Tờ Washington Post bênh vực Đức Giáo Hoàng về nhận xét chiến tranh Israel-Hamas là khủng bố

Nghe bài này

Các ký giả Anthony Faiola, Stefano Pitrelli và Louisa Loveluck của Washinton Post, ngày 30 tháng 11 năm 2023, nhận định rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi cuộc chiến giữa Israel-Hamas: ‘là hành vi khủng bố’

Khi bom rơi và xe tăng tiến sâu vào Gaza vào cuối tháng 10, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã có một cuộc điện đàm đầy căng thẳng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Giáo Hoàng đưa ra lời đáp lại thẳng thừng khi vị nguyên thủ quốc gia Israel mô tả nỗi kinh hoàng của đất nước ông trước cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10.

Theo một viên chức cấp cao của Israel quen thuộc với cuộc điện đàm trước đây chưa được tường trình này, Đức Phanxicô nói: “Cấm đáp trả khủng bố bằng khủng bố”.

Herzog phản đối, lặp lại quan điểm rằng chính phủ Israel đang làm những gì cần thiết ở Ga-za để bảo vệ người dân của mình. Đức Giáo Hoàng tiếp tục nói rằng những người chịu trách nhiệm nên giải trình, chứ không phải thường dân.

Cuộc điện đàm riêng đó xem ra cung cấp thông tin cho những cách giải thích của Israel về câu tuyên bố gây bút chiến của Đức Phanxicô, trong buổi tiếp kiến chung ngày 22 tháng 11 tại Quảng trường Thánh Phêrô, rằng cuộc xung đột đã “vượt ra ngoài chiến tranh. Đây là hành vi khủng bố.” Xét theo cuộc trao đổi ngoại giao – bị người Israel coi là “tồi tệ” đến mức họ không công bố nó– hàm ý xem ra rõ ràng: Giáo hoàng đang gọi chiến dịch của họ ở Gaza là một hành động khủng bố.

“Làm thế nào để giải thích khác cho được?” viên chức cấp cao nói như thế với điều kiện giấu tên vì thảo luận một vấn đề nhạy cảm.

Vatican từ chối làm rõ liệu Đức Giáo Hoàng có mô tả công khai hay riêng tư các hành động của Israel ở Gaza là “khủng bố”. Nhưng trong một tuyên bố với tờ The Washington Post, họ thừa nhận cuộc gọi giữa Đức Giáo Hoàng và Herzog. Tuyên bố viết: “Cuộc điện thoại, giống như những cuộc điện thoại khác trong cùng ngày, diễn ra trong bối cảnh những nỗ lực của Đức Thánh Cha nhằm kiềm chế mức độ nghiêm trọng và phạm vi của tình hình xung đột ở Thánh địa”.

Một phát ngôn viên của văn phòng tổng thống Israel đã từ chối bình luận, nói rằng: “Chúng tôi không có xu hướng đề cập đến các cuộc trò chuyện riêng tư”.

Nhưng những lời công khai của Đức Giáo Hoàng đã làm dấy lên sự phản đối kịch liệt từ các nhóm thân Israel, chẳng hạn như Ủy ban Do Thái ở Mỹ, và khơi dậy những căng thẳng lịch sử giữa một số nhà lãnh đạo Do Thái và Vatican.

Theo một nghĩa nào đó, những bình luận của Đức Giáo Hoàng đã kết tinh nỗi kinh hoàng hoàn cầu ngày càng tăng về sự mất mát sinh mạng của dân thường ở Gaza. Theo Bộ Y tế Gaza, hơn 13,300 người đã thiệt mạng ở đó kể từ khi Israel phát động chiến dịch quân sự vào đầu tháng 10. Đức Phanxicô dường như phản ứng giống như các nhóm nhân đạo và các nhà lãnh đạo thế giới khác đã làm.

Tuy nhiên, có một số tổ chức thân Israel lo ngại rằng, ngay cả khi Vatican ít có ảnh hưởng đạo đức hơn trước đây, Đức Phanxicô vẫn có tiềm năng lớn hơn hầu hết các nhà lãnh đạo chính trị để ảnh hưởng đến tình cảm hoàn cầu.

Karma Ben Johanan, một học giả về quan hệ Do Thái-Kitô giáo tại Đại học Do Thái ở Giêrusalem, cho biết: “Tôi nghĩ rủi ro là rất lớn. Ngay cả trong thế giới bán thế tục của chúng ta, Đức Giáo Hoàng cũng có tầm vóc đạo đức và sự hướng dẫn tâm linh của ngài rất được đánh giá cao. Nếu hàm ý rằng Israel không có quyền tự vệ thì có nguy cơ điều này sẽ trở thành một quan điểm phổ biến hơn. Mối quan hệ Do Thái-Công Giáo trở nên khó khăn hơn.”

Bên trong các cuộc gặp gỡ của Đức Giáo Hoàng với các gia đình Palestine và Israel

Vào ngày 22 tháng 11, trong vài giờ trước buổi tiếp kiến chung và bình luận về “chủ nghĩa khủng bố”, Đức Phanxicô đã tổ chức hai cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc: một với thân nhân của những người bị giết ở Gaza và một với gia đình của các con tin bị Hamas bắt giữ.

Shireen Hilal, một giáo sư đã mất hai thành viên trong gia đình, cho biết trong cuộc gặp với người Palestine, Đức Giáo Hoàng đã khóc khi nói về số người chết quá lớn. Cô và những người tham dự cho biết Đức Phanxicô đã sử dụng từ “diệt chủng” trong tiếng Anh.

Cố nói, “Ngài biết chính xác chuyện gì đang xảy ra, cuộc sống ở Gaza khó khăn như thế nào. Ngài biết tất cả các tình huống. Biết rằng không có điện, không có gas, không có nhiên liệu, không có nước sạch, không có trợ giúp y tế. Ngài cũng biết rằng giáo hội đang phải chịu đau khổ ở Gaza”.

Một phát ngôn viên của Vatican nói với các phóng viên rằng theo những gì ông biết, Đức Giáo Hoàng không nói đến “sự diệt chủng”, nhưng ông không loại trừ điều đó một cách dứt khoát. Đức Giáo Hoàng đã thường xuyên cảnh cáo về những đau khổ ở Gaza và kêu gọi viện trợ nhân đạo nhiều hơn cũng như một lệnh ngừng bắn lâu dài. Vatican cho biết ngài cũng duy trì liên lạc hàng ngày với một nhà thờ Công Giáo ở Gaza đang che chở cho 700 người Palestine.

Những người Do Thái chỉ trích Đức Giáo Hoàng phàn nàn rằng nói rộng hơn, ngài đã tập chú vào số phận ở Gaza, đề cập đến nó thường xuyên mà không bày tỏ sự phẫn nộ tương đương trước những thiệt hại về nhân mạng ở Israel – điều mà các viên chức Vatican phủ nhận. Những người chỉ trích ngài cũng đổ lỗi cho ngài vì đã không tố cáo cụ thể những bình luận mà họ coi là chống Do Thái từ Sheikh Ahmed el-Tayeb của Ai Cập, đại giáo sĩ của Nhà thờ Hồi giáo al-Azhar ở Cairo, người mà Đức Phanxicô đã phát triển mối quan hệ nồng ấm.

Alfonso Pedatzur Arbib, giáo sĩ trưởng của Milan, bày tỏ sự thất vọng khi Vatican sắp xếp gặp gỡ người Israel và người Palestine trong cùng một ngày, như thể người Israel không được hưởng “sự liên đới độc quyền”. Các gia đình Israel đã cố gắng hết sức để tổ chức một cuộc gặp gỡ, nhưng cuộc gặp gỡ này chỉ diễn ra sau những cuộc đàm phán khó khăn trong đó Vatican tìm cách tránh gửi đi một thông điệp chính trị. Tuy nhiên, người Israel vẫn tiếp tục gây áp lực, hy vọng tầm vóc của Giáo hoàng sẽ hỗ trợ cho mục đích của họ.

Sau cuộc gặp gỡ, họ bày tỏ lòng biết ơn và mô tả Đức Giáo Hoàng là người giàu lòng nhân ái. Tuy nhiên, một số người cho biết họ thất vọng vì thời lượng yết kiến quá ngắn – chưa đầy 20 phút – và rất ít người trong số họ có khả năng góp tiếng nói.

Một số người cũng ngạc nhiên trước những bình luận của Đức Phanxicô vài giờ sau đó, khi ngài dường như đánh đồng phản ứng của Israel ở Gaza với chủ nghĩa khủng bố.

Romi Cohen, 19 tuổi, người anh em sinh đôi đang bị bắt làm con tin ở Gaza, cho biết: “Ở Rome, chúng tôi cảm thấy ngài ở bên chúng tôi, nhưng trước mặt thế giới, cảm giác hơi khác một chút”. Cô nói thêm, “Cá nhân tôi cảm thấy việc so sánh hai bên khi nói về khủng bố không phải là điều [nên] diễn ra.”

Tranh cãi về câu tuyên bố ‘khủng bố’ của Đức Giáo Hoàng

Lời bình luận của Đức Thánh Cha đã gây ra một cơn bão lửa.

Rabbi người Mỹ Abraham Cooper, giám đốc hoạt động xã hội hoàn cầu của Trung tâm Simon Wiesenthal, người đã gặp Đức Phanxicô ba lần, cho biết: “Đức Giáo Hoàng, bởi vì ngài là giáo hoàng, nên phải cân nhắc lời nói của mình. Biểu lộ sự tương cảm với những người Palestine đã mất đi người thân ở Gaza là một việc nên làm. Nhưng điều mà giáo hoàng đang tiếp cận, và tôi hy vọng ngài không đến nỗi như vậy, là đưa ra sự tương đương về mặt đạo đức cho vụ tàn sát kiểu thời Trung cổ [cuộc tấn công Hamas] và các hành động của một quốc gia dân chủ.”

Đức Hồng Y Matteo Zuppi, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý và là người thân tín của Đức Giáo Hoàng, đã tìm cách đính chính nhận định của Đức Phanxicô.

Đức Hồng Y Zuppi nói với các phóng viên vào tuần trước, “Điều này không có nghĩa là đặt mọi người ngang hàng nhau. Ngày 7 tháng 10 là một bi kịch, chấm hết. Đó là một bi kịch.”

Tuy nhiên, đòn phản công vẫn tiếp tục. Các nhà phê bình đặt câu hỏi về việc Giáo hoàng không lên án rõ ràng Hamas. Một số nhà lãnh đạo Do Thái cho rằng Đức Phanxicô có trách nhiệm không những đứng lên bảo vệ Israel mà còn có lập trường chống lại sự gia tăng đáng báo động của chủ nghĩa bài Do Thái.

Pedatzur Arbib nói: “Những gì đang xảy ra hiện nay là sự quay trở lại với sự bất bình và bôi xấu người Do Thái. Có những cuộc thăm dò gây ngạc nhiên cho thấy hầu hết sinh viên Ý nghĩ rằng Israel có thể được so sánh với Đức Quốc xã. Một điều gì đó lớn lao đang xảy ra… mọi ức chế đang bị bỏ đi. Tôi mong đợi một hành động rõ ràng từ Giáo hội, điều mà tôi vẫn chưa thấy.”

Các quan chức Israel – nếu không phải là các giáo sĩ Do Thái và các nhóm Do Thái – đã không công khai tố cáo giáo hoàng.

Chính phủ đã nhanh chóng tự bảo vệ mình trước những lời chỉ trích khác về phản ứng quân sự của mình. Nó đã tham gia vào một cuộc khẩu chiến với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, cùng những người khác.

Những người trong cuộc Israel cho biết, sự khác biệt trong trường hợp của giáo hoàng một phần là do cuộc trò chuyện với Herzog được giữ bí mật. Nhưng chính phủ cũng có thể lo lắng việc một cuộc đấu tranh công khai với Đức Phanxicô – với khả năng gây ảnh hưởng lên tới 1.3 tỷ người Công Giáo – có thể còn gây hại hơn cả nhận xét về khủng bố của ngài.

Những nhận xét nói gì về giáo hoàng

Ngay cả những nhà phê bình Do Thái gay gắt nhất của ngài cũng không cho rằng Đức Phanxicô đang buôn bán chủ nghĩa bài Do Thái, một tai họa mà ngài đã nhiều lần lên án.

Với tư cách là Hồng Y ở Buenos Aires – quê hương của một trong những cộng đồng Do Thái lớn nhất thế giới – Đức Phanxicô được biết đến là người tổ chức các ngày lễ của người Do Thái với người dân địa phương, giúp thắp sáng các đèn menorah trong lễ Hanukkah.

Vào năm 2015, ngài đã đánh dấu kỷ niệm 50 năm Nostra Aetate – tuyên bố của Vatican II nhằm tìm cách loại bỏ sự đổ lỗi, từ thời Kinh thánh, về cái chết của Chúa Giêsu cho người Do Thái – bằng một trong những lời bênh vực Israel mạnh mẽ nhất của một vị giáo hoàng đương nhiệm. Ngài nói: “Tấn công người Do Thái là chủ nghĩa bài Do Thái, nhưng tấn công thẳng vào Nhà nước Israel cũng là chủ nghĩa bài Do Thái”.

Tuy nhiên, hơn cả các vị giáo hoàng trước đây, vị giáo hoàng đầu tiên của Mỹ Latinh cũng đã đấu tranh cho nhân quyền, coi những người bị áp bức, những người yếu thế và những người bị áp bức là chính nghĩa chính của ngài. Ngài phản ảnh sự ngờ vực và hoài nghi chung của Nam Bán Cầu đối với phương Tây và các đồng minh, cũng như quan điểm thông cảm hơn đối với người Palestine và Nga.

Chính trong bối cảnh đó mà Đức Phanxicô đã đến thăm Bêlem vào năm 2014 và cầu nguyện bên cạnh hàng rào ngăn cách ở Westbank với khẩu hiệu “Palestine tự do!”

Đức Phanxicô thậm chí còn trở nên ít thận trọng hơn trong giai đoạn sau của triều Giáo Hoàng của ngài, tự phát biểu bằng những ngôn từ mạnh mẽ và thẳng thắn. Năm ngoái, ngài cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xâm chiếm Ukraine một phần vì “tiếng sủa của NATO trước cửa Nga”. Gần đây, ngài đã chỉ trích một “thái độ phản động mạnh mẽ” trong số những người Công Giáo Hoa Kỳ – sau đó loại bỏ một người chỉ trích, Giám mục Joseph Strickland của Texas, và tước bỏ các đặc quyền truyền thống của một người khác, Hồng Y Hoa Kỳ Raymond Burke.

Marco Politi, người viết tiểu sử về Đức Phanxicô, cho biết: “Đây rõ ràng là những phát biểu tự phát, thực sự phù hợp với niềm tin của ngài. Có thể có những lầm lỡ,” như khi Đức Giáo Hoàng xem ra tôn vinh quá khứ đế quốc của Nga trong những nhận xét không có văn bản với giới trẻ Công Giáo ở St. Petersburg. “Nhưng khi ngài nói về nỗi kinh hoàng… ngài nói theo cách nói của những người bình thường, bằng những từ ngữ dễ hiểu. Giết hại hàng nghìn người ở Gaza là hành vi khủng bố; chỉ có vậy.”

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS