Toàn văn Thông Điệp Lumen Fidei của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Nghe bài này

Lumen-Fidei

1. Ánh sáng đức tin: đó là cách truyền thống Giáo Hội nói về hồng phúc do Chúa Giêsu mang tới. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Kitô tự nói về Người: “Ta đến như ánh sáng bước vào trần gian, để bất cứ ai tin vào Ta sẽ không còn ở trong bóng tối nữa” (Ga 12:46). Thánh Phaolô sử dụng cùng một hình ảnh: “Thiên Chúa, Đấng từng phán ‘ánh sáng hãy chiếu soi từ trong bóng tối’ đã chiếu soi tâm hồn chúng tôi” (2Cor 4:6). Thế giới ngoại giáo, một thế giới khao khát ánh sáng, đã nhìn thấy sự phát triển của việc tôn thờ thần mặt trời, Sol Invictus, mà họ kêu cầu mỗi ngày vào lúc bình minh. Ấy thế nhưng dù mặt trời mỗi sáng mỗi mới, rõ ràng nó vẫn không có khả năng chiếu sáng toàn bộ cuộc nhân sinh. Mặt trời không chiếu soi mọi thực tại; các tia sáng của nó không thể vào sâu trong bóng sự chết, nơi mà mắt con người không thấy ánh sáng của nó. Thánh Giustinô Tử Đạo viết rằng “Không ai sẵn sàng chết vì niềm tin của mình vào mặt trời” (1). Ý thức được chân trời mênh mông mà đức tin mở ra trước mắt họ, các Kitô hữu đã kêu cầu Chúa Giêsu như là mặt trời đích thực “với tia sáng ban sự sống” (2). Với Mácta, đang khóc thương cái chết của em trai mình là Ladarô, Chúa Giêsu bảo: “Tôi đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa đó sao?” (Ga 11:40). Ai tin, sẽ thấy; họ thấy bằng thứ ánh sáng đang soi sáng trọn cuộc hành trình của họ, vì ánh sáng này phát xuất từ Chúa Kitô phục sinh, sao mai không bao giờ lặn.

Một ánh sáng ảo?

2. Ấy thế nhưng, khi nói tới ánh sáng đức tin, ta gần như nghe được phản bác của nhiều người cùng thời với ta. Thời hiện đại, ánh sáng này bị coi chỉ đủ cho các xã hội thời xưa, nhưng vô dụng đối với thời mới, đối với một nhân loại đang thành hình, một nhân loại tự hào về tính hữu lý của mình và luôn muốn khám phá tương lai một cách mới mẻ. Do đó, đối với một số người, đức tin mang dáng dấp của một ánh sáng ảo, ngăn không cho nhân loại mạnh dạn lên đường tìm kiếm nhận thức. Nietzsche lúc còn trẻ từng khuyến khích chị mình là Elisabeth mạo hiểm, dám dẵm chân lên “những nẻo đường mới… với tất cả những điều không chắc chắn của một người phải tìm ra con đường riêng cho mình”. Ông nói thêm: “đây là nơi con đường của nhân loại bắt đầu: nếu chị muốn có bình an cho linh hồn và hạnh phúc, thì chị tin đi, nhưng nếu chị muốn theo đuổi chân lý, chị phải tìm kiếm” (3). Hình như tín ngưỡng không đi đôi với việc tìm kiếm. Từ khởi điểm này, Nietzsche sẽ khai triển việc ông phê phán Kitô Giáo đã làm giảm ý nghĩa trọn vẹn của nhân sinh và tước bỏ khỏi đời người những mới lạ và mạo hiểm của nó. Hiểu như thế, đức tin là ảo tưởng của ánh sáng, một ảo tưởng chặn lối tiến lên tương lai của một nhân loại giải thoát.

3. Trong diễn trình ấy, đức tin bị liên kết với bóng tối. Có những người cố gắng cứu vớt đức tin bằng cách dành chỗ cho nó song song với ánh sáng lý trí. Chỗ này sẽ được mở ra bất cứ nơi nào ánh sáng lý trí không chiếu thấu, bất cứ nơi nào sự chắc chắn không thể nào có được nữa. Như thế, đức tin được hiểu như một cú nhẩy vào trong bóng tối, cần tiếp nhận lúc không có ánh sáng, bị thúc đẩy bởi xúc cảm mù quáng, hay như một ánh sáng chủ quan, có lẽ có khả năng hâm nóng tâm hồn và đem lại nguồn an ủi cho bản thân, nhưng không phải là điều có thể đề xuất cho người khác làm ánh sáng khách quan chung với khả năng dẫn đường. Tuy nhiên, từ từ nhưng chắc chắn, người ta sẽ hiểu ra rằng ánh sáng của lý trí tự lập hiển nhiên không đủ để soi sáng tương lai; cuối cùng, tương lai vẫn mãi là chiếc bóng và đầy sợ sệt vô minh. Thành thử, nhân loại từ bỏ cuộc đi tìm thứ ánh sáng vĩ đại, là chính Chân Lý, ngõ hầu tự bằng lòng với những ánh sáng nhỏ hơn vốn chỉ soi sáng những khoảnh khắc mau qua chứ không chứng tỏ được khả năng chỉ đường. Ấy thế nhưng, vì thiếu ánh sáng, mọi sự trở nên mù mờ; người ta không thể phân biệt thiện ra khỏi ác, hay con đường dẫn tới đích điểm của ta khỏi những con đường khác vốn làm ta lẩn quẩn trong những đường vòng bất tận, không đi tới đâu.

Một ánh sáng cần được tìm ra

4. Do đó, điều hết sức khẩn thiết là một lần nữa phải thấy rằng đức tin là ánh sáng, bởi vì một khi ngọn lửa đức tin tắt đi, mọi ánh sáng khác đều bắt đầu tàn lụi. Ánh sáng đức tin là ánh sáng độc đáo, vì nó có khả năng chiếu soi mọi khía cạnh của nhân sinh. Một ánh sáng mạnh như thế không thể phát xuất từ ta mà từ một nguồn nguyên thủy hơn: nói cho gọn, nó phải phát xuất từ Thiên Chúa. Đức tin phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, Đấng mời gọi ta và mặc khải tình yêu của Người cho ta, một tình yêu đi trước ta và ta có thể dựa vào để được an toàn và xây dựng được đời ta. Khi đã được tình yêu này biến đổi, ta sẽ có được viễn kiến tươi mới, những con mắt mới để nhìn; ta sẽ hiểu ra rằng nó chứa đựng lời hứa thành tựu vĩ đại, và cả một tương lai mở ra trước mắt ta. Tiếp nhận từ Thiên Chúa như một hồng ân siêu nhiên, đức tin trở thành ánh sáng dẫn đường ta đi, hướng dẫn cuộc hành trình của ta qua thời gian. Một đàng, nó là ánh sáng phát xuất từ quá khứ, ánh sáng ký ức nền tảng về cuộc đời Chúa Giêsu, thứ ký ức mạc khải tình yêu hoàn toàn đáng tin cậy của Người, một tình yêu có khả năng chiến thắng sự chết. Ấy thế nhưng, vì Chúa Kitô đã sống lại và kéo ta ra khỏi sự chết, đức tin cũng là ánh sáng phát sinh từ tương lai và mở ra trước mắt ta những chân trời bao la dẫn ta ra khỏi những bản ngã cô lập của ta mà hướng tới cái rộng dài của hiệp thông. Ta sẽ tiến tới chỗ thấy rằng đức tin không nằm trong bóng râm và ảm đạm; nó là ánh sáng cho tối tăm của ta. Trong Thần Kịch, sau khi bày tỏ niềm tin của mình vào Thánh Phêrô, Dante mô tả ánh sáng này như “một đốm sáng sau đó trở nên ngọn lửa bừng bừng và như sao trời rạng sáng trong tôi” (4). Đây là thứ ánh sáng mà giờ đây tôi muốn xem sét để nó lớn lên và soi sáng hiện tại, trở thành ngôi sao rạng chiếu chân trời hành trình của ta vào một thời điểm nhân loại rất cần ánh sáng.

5. Trước ngày chịu khổ nạn, Chúa Kitô bảo đảm với Thánh Phêrô rằng: “Thầy đã cầu nguyện cho con để đức tin của con đứng vững” (Lc 22:32). Rồi Người bảo ngài phải củng cố anh chị em mình trong cùng một đức tin ấy. Ý thức được nhiệm vụ trao phó cho Người Kế Nhiệm Thánh Phêrô, Đức Bênêđíctô XVI đã công bố Năm Đức Tin hiện nay, một thời gian ơn phúc giúp ta cảm nhận được niềm vui lớn của việc tin và để làm tươi mới sự bở ngỡ thán phục của ta trước các chân trời bao la được đức tin rộng mở, để rồi tuyên xưng đức tin này trong tính hợp nhất và toàn vẹn của nó, trung thành với ký ức của Chúa và được nâng đỡ nhờ sự hiện diện của Người và hành động của Chúa Thánh Thần. Niềm xác tín phát sinh từ một đức tin vốn đem theo nét cao cả và thành tựu cho đời, một đức tin đặt trọng tâm vào Chúa Kitô và vào quyền năng ơn thánh của Người, vốn gợi hứng cho sứ mệnh của các Kitô hữu đầu tiên. Trong hạnh các tử đạo, ta đọc được cuộc đối thoại sau đây giữa quan tòa Rôma Rusticus và một Kitô hữu có tên Hierax: “’cha mẹ em đâu?’, quan tòa hỏi vị tử đạo. Ngài trả lời: ‘cha thật của chúng tôi là Chúa Kitô, và mẹ của chúng tôi là đức tin vào Người’” (5). Đối với các Kitô hữu tiên khởi này, đức tin, hiểu như cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống nơi Chúa Kitô, quả là “một người mẹ”, vì nó đem họ ra ánh sáng và sinh hạ họ vào sự sống thần linh, một kinh nghiệm mới và một viễn kiến chói lòa về hiện sinh mà họ sẵn sàng làm chứng công khai cho tới cùng.

6. Năm Đức Tin được khai mở vào dịp kỷ niệm lần thứ 50 ngày khai mạc Công Đồng Vatican II. Tự nó đây là dấu chỉ rõ ràng: Vatican II là Công Đồng về đức tin (6), vì nó yêu cầu ta tái lập quyền tối thượng của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô làm trung tâm đời ta, cả như một Giáo Hội lẫn như những cá nhân. Giáo Hội không bao giờ coi đức tin là chuyện đương nhiên, nhưng biết rằng hồng ân này của Thiên Chúa cần được nuôi dưỡng và tăng cường để nó có khả năng tiếp tục soi dẫn con đường lữ hành của ta. Công Đồng Vatican II giúp cho ánh sáng đức tin có khả năng chiếu soi kinh nghiệm nhân bản của ta từ bên trong, đồng hành với mọi người nam nữ của thời ta trong cuộc hành trình của họ. Công Đồng cho thấy rõ đức tin đã phong phú hóa đời sống ra sao trong mọi chiều kích của nó.

7. Trong liên tục tính với mọi điều Huấn Quyền của Giáo Hội vốn tuyên bố xưa nay về nhân đức đối thần này, các xem sét về đức tin ở đây nhằm bổ túc những điều Đức Bênêđíctô XVI từng viết trong các thông điệp của ngài về đức ái và đức cậy. Chính ngài đã gần như hoàn tất dự thảo đầu tiên của thông điệp về đức tin. Vì thế, tôi hết sức biết ơn ngài, và trong tư cách anh em của ngài trong Chúa Kitô, tôi đã tiếp nối công trình tốt đẹp của ngài và thêm một ít đóng góp của riêng tôi. Người Kế Nhiệm Thánh Phêrô, hôm qua, hôm nay và ngày mai, luôn được mời gọi củng cố anh chị em mình trong kho tàng vô giá đức tin mà Thiên Chúa đã ban cho ta làm ánh sáng dẫn đường cho nhân loại.

Trong hồng ân đức tin của Thiên Chúa, một nhân đức đầy tràn siêu nhiên, ta hiểu ra rằng một tình yêu vĩ đại đã được hiến tặng cho ta, một lời tốt đẹp đã được ngỏ với ta và khi ta chào đón lời ấy, tức Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời thành xác phàm, Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi ta, rọi sáng con đường tương lai của ta và giúp ta hân hoan tiến bước trên đường ấy bằng đôi cánh hy vọng. Được đan kết một cách diệu kỳ như thế, đức tin, đức cậy và đức mến là lực đẩy của đời sống Kitô hữu khi nó tiến bước hướng về việc hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Nhưng con đường mở rộng đức tin trước mắt ta này là con đường nào? Nguồn gốc ánh sáng mạnh mẽ vốn chiếu soi cuộc hành trình của một đời thành công và nhiều hiệu quả này là đâu?

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS