Phong trào Văn Thân (2)

Nghe bài này

HÀNH ÐỘNG CỦA VĂN THÂN

Khi nói tới Phong trào Văn Thân, người ta thường nghĩ ngay tới phong trào quần chúng nổi dậy vào năm 1874 tại Nghệ Tĩnh do các ông Tú (Tú tài) cầm đầu, đứng đầu là ông Tú Tấn (Trần Tấn) và học trò của ông là Tú Mai (Đặng Như Mai). Thực ra, Phong trào Văn Thân đã nổ ra lần đầu tiên với cuộc bãi thi của các sĩ tử trong kì thi Hương năm Giáp Tí, 1864, tức là 2 năm sau khi Triều đình Huế kí Hòa ước 1862 nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam Kì cho Pháp. Mười năm sau đó, năm 1874, Phong trào Văn Thân lại bùng lên ở Nghệ Tĩnh do thầy trò ông Tú Tấn lãnh đạo, khí thế dữ dội và sắt máu chưa từng thấy, nhưng rồi tàn lụi nhanh chóng vào cuối năm đó theo cùng với cái chết của ông Tú Tấn. Tuy nhiên, Phong trào Văn Thân trên các vùng lãnh thổ khác vẫn còn âm ỉ, đợi thời cơ là bộc phát trở lại không kém phần khốc liệt.

1. Phong trào Văn Thân năm từ 1864 tới 1874

Nguyên nhân gần: Hiệp ước 1862

Năm Nhâm Tuất 1862, Triều đình Tự Đức kí hiệp ước nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam bộ cho Pháp. Khoản đầu tiên trong 12 điều khoản của Hiệp ước 1862 nói “Nước Nam phải để cho giáo sĩ nước Pháp và nước Y Pha Nho được tự do giảng đạo và để dân gian được tự do theo đạo” (Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Bản điện tử. Tr. 204).

Hiệp ước 1862 làm cho cả nước phẫn nộ, đặc biệt là các Văn Thân. Họ cho là Vua Tự Đức không còn xứng đáng làm vua trăm họ vì nhà vua đã hèn yếu với giặc và không tiếp tục tiêu diệt bọn giáo dân Gia Tô. Văn Thân kết tội Gia Tô giáo là nguyên cớ gây ra giặc ngoại xâm và giáo dân đã tiếp tay cho giặc Pháp. Vậy muốn đánh Pháp, phải diệt nội thù trước; nội thù là các giáo dân.

Và giới Văn Thân chỉ còn đợi dịp thuận lợi để biến căm thù thành hành động cụ thể.

Hành động của Văn Thân và sĩ tử tại các trường thi Hà Nội, Nam Định, Nghệ An năm 1864:

Dịp thuận lợi đó chính là kì thi Hương năm Giáp Tí 1864 tổ chức tại các trường thi Hà Nội, Nam Định, Nghệ An và Thừa Thiên. Đây là lúc các sĩ tử khắp nơi quy tụ về, rất dễ dàng cho những tay chủ chốt vận động và tổ chức. Thế là lần đầu tiên trong lịch sử, các sĩ tử đã nhất trí tham gia một cuộc biểu tình tranh đấu. Họ đồng lòng bãi thi, không chịu vào trường thi.

Cuộc biểu tình bãi thi của các sĩ tử nhằm mục đích chính trị và có tổ chức quy mô, cho nên có thể nói đây là cuộc “sinh viên đấu tranh” đúng nghĩa đầu tiên nổ ra ở nước ta.

Vì thí sinh bãi thi cho nên ngày đầu kì thi tại các trường đã phải hoãn lại tới ngày hôm sau. Nhiều thí sinh bỏ hẳn kì thi.

Về việc này, sử gia Phạm Văn Sơn viết trong Việt Sử Tân Biên như sau: “Một việc đã xảy ra và chưa từng có từ trước đến giờ là thái độ của các khóa sinh thi Hương ở các trường Thừa Thiên, Nghệ An, Hà Nội và Nam Định. Họ đã biểu tình để tỏ lòng bất mãn đối với Hòa ước 1862 mấy lần khiến triều đình phải dùng quân đội đến đàn áp mới yên. Ngay ở kinh thành nhiều quan lại và tôn thất cũng ra mặt phản kháng và muốn lật nhào ngai vàng của vua Dực Tông (Tự Đức) hầu mở một lối thoát cho thời cuộc nước nhà…” (Phạm Văn Sơn. Việt Sử Tân Biên. Quyển 5, Tập thượng. Sài Gòn, 1965. Trang 153).

Hành động của Văn Thân ở Kinh đô Huế năm 1864

Riêng tại Kinh đô Huế, tình hình kì thi Hương năm Giáp tí 1864 trở nên rất phức tạp và nghiêm trọng, bởi vì gần 4 ngàn sĩ tử chẳng những ra mặt phản kháng chính sách đối ngoại của vua và triều đình, họ còn bị lôi kéo tham dự vào một âm mưu chính trị lớn nhằm lật đổ nhà vua, sát hại đại thần và tiêu diệt các làng đạo. Số sĩ tử kì thi đông như vậy bởi vì kì thi này, trường Thừa Thiên thi chung với trường Bình Định.

Diễn tiến:

Khởi đầu, một sĩ phu Bình Định tên là Nguyễn Văn Viên dâng sớ lên Vua Tự Đức, nội dung có những điểm chính như sau: Đại thần Phan Thanh Giản và phái đoàn đã kí Hiệp ước 1862 với Pháp là điên rồ, ngu xuẩn và phản bội. Cáo buộc đạo Gia Tô là nguyên cớ gây nên giặc ngoại xâm và là nguyên nhân của mọi đau khổ cho người dân trong nước.

Tác giả đề xuất: Muốn trừ họa cho dân cho nước thì phải giết hết thừa sai và giáo dân. Để làm được việc này, thỉnh cầu nhà vua chấp thuận và cấp vũ khí cho các sĩ phu. Nếu nhà vua không chấp thuận, các sĩ tử sẽ bỏ trường thi vì bây giờ thơ phú không còn ích chi mà phải hành động!

Vua Tự Đức không chấp thuận thỉnh cầu của các sĩ phu. Vì thế, được sự ủng hộ của các sĩ tử và quan chức chủ chiến, nhóm sĩ phu cầm đầu đã tự đưa ra một kế hoạch hành động như sau: Trước hết, hành quyết ngay đại thần Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành và các quan thuộc phe chủ hòa. Sau đó, đi diệt các làng đạo quanh Kinh thành và tại các tỉnh miền Trung cũng như miền Bắc. Cuối cùng là tấn công quân Pháp ở miền Nam để lấy lại 3 tỉnh đã mất. Họ đặt Vua Tự Đức vào tình huống phải chọn, một là ủng hộ kế hoạch nói trên, hai là bị phế bỏ. Nếu nhà vua không ủng hộ họ, họ sẽ tôn người em chú bác của vua là Hồng Tập lên thay. Vì thế, còn gọi vụ này là vụ án Hồng Tập 1864.

Trước khi ra tay, Trương Văn Chất chiêu mộ các sĩ tử dự kì thi Hương năm Giáp tí 1864 và cả những thành phần bất hảo để thành lập ra một lực lượng vũ trang, chia làm 4 đạo quân.

Chiến dịch khởi sự vào đêm mồng 02 tháng Bảy (03.8.1864). Đạo quân đầu tiên nhập thành tìm diệt đại thần Phan Thanh Giản và các quan chủ hoà. Sau đó, bắn đại bác làm hiệu. Khi thấy hiệu lệnh, ba đạo quân khác sẽ tấn công các làng đạo Kim Luông, An Vân, An Truyền và An Hòa.

Không ngờ, vì sự canh gác trong thành quá nghiêm ngặt, đạo quân nhập thành không thể thực hiện nổi kế hoạch, đành phải rút lui. Do đó, 3 đạo quân bên ngoài không nghe thấy tiếng đại bác bắn báo hiệu từ trong thành, cho nên đã không dám tấn công các làng đạo.

Thế là toàn bộ kế hoạch bị bại lộ, nhóm chủ chốt bị bắt giao cho Tôn nhân phủ và đình thần xét xử. Riêng các sĩ tử thì được lệnh phải vào trường thi, nếu không có giấy phép, cấm không được tự tiện ra vào. (1)

Tổn thất của giáo dân trong vụ âm mưu của Văn Thân ở Kinh thành Huế 1864:

Trong sớ dâng lên Vua Tự Đức, các Văn Thân đã vu cho các thừa sai và dân đạo nhiều chuyện, như: Nhà giám mục có nhiều vàng bạc; chế tạo hàng ngàn chiếc gông để hành hạ những ai không chịu theo đạo; nhưng nguy hại hơn cả là tố cáo dân đạo đang được huấn luyện xử dụng vũ khí Tây phương, gồm cả đại bác và các họ đạo đã được vũ trang súng đạn.

Tờ sớ làm cho Vua Tự Đức hoảng sợ. Vua truyền cho các quan Trấn thủ phải khám xét dân đạo để tìm ra vũ khí; đặt cả nước trong tình trạng thiết quân luật. Đây là dịp để các quan và binh lính hành hạ giáo dân. Một bầu khí sợ hãi bao trùm lên các họ đạo. Tuy nhiên, quan quân đã không tìm được bằng chứng nào về các điều họ bị vu cáo.

Kết quả điều tra cho thấy tất cả đều là âm mưu của nhóm Văn Thân chủ chốt.

Sau khi khám phá ra âm mưu của Văn Thân, vào tháng 7-1864, vua Tự Ðức ban chỉ dụ, trong đó có đoạn như sau: “…Ngạn ngữ có câu: vua có lỗi, thần dân cũng không được buồn, cha xử không tốt cũng không phải là duyên cớ để con bất hiếu. Điều ấy lại càng đúng khi người cha không có ác ý…. Vì thế, các ngươi, tín đồ Giatô, tình thế các ngươi chắc chắn là khó xử, nhưng các ngươi vẫn kiên gan theo đạo của mình trong lúc vẫn giữ đúng luật nước, về việc này Ta chỉ biết mừng cho các ngươi. Ta sẽ luôn luôn ghi nhớ. Đó lại càng là lý do để ta đối xử với người Kitô giáo và lương như nhau, sau khi tỏ lòng nhân từ cho các tín hữu Giatô và trả tự do cho họ” (Ts. Đào Trung Hiệu. Giáo Hội Việt Nam Thời Cận Đại. Trích từ Patrick J.N. Tuck: Thừa sai Công Giáo Pháp 1857-1819, UBĐKCGVN 1989 trang 181-188/ French Catholic Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam, 1857-1914. Liverpool Historical Studies, 1. 1 Liverpool University Press, Liverpool).

Tóm lại, trong biến cố này, các thừa sai và giáo dân chưa phải chịu thiệt hại về sinh mạng, nhưng đã bị vu cáo, bị tra xét và sách nhiễu gây nên sợ hãi ở khắp nơi. Nhưng cuối cùng thì họ đã được nhà vua minh oan và công nhận là “giữ đúng luật nước”.

Hành động của Văn Thân sau biến cố 1864

Biến cố 1864 đã qua, nhưng tham vọng của thực dân Pháp không dừng lại, cho nên giáo dân sẽ phải chịu nhiều đau khổ tột cùng.

Thật vậy, tháng 6.1867, Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, biến “Lục Tỉnh Nam Kì” thành thuộc địa của Pháp. Sự việc này lại khơi dậy căm thù trong lòng giới sĩ phu nhắm vào thực dân Pháp và các giáo dân.

Ngay năm sau, 1868, tại Quảng Nam, quan quân tróc nã các giáo sĩ Tây cũng như ta.

Tại Nghệ An: Các quan làm ngơ cho Văn Thân đốt phá các họ đạo. Như thế, tại 2 tỉnh này, giới quan lại vừa đồng lòng vừa hiệp lực với giới Văn Thân để truy quét các làng đạo.

Tại Ninh Bình và Nam Định, viện cớ đề phòng quân Pháp đánh ra Bắc, các Văn Thân lập ra một đội quân lưu động đặt dưới quyền chỉ huy của Phạm Văn Nghị, một vị quan hồi hưu, thường gọi là Hoàng giáp Tam Đăng vì ông là người xã Tam Đăng và đậu Hoàng giáp Tiến sĩ. Hoàng giáp Phạm Văn Nghị có uy tín vì ông là thầy của nhiều Tú tài, Cử nhân và các quan lại. Ngày 14.1.1868, họ vu cho giáo dân tội phản nghịch và tội đánh độc lương dân, rồi đốt phá nhiều họ đạo, khiến cho hàng ngàn giáo dân phải chạy về nhà chung, tức trụ sở chung của giáo phận, để mong được giám mục che chở. (2)

Tình hình ở các vùng này quá căng thẳng khiến cho triều đình phải can thiệp. Và năm 1869, Vua Tự Đức ra 2 sắc lệnh cho phép giáo dân trở về làng, cấm lương dân không được sách nhiễu họ.

2. Phong trào Văn Thân năm 1874

Nguyên nhân gần: Pháp đánh Bắc Kì lần thứ nhất

Súy phủ Sài Gòn là Đô đốc Dupré vốn nuôi mộng can thiệp vào miền Bắc nước ta bằng vũ lực, ông ta chỉ chờ cơ hội thuận tiện. Và cơ hội đó đã tới. Đó là “sự kiện Jean Dupuis”. Năm 1873, nhân việc tên lái buôn Jean Dupuis tự tiện đi lại trên sông Hồng để vận chuyển vũ khí và hàng hóa từ Hà Nội lên Vân Nam và ngược lại. Trong lúc các nhà chức trách Việt Nam còn cố giữ thái độ hòa hoãn thì Dupuis lại tỏ ra hết sức ngang ngược. Hắn cố tình đi Vân Nam một lần nữa và ngày trở về với 150 tên lính cờ Vàng (bản doanh ở Lào Kay). Sự kiện này càng làm cho tình hình căng thẳng thêm, khiến Triều đình Huế phải yêu cầu Súy phủ của Pháp ở Sài Gòn can thiệp. Từ lâu, Thống đốc Nam Kì là Dupré đã muốn chiếm xứ Bắc kì, cho nên lợi dụng cơ hội này, y đã cử Hải quân Đại úy Francis Garnier ra Bắc cùng với mấy chiến thuyền và 170 quân. Ngoài mặt, sứ mạng của F.Garnier chính ra là để tống xuất tên lái buôn Jean Dupuis ra khỏi Bắc Việt; nhưng bên trong, vì đã được Dupré cho quyền tự do quyết định, nên F. Garnier đã ép Thống chế Nguyễn Tri Phương giải giáp và phải để cho Dupuis tự do lưu thông buôn bán trên sông Hồng…

Để yểm trợ cuộc hành quân của F. Garnier, Dupré còn viết thư yêu cầu các giám mục và giáo dân ngoài Bắc ủng hộ Garnier. Các giám mục giáo phận Đông Đàng ngoài (Hải Phòng) và Trung Đàng ngoài (Bùi Chu) rất lo âu về những hậu quả tai hại sẽ xẩy ra cho giáo phận, nên đã dứt khoát từ chối không dính líu chuyện quân sự và chính trị của Dupré.

Đang khi các quan chức phía Việt Nam nỗ lực điều đình để tìm ra một giải pháp khả thi thì F. Garnier cố tình gây hấn, rồi bất thình lình xua quân đánh chiếm thành Hà Nội ngày 20.11.1873.

Sau khi hạ thành Hà Nội, F. Garnier ra lệnh đánh chiếm Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình và Nam Định. Về việc này, Việt Nam Sử Lược viết: “Quan ta ở các tỉnh ngơ ngác không biết ra thế nào, hễ thấy người Tây đến là bỏ chạy. Bởi vậy, chỉ có người Pháp tên là Hautefeuille và 7 người lính Tây mà hạ được thành Ninh Bình, và chỉ trong 20 ngày mà 4 tỉnh ở Trung châu mất cả” (Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Trung tâm Học liệu. Bản điện tử. Trang 213. Motgoctroi.com)

Thấy nguy, Triều đình Huế cử ngay phái đoàn ra Hà Nội, gồm có các ông Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hợp và Trương Gia Hội. Phái đoàn ra tới Hà Nội ngày 19.12.1873 có Gm. Sohier của Giáo phận Huế và Linh mục Dangelzer đi theo; khi đi qua Phát Diệm, mời thêm Lm. Trần Lục (còn gọi là Cụ Sáu). Phái đoàn Trần Đình Túc bắt đầu thương thuyết thì F.Garnier bị quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc giết chết ở Cầu Giấy ngày 21.12.1873.

Hạ thành Hà Nội là tham vọng của Đô đốc Dupré, Súy phủ Sài Gòn, chứ không phải do chủ trương của Chính phủ Pháp. Vì thế, Dupré sợ F.Garnier đi quá trớn, cho nên đã cử Hải quân Đại úy Philastre cùng với đại diện Triều đình Huế là Phó sứ Nguyễn Văn Tường, lúc đó đang ở Sài Gòn (Chánh sứ Lê Tuấn bị bệnh, không đi được) lên đường ra Huế để trấn an nhà vua và xin ký kết một hiệp ước hữu nghị.

Tại Huế, khi nghe tin Garnier đang có những hành động phiêu lưu, Philastre quyết định ra Hà Nội ngay. Nhưng vừa tới cửa sông Hồng (Cửa Cấm), Philastre đã nghe tin Đại úy Francis Garnier bị quân Cờ Đen giết chết. Tin này làm cho Philastre nổi giận, nhưng Phó sứ Nguyễn Văn Tường đã khôn khéo thuyết phục được ông ta thuận cho lệnh rút quân ra khỏi các tỉnh đã chiếm và trả lại Thành Hà Nội.

Năm sau, Việt – Pháp kí Hòa ước Giáp Tuất 1874, gồm 22 khoản. Có những khoản quan trọng như: Việt Nam nhượng đứt 6 tỉnh miền Nam cho Pháp (V); Pháp nắm trọn việc ngoại giao (III). Cho tự do giảng đạo và tự do theo đạo (IX)…

Đó là lí do làm cho tức nước vỡ bờ. Văn Thân nhiều nơi ở miền Bắc liền ra tay, nhưng quy mô hơn cả là Phong trào Văn Thân Nghệ Tĩnh do thầy trò ông Tú Tấn lãnh đạo.

Hành động của giới Văn Thân ở miền Bắc

Đầu năm 1874, vì biết quan Tổng đốc Nam Định dâng sớ về Kinh xin được giết hết giáo dân, nay thấy Philastre ấn định ngày rút hết quân Pháp về Nam, Gm. Puginier sợ Văn Thân trút hết cơn phẫn nộ lên các làng đạo, cho nên ông đã xin Philastre nán lại để bảo vệ cho các giáo dân. Philastre không chấp thuận, một mực thi hành lệnh rút quân.

Đã có sẵn ác cảm đối với tập thể giáo dân, nay thấy Giám mục Puginier thỉnh cầu quân Pháp nán lại, các Văn Thân càng giận dữ. Cho nên hễ thấy quân Pháp rút tới đâu, quân Văn Thân liền ra tay tàn sát, đốt phá các làng đạo. (3)

Cụ Sáu Trần Lục, chính xứ Phát Diệm, biết quân Văn Thân, sau khi tàn sát các làng đạo ở Hà Nội và Nam Định thế nào cũng tấn công Phát Diệm, cho nên ngày 21.01.1874, khi vừa từ Hà Nội ra tới vùng cửa sông Thái Bình, Cụ vội phao tin là quân Pháp sắp đánh Phát Diệm vì Cụ biết Văn Thân rất sợ quân Pháp. Nghe tin này, quân Văn Thân ngưng lại, không kéo xuống Phát Diệm. “Tin vịt” của Cụ Sáu Trần Lục đã cứu Phát Diệm thoát khỏi cơn bách hại.

Riêng giáo phận Đông Đàng Ngoài (vùng Hải Phòng, thường gọi là địa phận Dòng, tức Dòng Đa Minh Manila) ít bị thiệt hại, vì vị giám mục cai quản dứt khoát từ chối mọi dính líu tới chính sự và các hành động quân sự của Pháp. Ông đã khôn ngoan tuân thủ nghiêm ngặt Huấn thị năm 1659 của Tòa thánh, cố gắng tránh dính líu vào chuyện chính trị bản xứ.

Thật vậy, ngay từ năm 1659, khi cử 2 vị giám mục tiên khởi người Pháp tới Việt Nam, Bộ Truyền Giáo đã ra Huấn thị rõ ràng cho các vị như sau: “ Các vị hãy xa lánh những việc chính trị….Các vị đừng đảm nhiệm việc quản lý các phận vụ dân sự. Nếu người ta có năn nỉ xin các vị thì các vị hãy nhớ rằng đó là điều mà Thánh Bộ đã tuyệt đối và nghiêm khắc cấm, trong tương lai vẫn cấm” (Vương Đình Chữ. Truyền giáo ở Viễn Đông. Từ chế độ bảo trợ sang chế độ đại diện tong tòa. Trích Huấn thị của Bộ Truyền giáo gửi cho 2 vị giám mục tông tòa tiên khởi. Ttntt.free.fr/archive/dinhchuvuong.html).

Phong trào Văn Thân Nghệ Tĩnh 1874 do Trần Tấn lãnh đạo

Trần Tấn ( 1822 -1874): Người làng Chi Nê, nay là xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương. Ông Tấn ðỗ Tú tài và ðược bổ làm Bang biện Thanh Chương nên thường gọi là Tú Tấn hoặc Cố Bang.

Nãm 1873, Pháp chiếm Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, Tú Tấn cùng học trò là Ðặng Như Mai, tức Tú Mai, ðòi Tổng ðốc Nghệ An là Tôn Thất Triệt họp các Vãn Thân lại ðể bàn việc chống Pháp. Nhóm sĩ phu này bầu ông Tú Tấn và Tú Mai làm thủ lãnh. Họ bắt đầu chiêu mộ quân sĩ và chuẩn bị vũ khí, chờ thời cơ thuận lợi để hành động.

Nãm sau, Triều ðình Huế kí Hiệp ước Giáp tuất 1874. Bản hiệp ước này thực chất là một hàng ước cho nên ðã làm cho giới sĩ phu hết sức phẫn nộ. Lập tức, ông Tú Tấn cùng Tú Mai, Ðội Lựu (Trần Quang Cán), Trần Quang Hoán, Trương Quan Phủ, Tú Khanh (Nguyễn Huy Ðiển) bắt ðầu hành ðộng. Ðể kêu gọi dân chúng, các ông thảo ra hịch “Bình Tây Sát Tả” và “Bài Ca Kêu Gọi Khởi Nghĩa”.

Gs. Lê Hữu Mục viết: “Bài hịch Bình tây sát tả mang một nội dung rất rõ ràng, phải giết hết bọn Công Giáo trước rồi mới thanh toán bọn Pháp sau. Toàn thể bài hịch bốc lên một nỗi căm thù sôi sục đối với giáo dân và giáo sĩ. Không nghi ngờ gì nữa, động lực thúc đẩy nhóm Văn-thân đứng lên khởi nghĩa là sự uất hận của họ đối với đạo Công Giáo đã được phổ biến quá mạnh mẽ ở Việt-nam và đã nghiễm nhiên biểu lộ ý chí muốn cạnh tranh với ảnh hưởng của Nho giáo đối với phong tục và văn hoá. Đối với Trần Tấn nói riêng và phong trào Văn-thân nói chung, việc bảo vệ các giá trị truyền thống dân tộc nằm ở vị trí trọng tâm của mọi hoạt động. Không ai nghĩ đến việc tiếp thụ kiến thức Tây phương. Sự phục tòng của giới nho sĩ vào học thuyết của Khổng-tử là triệt để đến mức giáo điều, đến nỗi người ta không cảm thấy nhu cầu phải tìm ra một khẩu hiệu khả dĩ có thể qui hoạch được một hướng đi lên cho đồng bào, vận động mọi người thức tỉnh trước những biến đổi của thế giới, và phát hiện ra cho bằng được một nếp suy nghĩ riêng cho Việt-nam. Sự hận thù đối với đạo Công Giáo bắt nguồn ở chỗ nó là một tôn giáo hướng về tương lai, mà đạo Khổng thì chỉ biết trở về quá khứ, mà khốn nạn thay cái quá khứ xa xôi này lại cũng không phải là của dân Việt-nam mà là của Trung quốc! Thế mà khi nói về Công Giáo, Văn-thân đã sử dụng một ngôn ngữ cực kì vô lễ, nào là gọi người đi đạo là “bọn đui, bọn điếc, bọn ngu”, hoặc tệ hơn nữa “bọn chó, bọn dê, bọn cừu”. Công Giáo bị kết án nặng nề: “Chúng đầu độc chúng ta để biến nước ta thành một nước Thiên Chúa giáo; chúng xem các ông cha bà mẹ của giống nòi chúng ta như heo chó. Chúng làm nhục đạo đức Khổng giáo”. Cuối cùng, bài hịch được chấm dứt bằng những lời lẽ hùng hồn kêu gọi các nhân sĩ đứng lên hành động để tiêu diệt hết giáo dân và giáo sĩ, không trừ một ai, và như thế mới là anh hùng, thấy điều bất nghĩa phải chống trả kịch liệt. Có một điều mâu thuẫn đến hoạt kê là trong bài hịch được nhan đề là Bình tây sát tả, nhưng suốt cả bài không thấy có một chữ động đến bọn thực dân xâm lăng; toàn bài đề cập đến một hành động duy nhất là mạ lị tàn bạo người Công Giáo và hô hào tàn sát tiêu diệt họ. Căn cứ vào nội dụng của bài hịch, tôi xóa bỏ chữ bình tây và tôi chỉ gọi bài văn này là Hịch sát tả”. (Gs. Lê Hữu Mục. Cụ Sáu Đối Diện Với Văn Thân. dunglac.info).

Bài Ca Kêu Gọi Khởi Nghĩa viết bằng chữ Nôm, gồm 36 câu, theo thể lục bát. Bài cũng sôi máu căm thù và khí thế sắt máu: “Vì thằng tả, giận thằng Tây. Tuốt gươm chém sạch trận này mới nghe” (Câu 21,22). Kêu gọi nho sĩ “ào ào tiến lên” (Câu 34). Mắng một số quan không ủng hộ là “ngu si”, chỉ biết “Lo lòng nặng Túi, tưởng chi đạo người” (Câu 30) và đe họ sẽ bị đào thải (Gs. Lê Hữu Mục. Cụ Sáu Đối Diện Với Văn Thân. dunglac.info).

Các thủ lãnh sát cánh với Tú Tấn, ngoài Đặng Như Mai (Tú Mai), còn có các thân nhân của ông như em rể Đặng Quang Vinh (Tú Vinh), con là Trần Hướng (có tác giả nói Hướng là em của Tú Tấn), cháu họ Trần Dực; Đậu Như Vành, Tổng Thức, Bang Bốn, Bùi Danh Thiềm, Bùi Danh Mậu, Nguyễn Sắc Toản, Đinh Bạt Duật, Nho Năm, Đội Lựu (tức Trần Quang Cán), Tú Thiệu, Tú Khanh (tức Nguyễn Huy Điển), Tú Ngông (tức Đậu Bá Nghinh), Tú Bẩm (tức Nguyễn Mậu Bẩm), Tú Uyển (tức Nguyễn Duật), Tú Đức (tức Lê Mẫn Đức), Nho Đắc, Nho Phổ, Bà Tú Ý (tức Nguyễn Thị Quyên, vợ của Tú Trần Văn Ý và là con gái của Cụ Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ) … (4)

Chỉ trong mấy ngày, nhóm Trần Tấn lôi kéo được hàng ngàn nông dân và hàng ngàn dân miền núi Quảng Bình.

Trước khi ra quân, Tú Tấn làm lễ tế cờ ở Rú Đài.

Trận đầu tiên, ông đánh chiếm các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, rồi tấn công Thành Vinh (Nghệ An), nhưng không hạ nổi thành. Chỉ riêng trận đánh ở huyện Nam Đàn ngày 15.5.1874, quân Văn Thân đã bắt được 21 vị chỉ huy của quân Triều đình. Do thua trận, quan Bố chánh Phạm Hy Lãng và quan Án sát Nguyễn Dơn bị Triều đình phạt đánh roi trượng.

Đang khi đó Tú Mai đánh các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, rồi Các huyện Hương Sơn, Đức Thọ.

Tính đến Tháng 7 năm 1874, quân Văn Thân làm chủ hết các phủ huyện Nghệ An, trừ ra thủ phủ là thành Vinh là chưa chiếm được. Trên đà thắng lợi, Văn Thân xua quân tấn chiếm tỉnh lị Hà Tĩnh, giết chết quan đầu tỉnh. Họ toan tính bắt tay với quân Văn Thân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên…

Chủ trương “Bình Tây, sát tả”, nhưng cho đến giờ phút này, quân Văn Thân của ông Tú Tấn chưa hề đánh một thằng Tây nào, nhưng đã đánh quân của Triều đình, đã chiếm các phủ huyện của Triều đình, và nhất là đã ra tay tàn sát giáo dân cực kì dã man.

Khí thế tiến công vũ bão của quân Văn Thân làm cho cả Triều đình lẫn thực dân Pháp lo ngại. Vua Tự Đức phải gửi 500 quân Cấm vệ ra tăng cường cho Nghệ An. Các Khâm sai Nguyễn Chính và Võ Trọng Bình từ miền Bắc kéo quân xuống. Triều đình còn gửi thêm hơn 1000 quân tiến ra theo đường núi. Đang khi đó, Khâm sai Nguyễn Văn Tường đưa tầu chiến ra đánh từ biển vào. Triều đình cũng yêu cầu Hải quân Pháp trợ giúp. Tán tương quân vụ tỉnh Sơn Tây là Tôn Thất Thuyết cũng được lệnh tham chiến. Tới tỉnh Thanh Hóa, Tướng Tôn Thất Thuyết tuyên bố đánh Tây, rồi hành quân xuống Nghệ An để đánh dẹp quân Văn thân. Đến Tháng 8.1874, trước lực lượng mạnh hơn hẳn của quân Triều đình, thầy trò Tú Tấn phải rút về vùng rừng núi, phía Tây Nghệ Tĩnh. Chạy theo ông còn có các tay chỉ huy Văn Thân khác như: Đặng Như Mai, Trần Quang Cán, Nguyễn Vĩnh Khánh, Trương Quang Thủ, Nguyễn Huy Điển…

Tháng 9, 1874,Tú Tấn lại phải chạy sang Cam Môn, nay thuộc Tỉnh Khăm Muộn, Lào. Tại đây, ông ngã bệnh và qua đời. Con ông là Trần Hướng lên nắm quyền chỉ huy, nhưng chỉ ít lâu sau, Hướng bị Tổng lí Xã Hữu Bằng (nay là Sơn Bằng, Huyện Hương Sơn) bắt nộp cho Pháp.

Riêng nhóm quân Văn Thân do Tú Mai chỉ huy lên chiếm Phủ Qùy làm căn cứ, nhưng Tú Mai cũng bị nội gián bắt nộp cho Triều đình. Trần Hướng và Tú Mai bị xử chém bêu đầu tại Thành Vinh (Nghệ An).

Phong trào Văn Thân do Trần Tấn lãnh đạo tan rã vào cuối năm 1874.

Tổn thất của giáo phận Vinh do phong trào Văn Thân Nghệ Tĩnh 1874

Theo các chứng từ phía bên ngoài nhà đạo:

Cho tới tận ngày nay, hậu duệ của Phong trào Văn Thân Nghệ An còn nhìn nhận trên Diễn đàn Thanh Chương Nghệ An như sau: “Với phong trào này, “bình Tây” đâu chưa thấy mà “sát tả” thì hăng hái quá. Có lẽ vì vậy mà ngày nay, để tránh xung đột của hai bên lương giáo mà người ta không đề cập đến (!?) phong trào (1874) này và trong sách giáo khoa về lịch sử cận đại không hề được đề cập” (tcnao.net tức Thanh Chương Nghệ An Online).

Trong cuốn Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan ghi lại một bài vè, kể rất rõ ràng về việc các Văn Thân ra tay tàn sát giáo dân một cách tàn ác, bất kể già trẻ, đàn bà, con nít:

Bước sang năm Tuất,

Văn Thân nổi lên,

Gông cùm đặt ra,

Chiêu cờ sát tả…

Là huyện Thanh Tiên…

Tú Trân nổi lên…

Gọi bằng Bang Cố…

Đội Dục, Thừa Tố…

Là tiền hậu quân…

Mồng ba tháng bảy,

Xã Đoài, Thuần Ngãi,

Kéo ra chợ Si,

Thanh Dạ, Thọ Kỳ.

Truyền tất cả dân,

Đâu là tả đạo,

Không kỳ già lão,

Con trẻ, đàn bà,

Lấy làm thảm thiết,

Kẻ thì trôi sông,

Máu chảy đầy đồng…..

(Vũ Ngọc Phan. Tục Ngữ Ca Dao Dân Ca Việt Nam. NXB Văn Học, 2006. Trang 442).

Ghi nhận của phía nhà đạo:

Trong cuốn Việt Nam Giáo Sử, Phan Phát Huồn ghi nhận như sau: “Nếu ở địa phận Tây Bắc Việt hoặc vì giám mục Purginier đã có một phần nào trách nhiệm trong vụ Dupuis hoặc vì có một số ít giáo hữu của địa phận đi lính cho Garnier nhưng đối với địa phận Trung Bắc Việt chính phủ cũng như Văn thân không thể cáo người Công Giáo theo Pháp, vậy mà ở Nghệ An hai ông Tú Trần và Đặng Như Mai hội tập tất cả các Văn Thân trong hạt, làm bài hịch gọi là “Bình Tây Sát Tả” rồi kéo nhau đi sát hại Công Giáo.

Giám mục Gauthier nhận thấy các quan triều đình không dùng một phương pháp nào để ngăn cản phong trào giấy loạn giết hại Công Giáo người liền ban phép cho Công Giáo cầm khí giới để tự vệ rồi Giám mục viết thư cho các quan: “Công Giáo đã cầm khí giới không phải để chống lại chính quyền, nhưng để bảo vệ mạng sống mình. Đã có từng nghìn người Công Giáo phải sát hại, các quan đã làm gì để chận đứng cuộc giết hại ấy?

Thật vậy, đã có 4.500 bổn đạo phải giết và 300 họ đạo phải phá hủy. Bổn đạo phải hư hại hơn 6 triệu phật lăng.” (Phan Phát Huồn. Việt Nam Giáo Sử, Quyển I. Trang 521, 522).

Phong trào Văn thân tại Nghệ Tĩnh năm 1874 tan rã, nhưng trên phạm vi toàn quốc, Phong trào Văn Thân chưa tắt hẳn, vẫn còn âm ỉ khắp nơi và chờ cơ hội sẽ lại bùng phát.

3. Phong trào Văn Thân từ 1885 tới 1888

Nguyên nhân gần: Hòa ước Patenôtre, Dụ Cần Vương

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng, Triều đình Huế vụng về đi cầu cứu Tầu. Nhân cơ hội Việt Nam cầu cứu, quân Tầu đã kéo sang chiếm giữ các tỉnh phía Bắc Sông Hồng. Quân VN tưởng là có thể cậy thế quân Tầu nên bắt đầu tấn công quân Pháp, nhưng đánh đâu thua đó. Người Pháp tức giận về thái độ này nên đã đuổi lãnh sự của ta ở Sài Gòn về Huế, và chuẩn bị tăng cường quân lực đối phó với tình hình mới.

Giữa lúc tình thế rối mù như thế thì Vua Tự Đức qua đời ngày 19.7.1883 (năm Qúy Mùi).

Sau khi Vua Tự Đức qua đời, Triều đình rơi vào họa “Tứ Nguyệt Tam Vương” (tức là trong 4 tháng có tới 3 vua: Dục Đức làm vua 3 ngày, Hiệp Hòa 4 tháng, Kiến Phúc 6 tháng). Mọi việc đều do 2 viên Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chuyên quyền, thao Túng.

Lợi dụng tình thế bất ổn của Việt Nam, ngày 20.8.1883, Toàn quyền Harmand và Thiếu tướng Courbet tấn công cửa Thuận An, bắt Triều đình kí Hòa ước Qúy Mùi ngày 25.8. 1883, còn gọi là Hòa ước Harmand, gồm 27 khoản. Theo đó, nhà Nguyễn phải chấp nhận quyền bảo hộ của Pháp ở nước ta. Sau đó, quân Pháp mở chiến dịch đánh đuổi quân Tầu ra khỏi các tỉnh phía Bắc sông Hồng, đưa tới Hòa ước Fournier kí kết giữa Tầu và Pháp tại Thiên Tân ngày 18.4.1884 (đây chỉ là hòa ước sơ bộ). Tầu công nhận Việt Nam là thuộc địa của Pháp.

Để củng cố sự độc quyền thống trị ở nước ta, chính phủ Pháp ra lệnh cho Patenôtre tới Huế để dàn dựng ra một hòa ước mới, sửa lại Hòa ước Harmand năm 1883. Đó là Hòa ước năm Giáp Thân, 06.6.1884. Đại diện nhà Nguyễn là các ông Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan, Nguyễn Văn Tường; phía Pháp là Jules Patenôtre. Hòa ước gồm 19 khoản, gần giống Hòa ước 1883. Kí xong, Patenôtre bắt nấu chảy ấn phong vương của hoàng đế Tầu, coi như từ nay Việt Nam không còn lệ thuộc gì vào nước Tầu nữa.

Cũng năm 1884, Hàm Nghi được đưa lên làm vua, nhưng chỉ có hư vị, người Pháp đã nắm mọi quyền hành ở nước ta.

Vì thái độ quá hống hách quá đáng của người Pháp, đêm 05.7.1885, Phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết tấn công tòa Khâm sứ của Pháp ở Huế, nhưng bị thất bại. Tôn Thất Thuyết vội đưa vua Hàm Nghi bôn tẩu ra chiến khu Tân Sở ở Quảng Trị. Từ chiến khu, ông nhân danh nhà vua ban Dụ Cần Vương. Hưởng ứng Dụ Cần Vương, một phong trào kháng Pháp mới nổ ra khắp nơi ở miền Bắc và miền Trung. Đó là Phong trào Cần Vương.

Nương theo khí thế của Phong trào Cần Vương, Phong trào Văn Thân lại bùng lên dữ dội.

Hành động của Văn Thân trước khi vua Hàm Nghi ban bố Dụ Cần Vương

Ngay khi kí xong Hòa ước Harmand 1883, quân Pháp bắt đầu đánh đuổi quân Tầu ở Bắc kì, thì số phận giáo dân lại bị đe dọa. Các địa phận ở phía Đông do các cha dòng Ða Minh cai quản ít bị tổn thất hơn vì các giám mục và linh mục đã công khai dứt khoát không can dự vào chính sự và bạo lực. Đang khi đó, trong những vùng khác do các giáo sĩ Pháp phụ trách, giáo dân hứng chịu một cơn bách hại khủng khiếp. (5)

Hành động của Văn Thân từ khi có Dụ Cần Vương 1885

Ngày 13.7. 1885, Dụ Cần Vương ban ra. Núp dưới chính nghĩa Cần Vương, các sĩ phu hăm hở dấy lên Phong trào Văn Thân cực kì dữ dội, khiến cho, trong 2 năm 1885 và 1886, giáo dân từ Thanh Hóa vào tới Phú Yên phải chịu cảnh máu chảy đầu rơi, nhà tan cửa nát thảm khốc chưa từng có trong lịch sử. Chỉ nơi nào liều chết chống trả tự vệ thì may ra thoát nạn hoặc ít bị tổn hại, chẳng hạn như Phúc Nhạc (Ninh Bình), Bảo Nham và Xuân Kiều (Vinh), Trung Nghĩa (Hà Tĩnh), Hướng Phương (Quảng Bình), An Ninh và Di Loan (Quảng Trị), Trà Kiệu (Quảng Nam). Không may, đa số lại là những nơi không kịp hoặc không có khả năng tổ chức chiến đấu tự vệ thì bị quân Văn Thân tàn sát dã man, bất kể nam phụ lão ấu (6).

Một tác giả có quan điểm thù ghét đạo Gia Tô là Nguyễn Xuân Thọ cũng xác nhận việc Văn Thân tiếp tục tàn sát giáo dân trong thời kì sau dụ Cần Vương: “Cuộc khởi nghĩa “Văn Thân” ngày càng mở rộng quy mô, việc khủng bố người Công Giáo tiếp tục.” (Nguyễn Xuân Thọ. Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897. Trang 404).

Chứng từ

Để có ấn tượng sống động hơn về những nỗi thống khổ thấu trời mà người bên đạo phải chịu, chúng tôi trích dẫn 2 chứng từ sau đây:

Chứng từ 1 là một đoạn trích từ “Các Báo Cáo Thường Niên của Các Vị Giám Mục Giáo Phận Huế gửi Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris từ 1872 – 1940: “Cũng theo Báo cáo của Giám mục Huế nói trên, trong năm cao điểm 1885, giáo dân ở 2 tỉnh Thừa Thiên và Quảng Bình chịu ít đâu khổ hơn giáo dân ở tỉnh Quảng Trị. Tại Quảng Trị, tất cả các họ đạo đều bị tiêu diệt. Linh mục Mathey may mắn chạy thoát đã kể lại những gì ông chứng kiến như sau: “Trong đêm 7 rạng ngày 8 tháng 9, chúng con thấy đám cháy thiêu rụi họ đạo Kẻ Văn. Sáng ngày 8, chúng con đi qua các làng đã bị đốt cháy là Ngô Xá và Tri Lễ. Trước mặt Cổ Vưu, chúng tôi thấy 8 xác trẻ con bị chặt đứt chân tay cách dã man. Phần đông các kitô hữu cư trú bên bờ trái con sông đều đã có thể thoát được. Nhưng những giáo xứ lớn và đẹp đẽ ở bờ phải chỉ còn là đống tro tàn và nằm dài nhiều xác chết.

Nhất là ở trong và chung quanh các nhà thờ, các tử thi chất đống. Sau khi đã mất hy vọng thoát khỏi cái chết hoặc chạy trốn, hoặc bằng cách nào khác, một số lớn nhất là phụ nữ và trẻ em tìm một chút an ủi là được chết dưới bóng thánh giá và được chôn lấp dưới những đổ nát của nhà thờ, nơi họ đã lãnh nhận phép Rửa và thường xuyên đến cầu nguyện.

Trong nhiều nơi người người đã bị thiêu sống và các người Pháp ở Quảng Trị xúc động biết được rằng cách thành đó khoảng một giờ đi bộ, người ta đã thiêu sống 176 người thuộc họ đạo An Lộng.

Trong họ Dương Lộc, cuộc tàn sát thật kinh khủng. Chắc hẳn không thấy rõ nguy hiểm đang bao quanh, hoặc nghĩ rằng hợp lực lại họ có thể chống cự quân cướp dễ dàng hơn, nên các kitô hữu thuộc 5 họ đạo lớn, 4 linh mục và khoảng 50 nữ tu họp nhau tại Dương Lộc. Họ đã có thể đẩy lui nhiều cuộc tấn công của loạn quân.

Nhưng những loạn quân này đã gọi thêm tăng viện và đã dẫn đến cả 1 con voi trận. Trước những sức mạnh đó, các người trong vòng vây chắc hẳn đã mất can đảm. Sau khi phá bỏ các chướng ngại vật, loạn quân đã xâm nhập vào trong lũy nhỏ yếu ớt bảo vệ các kitô hữu, lửa cháy, gươm đao, giáo mác tất cả hợp nhau tàn sát 2 hoặc 3 ngàn kitô hữu tụ họp nơi đó”.

“Khi chúng con đến Bái Sơn, nơi các kitô hữu đã họp nhau quyết bảo vệ đến cùng và họ đã có thể kháng cự trong nhiều tuần lễ, chúng con đã gặp thấy nhà thờ bị đốt cháy và các tử thi nằm mọi phía, người bị chặt tay chân bởi hung khí bọn sát nhân, người thì bị thiêu cháy cách khủng khiếp. Cách đó một quảng, trong các lùm cây, các người còn sống đã bị chặt cách dã man và đang chết đói. Cuộc bao vây kéo dài lâu, và các đồ ăn dự trữ đã hoàn toàn cạn kiệt đến nổi phải bóc lá cây mà nhai để làm cho mình tưởng rằng khỏi đói.

Con còn nhận thấy nhiều trẻ nhỏ chết bên cạnh mẹ mà không bị vết thương nào, các trẻ khác cắn miệng vào vú mẹ đang chết hoặc đã chết. Còn có những chi tiết rùng rợi hơn nữa, nhưng bút mực không viết lên được”.

Đức Cha Caspar nói:

“Trong những cuộc tàn sát kinh khủng đó, 10 linh mục người Việt đã đổ máu vì Đức Kitô, không có lời lẽ loài người nào kể hết được những đối xử kinh khủng mà các kẻ sát nhân đã dùng để giết chết các ngài. Người thì bị thiêu sống, kẻ thì bị chôn sống, người khác nữa bị mổ bụng. Bị nhận ra là các đạo trưởng, các ngài thấy kẻ thù đã chuẩn bị cho mình một cái chết đau đớn đặc biệt”.

Đây là bảng tổng kết các khốn khổ các kitô hữu Quảng Trị phải chịu.

Số các nạn nhân gồm:

– Giáo hạt Đất Đỏ: 1.666 người

– Bái Trời: 2.013

– Dinh Cát: 4.642

– Thanh Hương: 264

Tổng cộng 8.585 kitô hữu bị tàn sát.

Lại nữa, tất cả các nhà thờ, viện cô nhi, các trường học đều đã bị cướp phá và thiêu rụi”.

(Trích dịch từ nguyên bản Pháp ngữ “Các Báo Cáo Thường Niên của Các Vị Giám Mục Giáo Phận Huế gửi Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris từ 1872 – 1940” do Lê Thiện Sĩ sưu tập. Lm. Stanislaô Nguyễn Ðức Vệ. tonggiaophanhue.net)

Chứng từ 2 là một đoạn trong bài kí của hậu duệ xứ Trà Câu, một họ đạo nằm ở phía Nam tỉnh Quảng Ngãi.

Trong bài kí này, tác giả kể về tai họa mà tổ tiên ông đã phải gánh chịu thời Văn Thân như sau: “….Theo sử liệu và chuyện kể của cha ông, xứ đạo Trà Câu nguyên thủy hình thành trước thời Văn Thân và cũng đã phải chịu cơn bách hại khủng khiếp của phong trào Sát Tả nầy. Tại vùng đất Trà Câu cũ, ngày xưa vẫn lưu dấu hai mộ tử đạo: một mộ dài như một đường hào và một mộ tròn như cái giếng. Một số đông tín hữu Trà Câu đã bị chôn sống dưới cái hào dài và cái giếng sâu nầy. Trong khi một số đông khác bì lùa xuống sông Thoa gần “Bến Đò Mốc” (bến sống ngăn đôi hai xã Phổ Văn và Phổ Quang thuộc huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), đến một vực sâu gọi là vực Ô Rô. Tại nơi đây, giáo dân bị cột trong các giỏ chiên (như giỏ nhốt gà) kết với các hòn đá nặng và bị xô xuống đoạn sông sâu nầy cho chết chìm. Chính do biến cố nầy mà dân cư tại đây cho đến bây giờ vẫn gọi đoạn sông nầy là “Vực Đạo””. (Lm. Giuse Trương Đình Hiền. Cảm nhận ngày Bổn Mạng cộng đoàn Trà Câu, sau 47 năm con về giỗ Mẹ. vietcatholic.net ngày 8/21/2012).

*Trần Vinh (Tháng 3.2013)

Chú thích:

1. Tham khảo Phạm Văn Sơn. Sđd., trang 150, 154,155. Coi thêm: Phan Phát Huồn. Việt Nam Giáo Sử. Quyển 1. In lần 2. Trang 508 và Mark W. McLeod. Triều đình Huế và Chủ trương bài Thiên Chúa Giáo 1862-1868. Ngô Bắc dịch. www. Gio-o.com).

2. Tổng kết tổn thất giáo dân phải chịu trong giai đoạn này, Lm. Vũ Thành viết: “Tại Quảng Nam, quan đã bắt Ðức Cha Charbonnier, Thừa Sai Vancamelbeke, ba linh mục Việt và nhiều thầy giảng. Họ đánh đập và giam giữ nhiều ngày. Tại Nghệ An, Vũ Trọng Bình, Nguyễn Tri Phương và Phan Huy Vịnh tỏ ra thù nghịch với Công Giáo để cho nhóm Văn Thân đốt phá bốn chục họ đạo. Tại Nam Ðịnh nhóm Văn Thân đã tấn công làng Công Giáo thuộc địa phận Tây từ ngày 14-1-1868. Sau đó lần lượt mười hai họ đạo bị đốt phá khiến 4.000 người Công Giáo phải chạy về nhà chung tị nạn” (Lm. Vũ Thành. Dòng Máu Anh Hùng. Phần V: Những cuộc bách đạo thế kỷ 19. Chương 8: Những Vụ Thảm sát Người Công Giáo Do Văn Thân Khởi Xướng. dunglac.info. Đọc thêm Trịnh Việt yên. Máu Tử Đạo Trên Đất Việt Nam, USA., 1987. Trang 58 và Phan Phát Huồn. Việt Nam Giáo Sử. Quyển I. In lần 2. Trang 515).

3. Xem Phan Phát Huồn. Việt Nam Giáo Sử. Quyển I. In lần thứ 2. Trang 521.

4. Trong dân gian xứ Nghệ, vẫn truyền tụng những bài vè kể lại cuộc nổi dậy và bách hại đạo của các Văn Thân một cách sống động:

Văn Thân xứ Nghệ dụng tình âm mưu

Tú Trần, Tú Đặng thì đầu

Tú Vinh, nho Thiệu cùng nhau ăn thề.

Đầu năm Giáp Tuất kéo cờ

“Bình Tây sát tả” chữ đề không sai

Phen này sống mái một hai

Nghệ An, Hà Tĩnh ai ai nức lòng

Nho Đắc thì ở phủ Bùng

Truyền cho nho Phổ cũng đồng nhất tâm

Tưởng là hồi phục nước Nam.

Nỏ hay nhà Nguyễn đa đoan hại nòi

Truyền cho đại tướng Hồ Oai

Kéo quân dư vạn, khâm sai tiễu trừ.

………………………………………..

Nho Năm, nho Hướng đôi chàng.

Tú Mai, đội Lựu là làng văn thân.

Cố bang, cố ở đạ cân.

Lòng giời chẳng giúp chẳng mần nên chi.

Kéo lên chợ Rạng một khi.

Ba vạn chống nốc, cố thì sang Giăng.

Đồn đây tà đạo mấy thằng,

Đem ra ta chặt thủ quăng xuống rào.

Sao mà chẳng chộ giáo mác siêu đao hai hàng ?

Gửi tờ nho Hướng, cố Bang

Để ta sát tả gươm sang bên đời

Sát tả mới được vài ba nơi

Xổ kỳ Truông Ná đổ người về đông

Sát tả mới được vừa xong.

Kéo ngang qua cửa cực lòng văn thân.

Cực lòng cố chạy công văn

Kéo xuôi ta đánh bắt thằng tác vi

Quân thời ta chém quách đi

Lưa một thằng tướng đem về đây tau

Đem về được mấy ni lâu

Đem ra ta chặt, chuộc đầu chẳng cho

Tưởng hồ hai huyện ra trò.

Cố đặt cai đội, cố cho thông hành

Nam Đường mới lấy phủ Anh

Thanh Chương lấy huyện cho thành công chi

Cố sai một tiếng ra hai

Kéo ra phủ Diễn thật tài anh linh

Trống đánh cờ mờ dập dình

Ta chộ phủ Diễn ta kinh không vào

Phủ Diễn cổng kín thành cao

Nạp súng ta bắn cho trào thành ra…. (Tcnao.net (vietnc)

5. Trong cuốn Dòng Máu Anh Hùng, Lm. Vũ Thành viết: “Theo tường trình của Ðức Cha Puginier, Giám Mục Hà Nội, thì từ tháng 3-1883, Hà Nội, Nam Ðịnh và Hải Dương bị cướp phá. Nguyên tháng 12 ở Hà Nội có 300 làng, tức là 1/3 bị phá. Trong các làng toàn tòng Công Giáo thì có 4 làng bị hủy diệt, 15 làng khác bị cướp. Tại Thanh Hóa, hai trong sáu xứ bị hủy diệt, 242 nhà thờ và nhà nguyện bị ðốt cháy, 6 thừa sai, 11 linh mục và 63 thầy giảng cùng với 288 giáo dân bị thảm sát” (Lm. Vũ Thành. Dòng máu Anh Hùng. Sðd).

6. Ts. Trịnh Việt Yên tường thuật tổng quát về cơn bách hại người theo đạo Gia Tô trong 2 năm này như sau: “Năm 1885 và 1886 là hai năm tang tóc nhất của Giáo Hội Việt Nam trên đường khổ nạn. Thật là hai năm trên đỉnh núi Sọ! Những con số sau đây làm chứng điều đó:

Trong tỉnh Thanh Hóa từ thánh 3 đến tháng 9 năm 1885 hơn 1800 bổn đạo bị chém. Và hơn 100 họ đạo bị phá. Khoảng giữa tháng 12. 1885 tại Quảng Bình có hơn 2000 bổn đạo bị giết. Tháng 1.1886 lại thêm một cha và 442 bổn đạo bị chém chết và 10 họ đạo bị thiêu ra tro cùng 1800 người phải chạy sang Đồng Hới sống bơ vơ không nhà ở, cơm ăn. Năm 1885, tỉnh Quảng Trị mất 10 cha, 8000 bổn đạo và 70 họ đạo. Tám ngàn người sống sót phải chạy đến cầu cứu với Đức Cha Lộc (Mgr. Gaspard) ở Huế. Qua năm 1886 lại có thêm 6000 người bị giết. Trong tỉnh Quảng Nam có hơn 1000 người bị giết. Trong tỉnh Quảng Ngãi có 40 họ đạo bị phá và 6000 bổn đạo bị giết. Trong hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận, người Công Giáo, tuy không ai bị giết, nhưng phải chạy lên rừng trú ẩn, để lại làng mạc, nhà cửa làm mồi ngon cho quân địch cướp bóc và đốt phá. Trong tỉnh Phú Yên, chúng giết cha Bảo, cha Hậu và hơn 6000 bổn đạo.

Nhưng số thiệt hại không nơi nào đau xót và nặng nề như trong tỉnh Bình Định: 7 linh mục, 60 thầy giảng, 270 nữ tu Mến Thánh Giá và 24000 người bị giết. Các cơ sở truyền giáo như tòa Giám mục, nhà thờ, nhà xứ, hai chủng viện, một nhà in, 10 tu viện và 225 nhà nguyện bị thiêu tan. Tất cả 150 họ đạo bị đốt phá, chỉ trừ có hai họ thoát nạn. Hơn 8000 bổn đạo chạy ra Quy Nhơn, phải đói khát hầu như chết rũ, và Đức Cha Hân (Mgr. Van Camelbeke) phải sai mấy linh mục thân hành vào tận Gia Định đong gạo để nuôi họ. Cách mấy ngày Đức Cha lại phải thuê một chiếc tàu Đức Gerda chở những người đó vào Gia Định. Nhưng chỉ chở được 3000 người. Số còn lại phải ở lại chơ vơ trên bãi biển Quy Nhơn. Suốt một năm trời họ sống nheo nhóc như những kẻ phải lưu đầy khốn khổ trăm chiều.

Về phía các thừa sai truyền giáo, chúng ta cũng đếm được gần 20 vị phải chết đồng thời với giáo hữu trong những hoàn cảnh bi đát. Trong tỉnh Thanh Hóa thuộc địa phận Tây Đàng Ngoài có 7 vị bị giết, đó là: Cha Khanh (Béchel), Châu (Gélot), Nhân (Rival), Thiện (Manissol), Khanh (Séguret), Điều (Antoine), và Tuân (Tamet).

Địa phận Đàng Trong mất 8 vị: Cha Tân (Poirier), Hoán (Guégan), Châu (Garin), Sĩ (Macé), Chung (Barrat), Minh (Dupont), Thành (Tribarne) và Thuông (Chatelet)”. (Trịnh Việt yên. Máu Tử Đạo Trên Đất Việt. USA, 1987. Trang 62-64). Xem thêm: Vũ Thành. Dòng Máu Anh Hùng. Sđd. và Phan Phát Huồn. Việt Nam Giáo Sử. Quyển I. In lần thứ 2. Từ trang 526 tới 540).

Chỉ nguyên ðợt bách hại này, Lm. Vũ Thành ước tính: “Tổng cộng số giáo dân bị giết có tới 40.000 người, 20 thừa sai, 30 linh mục Việt, hàng ngàn họ đạo bị thiêu hủy” (Lm.Vũ Thành. Dòng Máu Anh Hùng. Sðd.).

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS