Vatican cho biết các nữ phó tế, không phải luật độc thân, sẽ được thảo luận tại Thượng Hội đồng

Nghe bài này

Elise Ann Allen, trên bản tin ngày 15 tháng 3 năm 2024 của Crux, tường trình rằng những nhà tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục đang diễn ra của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố hôm thứ Năm rằng mười nhóm làm việc khác nhau đã được thành lập trong Giáo triều Rôma để giải quyết các chủ đề cụ thể được đưa ra từ phiên họp năm ngoái.

Họ cho biết, những chủ đề này được giới hạn ở các vấn đề được đề cập bên trong hội trường Thượng Hội đồng và bao gồm các câu hỏi nóng bỏng như quyền tiếp cận chức phó tế của phụ nữ và cách chào đón cộng đồng LGBTQ+.

Khi được hỏi cụ thể liệu các nhóm làm việc có đề cập đến các vấn đề đồng tính luyến ái và chức phó tế cho phụ nữ hay không, Đức ông Piero Coda, tổng thư ký của Ủy ban Thần học Quốc tế, cho biết “tất nhiên chúng nằm trong chương trình nghị sự” và rằng nhiều tài liệu khác nhau sẽ được đưa vào để suy tư về các chủ đề này.

“Nếu bạn nhìn kỹ vào vấn đề tiếp cận chức phó tế, người ta nói cụ thể rằng đó là một chủ đề nổi lên từ phiên họp thượng hội đồng và là vấn đề đồng ý về nhu cầu phải có một nghiên cứu này,” ngài nói thế, đồng thời cho biết kết quả của hai ủy ban trước đây do Đức Giáo Hoàng Phanxicô thành lập để xem xét vấn đề chưa có kết luận cuối cùng sẽ được xem xét trong nghiên cứu hiện tại.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu một nhóm làm việc chuyên về mối quan hệ giữa các Giáo Hội Công Giáo Latinh và Đông phương có giải quyết được vấn đề gây tranh cãi về việc bắt buộc linh mục phải sống độc thân hay không, Đức Hồng Y Mario Grech, tổng thư ký văn phòng Vatican của Thượng Hội đồng Giám mục, đã nói không.

Đức Hồng Y Grech nói: “Chủ đề về đời sống độc thân chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo trong phiên họp”.

Tương tự như vậy, Đức Hồng Y Dòng Tên Jean-Claude Hollerich của Luxembourg, Tổng Tường trình viên của Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhắc lại rằng “các nhóm nghiên cứu này không đề cập đến tất cả các chủ đề được thảo luận trong Giáo hội”.

Ngài nói, “Họ chỉ bàn đến những điểm đã được dân Chúa trình bày trong quá trình Thượng Hội đồng, Chúng tôi không làm chính trị giáo hội, chúng tôi là tôi tớ của tiến trình thượng hội đồng này”.

Hollerich cho biết ngài đã cố gắng và tin rằng mình đã thành công trong thượng hội đồng “không đưa nội dung của riêng tôi mà là nội dung đến từ dân Chúa”.

Các nhà tổ chức cũng được hỏi liệu một nhóm làm việc chuyên xem xét “các vấn đề gây tranh cãi về tín lý, mục vụ và đạo đức” có xem xét lại các phước lành dành cho các cặp đồng tính hay không trước phản ứng dữ dội lan rộng do tuyên bố của Vatican cho phép chúng tạo ra.

Tuyên bố Fiducia Supplicans, được Bộ Giáo lý Đức tin công bố vào tháng 12 năm 2023, nêu ra các phương pháp ban phước lành cho các cặp trong những tình huống bất hợp lệ và đã tạo ra phản ứng dữ dội và tranh luận.

Tuy nhiên, ĐHY Hollerich nói với các nhà báo hôm thứ Năm rằng đối với ngài, Fiducia Supplicans “là một tài liệu rất quan trọng”, mô tả nó là “rất đẹp, bởi vì nó có nghĩa là Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, ngay cả những người đang ở trong hoàn cảnh bất hợp lệ”.

Ngài nói rằng Phép lành được ban là một dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa, và thêm rằng “Đó là một tài liệu mục vụ, không phải là một tài liệu tín lý” và Thượng Hội đồng không liên quan gì đến nó.

“Tôi thấy nó rất đẹp trong bối cảnh mục vụ của tôi, nó giúp ích cho tôi. Tôi nghĩ rằng những gì Bộ Giáo lý Đức tin và Đức Giáo Hoàng đã quyết định không phải là một vấn đề sẽ được đưa ra lại trong Thượng hội đồng”, ngài nói, nhưng thêm rằng đây là ý kiến cá nhân của ngài.

Hôm thứ Năm, Vatican đã công bố hai tài liệu từ Thượng hội đồng Giám mục về Tính đồng nghị, khai mạc vào năm 2021 và bao gồm các cuộc tham vấn ở cấp địa phương, lục địa và hoàn cầu, tuyệt đỉnh là cuộc họp đầu tiên trong số hai phiên họp kéo dài một tháng tại Rome vào tháng 10 năm 2023.

Phiên họp kéo dài một tháng thứ hai và cũng là phiên họp cuối cùng sẽ được tổ chức từ ngày 2 đến ngày 27 tháng 10, để xem xét sâu hơn các vấn đề nảy sinh từ các giai đoạn tham vấn khác nhau, cũng như các điểm thảo luận chính nổi lên trong cuộc họp năm ngoái, đem quá trình kéo dài nhiều năm đến hồi kết.

Tài liệu đầu tiên có tựa đề “Làm thế nào để trở thành một Giáo hội đồng nghị trong truyền giáo?” đưa ra năm viễn cảnh khác nhau mà nó cho rằng đòi hỏi sự suy tư thần học trước cuộc họp thượng hội đồng năm nay.

Những viễn cảnh đó bao gồm “bộ mặt đồng nghị của Giáo hội địa phương” xem xét các thực tại và thừa tác vụ địa phương, bao gồm cả vấn đề về sự tham gia của phụ nữ và tiềm năng thành lập các thừa tác vụ mới, và “bộ mặt đồng nghị của các nhóm giáo hội” về mối liên hệ giữa các hội đồng giám mục quốc gia, khu vực và lục địa.

Một viễn ảnh khác là “bộ mặt đồng nghị truyền giáo của Giáo hội hoàn vũ”, mà tài liệu nói ám chỉ “một cách thức mới để thực thi thừa tác vụ Phêrô” và xem xét mối quan hệ giữa các giám mục và giáo hoàng, cũng như chủ đề đại kết.

Các gốc rễ phụng vụ và bí tích của một “Giáo hội đồng nghị” khám phá nền giáo hội học về sự tham gia của giáo dân trong khi tôn trọng thẩm quyền phẩm trật là một viễn ảnh khác cần được suy gẫm, cũng như “Giáo hội đồng nghị trong truyền giáo”, đề cập đến việc phúc âm hóa nền văn hóa so với việc hội nhập văn hóa đức tin và nhu cầu “hiệp thông giáo hội” ở mọi bình diện đối với các vấn đề mục vụ và luân lý chính.

Một tài liệu thứ hai cũng đã được công bố phác thảo mười nhóm nghiên cứu khác nhau dành riêng cho các vấn đề cụ thể đã nổi lên trong tiến trình Thượng Hội đồng cho đến nay, và sẽ được văn phòng Thượng Hội đồng giải quyết với sự cộng tác của các cơ quan có thẩm quyền của Giáo triều Rôma.

Các nhóm nghiên cứu này là:

Một số khía cạnh trong mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo Đông phương và Giáo hội Latinh;

Lắng nghe tiếng kêu của người nghèo;

Sứ mệnh trong môi trường kỹ thuật số;

Việc sửa đổi văn kiện “Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis” [Lý lẽ Căn bản của Định chế Linh mục] theo quan điểm đồng nghị truyền giáo;

Một số vấn đề thần học và giáo luật liên quan đến các hình thức thừa tác vụ cụ thể;

Việc sửa đổi, theo quan điểm truyền giáo đồng nghị, các tài liệu liên quan đến mối quan hệ giữa các Giám mục, đời sống thánh hiến và các hiệp hội trong Giáo hội;

Một số khía cạnh về con người và thừa tác vụ của Giám mục (tiêu chuẩn lựa chọn ứng viên vào chức vụ Giám mục, chức năng tư pháp của các Giám mục, tính chất và tiến trình của các chuyến viếng thăm tông đồ ad limina) từ góc độ đồng nghị truyền giáo;

Vai trò của các Đại diện của Giáo hoàng theo viễn ảnh đồng nghị truyền giáo;

Các tiêu chuẩn thần học và các phương pháp luận đồng nghị để chia sẻ sự phân định các vấn đề gây tranh cãi về tín lý, mục vụ và đạo đức;

Việc tiếp nhận những thành quả của hành trình đại kết trong các thực hành của Giáo hội.

Trong lá thư ngày 22 tháng 2 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi ĐHY Grech ra lệnh thành lập các nhóm nghiên cứu này, Đức Giáo Hoàng nói rằng các nhóm phải bao gồm không chỉ các viên chức giáo triều, mà cả các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới, không chỉ tập hợp chuyên môn của họ mà còn cả “các kinh nghiệm đương thời trong dân Chúa quy tụ tại các giáo hội địa phương.”

Các nhóm nghiên cứu này đã bắt đầu công việc của họ và được giao nhiệm vụ phát triển một kế hoạch làm việc mà họ sẽ trình bày trong cuộc họp thượng hội đồng vào tháng 10 năm nay. Họ đã được yêu cầu kết thúc nghiên cứu của mình và trình kết quả lên Đức Giáo Hoàng trước tháng 6 năm 2025.

Do có nhiều vấn đề đang được giải quyết, các nhóm nghiên cứu đang hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Thần học Quốc tế, Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng và ủy ban Giáo luật được thành lập với sự đồng ý của Bộ Văn bản Lập pháp.

Tài liệu cho biết, các chuyên gia tham gia nhóm nghiên cứu phải đến từ nhiều hậu cảnh văn hóa và địa lý khác nhau, họ phải đại diện cho các lĩnh vực chuyên môn khác nhau và phải bao gồm cả nam lẫn nữ.

Văn phòng Thượng Hội đồng Giám mục của Vatican cũng sẽ thành lập một “Diễn đàn thường trực” để khám phá sâu hơn các khía cạnh thần học, pháp lý, mục vụ, tâm linh và truyền thông của “tính đồng nghị của Giáo hội”.

Các nhà tổ chức nhấn mạnh hôm thứ Năm rằng các nhóm, mặc dù được thành lập để đáp lại Thượng Hội đồng, nhưng không phải là một phần của Thượng hội đồng, mà là một sáng kiến cá nhân của Đức Giáo Hoàng được thiết kế để tồn tại lâu hơn chính Thượng hội đồng về tính đồng nghị.

Phát biểu với báo chí, ĐHY Hollerich cho biết chủ đề cụ thể của Thượng Hội đồng “là tính đồng nghị. Rất nhiều chủ đề được đưa ra từ dân Chúa, nhưng không thể xử lý tất cả các chủ đề này trong một thượng hội đồng”.

Ngài nói: “Cần phải có một sự suy tư nào đó, vì vậy Đức Giáo Hoàng đã đảm nhận trách nhiệm của mình với tư cách là mục tử của Giáo hội hoàn vũ” để khám phá các vấn đề cụ thể được quan tâm rộng rãi.

Tương tự như vậy, Nữ tu Simona Brambilla, tân thư ký của Bộ Đời sống Thánh hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ của Vatican, cho biết Thượng Hội đồng “không phải về chủ đề này hay chủ đề kia”.

Bà nói: “Điều quan trọng là làm thế nào để suy tư theo cách đồng nghị”, đồng thời cho biết Giáo hội ở các bình diện khác nhau “phải làm rõ cách thực hiện sự suy tư này theo cách đồng nghị” và “cùng nhau đồng hành” trong việc giải quyết các chủ đề quan trọng được nhiều người quan tâm.

Bà nói, điều này “áp dụng cho tất cả các chủ đề” trong Thượng Hội đồng, xem xét cách chúng được nêu lên, cách suy gẫm về chúng và cách sống chúng “theo cách thức đồng nghị…không phải về chủ đề này hay chủ đề kia, mà là tính đồng nghị.”

Vũ Văn An

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS