Một cuộc họp báo của Tòa Thánh Vatican hôm qua thứ ba (9/6/2020) đã trình bày một viễn kiến về tương lai của Giáo hội khi thế giới dần thoát khỏi đại dịch Covid-19.
(Tin Vatican – Robin Gomes)
Ước muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô về một Giáo hội dấn thân đồng cảm, đồng hành và cứu chữa cho mọi người sau cơn tàn phá của đại dịch Covid-19, được thực hiện dưới nhiều hình thức ở cấp địa phương lẫn toàn cầu.
Điều này đã được công bố trong một cuộc họp báo của Tòa thánh về những kế hoạch hành động của Giáo hội trong giai đoạn hậu dịch Covid-19. “Hãy chuẩn bị một tương lai thông qua các Giáo hội địa phương trong thời gian COVID-19 là chủ đề của cuộc họp báo được phát tán đi vào thứ ba (9/6/2020), mặc dù một số qui định y tế vẫn còn hiệu lực.
Theo yêu cầu của Đức Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ với Thánh bộ Phát triển toàn diện Con người (DPIHD) vào ngày 20 tháng 3 là thành lập một Ủy ban Tòa thánh lo cho những dịch vụ của cơn đại dịch COVID-19, để nói lên tình liên đới quan tâm của Giáo hội với các Giáo hội địa phương và toàn thể gia đình nhân loại đối với cơn đại dịch.
Theo chủ trương này, thì Thánh bộ và Quỹ bác ái Caritas Thế giới cùng hợp tác với nhau để thực hiện chương trình mà Đức Thánh Cha đề ra.
Trong số những người hiện diện trong cuộc họp báo hôm thứ Ba có Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng trưởng Thánh bộ Phát triển toàn diện con người (DPIHD), Đức Ông Segundo Tejado Muñoz, Thư ký Thánh bộ DPHID và Ông Aactsius John, Tổng thư ký của Hội Bác ái Caritas Quốc tế, và 165 Liên đoàn phát triển Công Giáo toàn cầu.
Không ai bị bỏ rơi
Phác họa viễn kiến các hoạt động của Giáo hội trong thời hậu cơn đại dịch, Đức Hồng Y Turkson cho hay đó là một trong những hy vọng hướng đến tương lai, hướng về Thiên Chúa. Trong ánh sáng này, ngài nhấn mạnh đến nhân phẩm của con người phải được đảm bảo bằng tình yêu dịu dàng và liên đới, không một ai bị loại trừ!
Đức Hồng Y cũng lưu ý rằng trong khi Châu Âu đang thoát ra khỏi đại dịch và dần dần được nới lỏng các hạn chế, thì ở những nơi khác, như Châu Mỹ Latinh và Châu Phi, hoàn cảnh lại khác. Ngài nhấn mạnh rằng chừng nào còn dù chỉ một trường hợp nhiễm Covid-19, thì thế giới chưa thể an toàn, tất cả các quốc gia phải nỗ lực trợ giúp để chấm tận được thảm họa này trong tình đại đoàn kết.
Các hoạt động của Caritas
Ông Aactsius John chủ tịch Quỹ Bác Ái Caritas Thế giới nói về 20 dự án trên khắp thế giới. Nhưng tầm quan trọng hàng đầu vẫn là ưu tiên bảo vệ sự an toàn cho trẻ em, phụ nữ và những người dễ bị tổn thương nhất.
Sự tương trợ và bác ái từ thiện của Giáo hội có tác động rất lớn cho một số quốc gia, như ở Pakistan, nơi mà Quỹ Caritas giúp đỡ cho tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo đã giúp cho tình đoàn kết và đối thoại liên tôn được triển nở…
Tại các quốc gia đang có những giao tranh như Senegal, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Nam Sudan và Somalia, Quỹ Caritas đang hoạt động trong các trại di cư qua sự giúp đỡ của các Giáo hội địa phương, hầu đưa tới những cuộc đối thoại hòa giải nhằm tái lập sự hòa hợp và hòa giải.
Tại Brazil và Peru, người dân bản địa còn chưa có những ý niệm về sự nguy hiểm của con vi khuẩn Covid-19 hầu tự bảo vệ chính mình. Quỹ Caritas đang điều hành nhiều dự án trị giá cả 12 triệu đô Mỹ trên toàn thế giới, bao gồm các dự án ở Honduras, Ecuador và Venezuela.
Quỹ Caritas cũng hợp tác chặt chẽ với mạng lưới các Giáo hội Vùng Châu Mỹ Latinh (REPAM) để giúp những người dân bản địa của vùng Amazon nhận được những thông tin chính xác về Covid-19 bằng chính ngôn ngữ của họ, hầu họ có thể tự bảo vệ cho chính họ!
Ông John cho hay: Một yếu tố quan yếu trong tất cả các chương trình này được khơi nguồn từ tư tưởng và ước muốn của Đức Thánh Cha, người đã đốc thúc Giáo hội đồng hành, bảo vệ và phục vụ nhân loại trong nhân phẩm con người.
Người di cư
Ông John cũng trình bầy tình trạng những người di cư nội địa tại Ấn Độ, hoặc những người được gửi đi lao động ở nước ngoài đang bị mắc kẹt vì không có việc làm và cũng không có phương tiện để trở về nhà vì tình trạng đóng cửa khẩu. Các đơn vị Caritas địa phương đã tiếp xúc với họ và cung cấp cho họ nơi tam trú, thực phẩm và các nhu yếu căn bản khác cho đến khi họ có thể hồi hương.
Caritas cũng rất tích cực trong việc giúp đỡ những người di cư ở Hy Lạp.
Những hoạt động 3 chiều
Ông John cũng trình bầy Giáo hội, cùng với Quỹ Caritas có những hoạt động 3 chiều trước cơn đại dịch Covid-19:
Thứ nhất, Caritas phổ biến các thông tin chính xác về con siêu vi này cho mọi người thông qua các phương tiện khác nhau.
Thứ hai, Quỹ đang cung cấp thực phẩm và nơi cư trú cho những người bị ảnh hưởng bởi việc đóng các cửa khẩu (biên giới). Ông John nêu ra những tình cảnh những người lao động từ Ấn Độ trong thời gian cấm cách này đã phải đi ăn xin và thậm chí họ phải đi lục lọi những thức ăn thừa vứt trong thùng rác để sống qua ngày.
Ông John cũng cho hay một số giám mục chia sẻ với các nhân viên Caritas xin họ giúp những người ăn xin, giúp những người đói khát, hầu mang lại cho họ một chút nhân phẩm… Đức Hồng Y Turkson nói thêm rằng tại Nam Phi, nhiều nhóm đối lập đã hạ vũ khí và tiếp tay phân phát thức ăn cho người nghèo khổ tại các địa phương.
Cuối cùng, ông John cho hay Quỹ Caritas đang cung cấp những vật liệu y tế thiết yếu giúp ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19.
Thanh Quảng sdb