Thư viện Vatican mở rộng kết nối với các nhà tài trợ qua một dự án kỹ thuật số

Nghe bài này

Để làm cho các bộ sưu tập văn hóa có giá trị trở nên dễ tiếp cận hơn, vào ngày 17/6/2024, Thư viện Vatican đã ký một thỏa thuận khác với công ty đa quốc gia của Nhật Bản NTT DATA. Theo đó, Thư viện Vatican sẽ tặng cho những người ủng hộ Thư viện Vatican các NFT, như một loại “chìa khóa” cho phép họ tải xuống các bản sao kỹ thuật số chất lượng cao của 15 hoặc 21 bản thảo đặc biệt được lưu giữ tại Vatican.

“Dự án Hỗ trợ Web3 của Thư viện Vatican”

Đây là việc mở rộng sang Ý một dự án đang “thử nghiệm”, đã hoạt động tại Nhật Bản kể từ tháng 2/2023, được gọi là “Dự án Hỗ trợ Web3 của Thư viện Vatican”, nhắm mở rộng “cộng đồng trực tuyến của Thư viện Vatican bằng cách kết nối tổ chức văn hóa với những nhà tài trợ thông qua công nghệ Web3”.

Cụ thể, những người Ý chia sẻ về dự án NFT trên tài khoản mạng xã hội của họ cho đến ngày 16/7/2024 sẽ nhận được “NFT Bạc”, qua đó họ có thể truy cập vào bộ sưu tập đặc biệt có các hình ảnh độ phân giải cao của 15 bản thảo của thư viện. Còn những người ủng hộ tài chính của dự án sẽ nhận được “NFT vàng”, cho phép họ truy cập vào hình ảnh có độ phân giải cao của tất cả 21 bản thảo trong bộ sưu tập đặc biệt.

Cha Mauro Mantovani, dòng Salêdiêng, Giám đốc Thư viện Vatican, cho biết: “NTT DATA đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sứ mạng của Thư viện Vatican là làm cho công chúng có thể tiếp cận được các bộ sưu tập độc đáo của nó, bất kể nguồn gốc, văn hóa, tôn giáo, chính trị hay hệ tư tưởng, đồng thời nuôi dưỡng nghiên cứu và phát triển khoa học”.

Thư viện Vatican

Thư viện Vatican, theo hình thức hiện tại, được bắt đầu từ thế kỷ 14. Trang web mới của Thư viện ra mắt vào năm 2020 với các chức năng tìm kiếm được cải tiến và khả năng truy cập dễ dàng hơn vào bản kỹ thuật số của các bản thảo số hóa, kho lưu trữ, tài liệu lưu trữ, tiền xu, huy chương và các incunabula, là những cuốn sách được in ở châu Âu trước thế kỷ 16.

Theo trang web của Thư viện Vatican, Thư viện Vatican “lưu giữ hơn 180.000 bản thảo (bao gồm cả các đơn vị văn khố), 1.600.000 cuốn sách in, khoảng 9.000 sách cổ, hơn 300.000 đồng xu và huy chương, hơn 150.000 bản in, hàng ngàn bức vẽ và bản khắc, và hơn 200.000 bức ảnh”.

Hồng Thủy – Vatican News

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS