. Các cuộc thăm dò gần đây trên thế giới đều xếp hạng ngài rất cao. Tuy nhiên, cuộc tông du Ba Tây xác nhận một điều: ngài hành xử tuyệt vời cả ở nhà lẫn khi ra ngoài đường.
Trong suốt tuần lễ của Ngày Giới Trẻ Thế Giới, đi đâu ngài cũng được đám đông uà tới, bất chấp thời tiết lạnh và mưa gío gần như cả tuần.
Hôm Thứ Hai, người ái mộ cuồng nhiệt gần như đánh cướp đoàn xe hộ tống ngài. Hôm Thứ Tư, một nhóm nữ tu la hét và ùa tới Đức Giáo Hoàng như các thiếu nữ tại buổi hòa nhạc của Justin Bieber. Còn Hôm Thứ Năm nữa, ngài lôi cuốn hơn một triệu người trẻ tới buổi thờ phượng tại bãi biển Copacabana. Buổi cầu nguyện hôm Thứ Bẩy lôi cuốn 3 triệu người.
Chưa hết, Đức Phanxicô còn chào đón 30,000 người trẻ Á Căn Đình có mặt trong thành phố để dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới, biến thành phố này thành như một khu Á Căn Đình vậy. Trong bối cảnh tranh chấp dữ dằn giữa hai quốc gia, nhiều người địa phương còn đùa mà cho rằng cuộc tụ tập này là một hành vi gây chiến!
Ngoài những chuyện ấy ra, ta có thể học được bốn điều sau đây từ chuyến tông du Ba Tây của Đức Phanxicô:
Một đặc sủng điềm tĩnh
Đức Phanxicô được bầu lúc đã 76 tuổi, nên ngài không toát ra được sức cuốn nam châm như Đức Gioan Phaolô II buổi đầu, vị giáo hoàng cũng từng được người dân âu yếm như thế.
Được bầu lúc mới 58 tuổi, Đức Gioan Phaolô II đã có cử điệu như một kịch sĩ mà ngài vốn đóng hồi trẻ. Thí dụ, ngài hôn đất của bất cứ nước nào tới thăm. Điều này, Đức Phanxicô đã không làm. Đức Gioan Phaolô nhịp tay và nhịp cả chân theo điệu nhạc, và đêm hôm còn thò cả đầu ra khỏi phòng để bông đùa.
Đức Phanxicô có cái đặc sủng điềm tĩnh hơn, luôn tươi cười, biểu lộ niềm sảng khoái khi gặp gỡ người ta và cái khôn ngoan dí dỏm khi làm việc. Lúc đi thăm khu ổ chuột ở Rio, chẳng hạn, ngài nói rằng người nghèo thường là những người quảng đại nhất, vì theo ngài, phương ngôn Châu Mỹ La Tinh hay nói “bạn luôn có thể thêm nước vào nồi đậu”. Nước đâu phải đồ bỏ tại khu ổ chuột này!
Allen bảo Đức Phanxicô có thể là một ngôi sao nhạc rock, nhưng không thuộc loại vặn hết âm lượng. Ngài là Simon và Garfunkel chứ không phải là Rolling Stones, là Taylor Swift, chứ không phải Lady Gaga.
Ngài thay đổi cốt truyện
Nếu cần chứng cớ để chứng minh Đức Phanxicô đã thay đổi cốt truyện của Giáo Hội Công Giáo ra sao thì chỉ cần lưu ý rằng đến đêm Thứ Sáu, lúc ngài đã là đốm sáng hoàn cầu suốt trong năm ngày mà không ai nêu bất cứ câu hỏi nào về những tai tiếng như xách nhiễu tình dục trẻ em cả, cho đến khi chính ngài nêu ra.
Cuối buổi đi đàng Thánh Giá, Đức Phanxicô nói rằng Chúa Giêsu kết hợp với mọi người đau khổ kể cả những người “mất niềm tin vào Giáo Hội, thậm chí cả niềm tin vào Thiên Chúa nữa, vì sự thiếu nhất quán của các Kitô hữu và của các thừa tác viên tin mừng”.
Đức HY Sean O’Malley của Boston, một người kỳ cựu trong cuộc chiến đấu của Giáo Hội chống lại các tai tiếng lạm dụng, cùng có mặt tại Rio, cho hay các tai tiếng này là “một khía cạnh” trong tâm tư của Đức Phanxicô.
Việc kín đáo nhắc tới nó cho thấy các vụ tai tiếng này làm Giáo Hội đau lòng xiết bao. Ấy thế nhưng sự kiện chúng không làm lu mờ cuộc tông du của Đức Phanxicô, như chúng vốn có thể làm đối với các vị giáo hoàng khác, chứng minh rằng Đức Phanxicô thực đã đem lại cho Giáo Hội một sinh khí mới.
Một chính trị gia hiểu biết
Khởi đầu cuộc tông du, người ta sợ rằng những cuộc biểu tình ồ ạt ở đường phố Ba Tây trong tháng Sáu rất có thể bùng nổ trở lại. Ngoài một số vụ lẻ tẻ, việc trên đã không diễn ra và Đức Phanxicô xem ra đã lèo lái rất khéo qua những hiểm trở chính trị.
“Giáo hoàng người nghèo” lặp đi lặp lại lời kêu gọi phải quan tâm nhiều hơn tới người túng thiếu, và nhiều lần hoan hô niềm khao khát công lý của người trẻ.
Trong cuộc thăm viếng khu ổ chuột tại Rio, ngài nói rằng không chiến dịch “bình định” nào có thể thành công nếu không giải quyết các điều kiện xã hội vốn nuôi dưỡng sự cùng cực, một cái tát gián tiếp vào các cuộc ruồng bố của cảnh sát gần đây tại các khu ổ chuột.
Nhưng cùng một lúc, ngài không làm chủ nhà bối rối. Ngài lịch thiệp với vị tổng thống đang bị vây khốn của Ba Tây là bà Dilma Rousseff. Ngài tới dinh thị chính Rio de Janeiro vào hôm Thứ Năm để cầu nguyện bên cạnh các lá cờ Thế Vận Hội 2016, có ý cho thấy các nhà tổ chức có thể cho rằng Đức Giáo Hoàng đã chúc lành cho các biến cố bị người biểu tình phản đối.
Dù sao, Đức Thánh Cha cũng đã cung hiến cho mỗi người một chút, dù không làm lu mờ sứ điệp trung tâm của mình như đã được nói ra tại khu ổ chuột: “thước đo sự cao cả của một xã hội tìm thấy nơi cung cách nó đối xử với những người thiếu thốn nhất”.
Trữ năng gần như bất tận
Giống Thavis, Allen cũng cho rằng: dù tuổi cao, Đức Phanxicô tỏ ra có một trữ năng gần như bất tận.
Ngay trước khi rời Rôma, ngài đã bớt đi một ngày nghỉ ngơi như Đức Bênêđíctô XVI từng dự định. Thêm vào đó là chuyến đi 150 dặm tới Aparecida vào hôm Thứ Tư để kính viếng Đền Thánh nổi tiếng của Đức Mẹ và sau đó viếng một bệnh viện dành cho các người cai rượu và ma túy.
Trên máy bay tới Rio, ngài đứng cả tiếng đồng hồ chuyện trò với từng nhà báo tháp tùng; thì giờ còn lại dành đàm đạo với các phụ tá và soạn ghi chú riêng. Phát ngôn viên cho rằng có dự trù buổi nghỉ trưa cho Đức Giáo Hoàng, nhưng ngài không sử dụng.
Thậm chí hôm Thứ Ba, được kể là ngày nghỉ ngơi, ngài cũng đã có cuộc gặp gỡ làm việc với vị Hồng Y Honduras, là Oscar Rodriguez Maradiaga, đặc trách tân hội đồng 8 Hồng Y khắp thế giới giúp Đức Giáo Hoàng trong việc cải tổ Vatican.
Có lúc vị phát ngôn viên Vatican phải thú thực “tôi sung sướng vì đã qua được nửa đường, nếu (cuộc tông du) kéo dài thêm, tôi chết mất”.
Ấy thế mà Đức Phanxicô xem ra vẫn tươi như lúc đầu. Và mọi việc đều sẽ không chậm lại. Vì ngài cho hay sẽ không đi nghỉ thường xuyên vào tháng Tám này, mà ở lại Rôma tiếp tục làm việc.
Năm ngàn bạn trẻ đi tu
Theo tin Zenit, tại Rio de Janeiro vào hôm Thứ Hai, một Đại Hội Ơn Gọi đã được Neocatechumenal Way (Đường Tân Dự Tòng) tổ chức với sự tham dự của 50,000 bạn trẻ khắp thế giới.
Đại hội trên được chủ tọa bởi Đức TGM Orani Tempesta của Rio, với sự tham dự của 5 Hồng Y: Christoph Schönborn, TGM Vienna; Sean O’Malley, TGM Boston; George Pell, TGM Sydney; và Odilo Scherer, TGM Sao Paulo. Ngoài ra, còn có sự tham dự của 75 GM và TGM cũng như các giáo lý viên lưu động của phong trào Hành Trình Khai Tâm Kitô Giáo cho Người Lớn. Và dĩ nhiên, Đại Hội được điều hợp bởi Kiko Argüello và Carmen Hernández, các sáng lập viên của Đường Tân Dự Tòng.
Sau phần trình bày về giáo lý sơ truyền (kerygma), Argüello mời gọi ơn gọi để gửi các nhà truyền giáo tới Á Châu. Ba ngàn thiếu niên đã đáp lại lời kêu gọi gia nhập chủng viện, và hai ngàn thiếu nữ đã đáp lại lời kêu gọi gia nhập đời sống tận hiến. Tại các đất nước riêng của họ, các người trẻ này sẽ khởi đầu diễn trình giúp họ biện phân đây có phải là ơn gọi Thiên Chúa muốn dành cho họ hay không.
Hội nghị phò sự sống
Có thể nói trên đây là thành quả tức khắc của Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2013 tại Ba Tây. Một thành quả khác cũng vừa được Zenit thông báo là Hội Nghị Phò Sự Sống dự định tổ chức vào tháng Chín này tại Manila do hiệp hội sinh viên tại Đại Học Á Châu và Thái Bình Dương khởi xướng.
Chủ đề Đại Hội sẽ là “Cuộc Cách Mạng Tình Yêu Thật Sự 2013”. Ban tổ chức đã mời hai diễn giả phò sự sống hàng đầu là Jason và Crystina Evert thuyết trình tại Đại Hội này, nhằm cổ vũ khiết tịnh và phò sự sống, đặc biệt trong giới trẻ, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của khiết tịnh trong đời sống ta.
Các diễn giả sẽ nói về các khía cạnh khác nhau của nhân đức này và các áp dụng vào thế giới hiện đại. Họ cũng sẽ đề cập đến các vấn đề nóng bỏng hiện nay như ngừa thai, ly dị, làm tình trước hôn nhân, và nạn thai nghén thiếu niên.
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi là TGM Socrates Villegas sẽ cử hành Thánh Lễ cho Đại Hội, với chừng 8,000 bạn trẻ tham dự.