Như những cái tên Ambrose, Augustine, Athanasius và John Chrysostom gợi ý, những thế kỷ ở giữa ngàn năm thứ nhất, tức kỷ nguyên của các Giáo phụ, là thời kỳ hoàng kim của hàng giám mục Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo công nhận 35 vị nam, nữ là các thày dạy gương mẫu; 14 người trong số họ – 40% của toàn bộ danh sách “Tiến sĩ Giáo hội” – là các giám mục sống trong thời kỳ đó. Đó không phải là khoảng thời gian thanh bình. Nhưng ngay cả khi những vị mục tử dũng cảm này chiến đấu với những kẻ dị giáo trong Giáo hội và những kẻ thống trị hống hách, những người mưu toan bắt Giáo hội phục tùng quyền lực của họ, họ đã tạo nên một gia sản tinh thần mà chúng ta vẫn được hưởng lợi cho đến ngày nay, khi Giáo hội thường xuyên suy gẫm về các bài giảng, thư từ và bình luận Kinh thánh của họ trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
Một đặc điểm của thời kỳ hoàng kim của các giám mục này là tập tục thách thức và sửa chữa huynh đệ trong hàng giám mục. Các giám mục địa phương ở giữa ngàn năm thứ nhất tin rằng họ thuộc về, và chia sẻ trách nhiệm đối với, một hiệp thông toàn thế giới. Xác tín rằng những gì xảy ra ở một phần của cơ thể có ảnh hưởng đến toàn bộ, các giám mục như Cyprian, Basil thành Caesarea, Ambrose, và Augustine đã không ngần ngại sửa chữa các giám mục anh em mà họ cho là đã sai lầm trong tín lý hoặc thực hành kỷ luật của họ – và đôi khi đã làm như vậy, bằng một ngôn ngữ mạnh mẽ.
Khái niệm trách nhiệm chung này của các giám mục đối với Giáo hội thế giới đã được rút tỉa từ giáo huấn của Công đồng Vatican II về tính hợp đoàn giám mục. Tuy nhiên, tập tục thách thức và sửa chữa huynh đệ của các Giáo phụ vẫn còn cần được phục hồi. Sự phục hồi này bây giờ là điều chủ yếu khi Giáo hội ở Đức rơi vào tình trạng bội giáo – một sự phủ nhận các chân lý của đức tin Công Giáo đang đe dọa sẽ có ly giáo.
Cơ chế của việc này là cái gọi là “Con đường đồng nghị Đức”, một diễn trình kéo dài nhiều năm nhằm mục đích thay đổi căn bản Kho tàng Đức tin về các vấn đề tín lý, trật tự Giáo hội và đời sống luân lý, do đó phản bội ý định của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đối với Công đồng Vatican II. Theo “Văn bản căn bản” được phát hành gần đây, Con đường đồng nghị Đức sẽ chỉnh sửa Chúa Giêsu về hiến pháp của Giáo hội và quyền quản trị giám mục của nó (bản văn tiếng Đức tuyên bố “Thời gian đã vượt qua các mô hình này”), cũng như nó chỉnh sửa và cải thiện giáo huấn của Giáo hội về “công bằng giới tính…. đánh giá các khuynh hướng tình dục của người đồng tính, và…. Xử lý với thất bại và những khởi đầu mới (ví dụ, hôn nhân sau khi ly dị)”.
Sao có thể như thế được? Theo Văn bản Căn bản thì có thể vì “không có một chân lý nào của thế giới tôn giáo, đạo đức và chính trị, cũng như không có một hình thức tư tưởng nào có thể cho rằng mình có thẩm quyền tối cao”. Do đó, “trong Giáo hội… những quan điểm và cách sống hợp pháp có thể cạnh tranh nhau ngay trong những xác tín cốt lõi… những tuyên bố chính đáng về mặt thần học đối với sự thật, sự đúng đắn, dễ hiểu và trung thực… [có thể] mâu thuẫn với nhau….”
Đây không chỉ là một hạn từ rau trộn được các học giả ham chơi về mặt ý thức hệ và các quan chức Giáo Hội say mê quyền lực sáng chế. Nó là sự bội giáo và bội giáo để phục vụ tín ngưỡng hậu hiện đại, một tín ngưỡng có thể là “sự thật của bạn” và “sự thật của tôi” nhưng không có gì có thể mô tả một cách đúng đắn như sự thật. Và để các bạn đừng nghĩ rằng cách tiếp cận này sẽ dẫn đến một sự khoan dung mới của đa dạng, Văn bản Căn bản cảnh báo những người tuyên xưng Kinh Tin Kín Nicene, chứ không phải kinh tin kính hậu hiện đại, rằng họ sẽ bị buộc phải “hỗ trợ” và “cổ vũ” những gì họ vốn bác bỏ như xa rời đức tin Kitô giáo. Xem ra bản năng cưỡng chế toàn trị đã cố thủ trong một số nền văn hóa rồi vậy.
Giám mục Georg Bätzing của Limburg, chủ tịch hội đồng giám mục Đức, tuyên bố rằng “Con đường đồng nghị” của Đức đang được theo dõi nhiệt tình ở những nơi khác trong Giáo hội thế giới. Nếu vậy, điều đó chỉ xảy ra trong số những cán bộ đang thu hẹp dần của Catholic Lite, những người đã không học được từ điển hình Đức rằng Catholic Lite sẽ dẫn đến Catholic Zero như được đơn cử bởi Văn bản Căn bản này. Do đó, điều bắt buộc là các giám mục anh em phải làm Giám mục Bätzing tỉnh ngộ khỏi ảo tưởng rằng ngài, tuyệt đại đa số giám mục Đức, và bộ máy hành chính của Giáo hội Đức là những người tiên phong can đảm của một Đạo Công Giáo mới dũng cảm.
Trách nhiệm đầu tiên ở đây thuộc về Giám mục Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người nên làm những gì Thánh Giáo hoàng Clêmentê I đã làm với những người Côrintô ồn ào trong thời kỳ hậu tông đồ và những gì Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả đã làm với các giám mục anh em trong thời đại các Giáo phụ: kêu gọi các giám mục Đức trở lại với “đức tin đã được chuyển giao cho các thánh một lần mãi mãi” (Gđ 1: 3). Tuy nhiên, trách nhiệm này không phải của riêng Đức Giáo Hoàng. Các giám mục khác trên khắp Giáo hội thế giới nên cho Giám mục Bätzing biết mối quan tâm nghiêm trọng của họ về tính chất xói mòn của Văn bản Căn bản của Con đường đồng nghị.
Đó là điều mà những người tầm cỡ như Ambrose, Augustine, Athanasius và John Chrysostom – những người sẽ nghẹn lời trước việc ca tụng “tính mơ hồ” của Văn bản Căn bản – sẽ làm.