Linh mục mới truyền chức có phải là là vị đồng tế trong thánh lễ truyền chức của họ không?

Nghe bài này

Giải đáp phụng vụ: Linh mục mới truyền chức có phải là là vị đồng tế trong thánh lễ truyền chức của họ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Liệu linh mục mới được truyền chức đọc các phần riêng của Kinh nguyện Thánh Thể không? Bối cảnh là như sau: Trong một Thánh Lễ truyền chức, một trong các linh mục của chúng tôi không cho phép tân linh mục đọc một phần của Kinh Nguyện Thánh Thể dành cho vị đồng tế. Ngài lập luận rằng tân linh mục không phải là vị đồng tế từ đầu Thánh lễ, bời vì vị này không đi vào lễ đồng tế như là một linh mục, nhưng (tất nhiên) như là một phó tế. – A. P., Thành phố Tagaytay, Philippines.

Đáp: Linh mục ấy nói sai rồi.

Sách Nghi Thức Giám Mục, số 518, gợi ý tiêu chuẩn hoàn toàn trái ngược với tiêu chuẩn được linh mục ấy đề nghị. Số 518 nói:

“Tất cả các linh mục đồng tế với vị Giám mục trong Thánh lễ truyền chức của họ. Thật là phù hợp nhất khi Đức Giám Mục thừa nhận các linh mục khác đến đồng tế; trong trường hợp này và trong ngày này, các tân linh mục được dành chỗ nhất, trước các linh mục khác trong lễ đồng tế”.

Sau đó, số 540 quy định rằng sau khi lễ truyền chức hoàn tất:

“Trong phụng vụ Thánh Thể, nghi thức lễ đồng tế phải được tuân giữ, nhưng việc chuẩn bị chén thành được bỏ qua [bởi vì nó đã được chuẩn bị trong phần nghi thức diễn nghĩa cũa lễ truyền chức rồi].”

Do đó, sự hiện diện của các vị đồng tế khác ngoài các tân linh mục, trong khi được khuyến khích, không phải là một điều nhất thiết. Trong trường hợp chỉ có tân linh mục, rõ ràng rằng họ giữ vai trò là vị đồng tế, và đọc các phần dành cho họ.

Tương tự như vậy, lập luận rằng tân linh mục không được đọc một phần Kinh Nguyện Thánh Thể là có vẻ vô lý, khi họ phải đọc các phần trung tâm của Kinh nguyện này, đặc biệt là phần Truyền phép. Dẫu sao, đây là thánh lễ đầu tiên của các vị trong đời linh mục.

Việc tân linh mục đọc Lễ quy cũng có trong hình thức ngoại thường, mặc dù hình thức này không tính đến việc đồng tế.

Trong hình thức này, các tân linh mục quỳ, đọc các lời nguyện của Thánh Lễ cùng với vị Giám mục, bắt từ kinh “Suscipe sancte Pater” trở về sau. Tuy nhiên, họ không thực hiện các nghi lễ chỉ dành cho Giám mục. Khi rước lễ, họ rước Mình Thánh ngay sau khi Giám mục rước Máu Thánh. Trong trường hợp các tân linh mục, Giám mục cho rước lễ, bỏ qua công thức thông thường.

Một số nhà thần học gợi ý rằng các đặc thù riêng của nghi thức truyền chức trong hình thức ngoại thường là phần sót lại của các thực hành cổ xưa của việc đồng tế vẫn còn trong Giáo Hội Latinh, trước khi sự phục hồi được Công Đồng chung Vatican II thực hiện.

Sự thực hành việc đồng tế vẫn tiếp tục liên tục trong hầu hết các Giáo Hội Đông Phương. Trong Giáo Hội Latinh, nó dường như đã dần dần biến mất. Việc nhắc đến nó lần cuối là vào khoảng năm 1140, nhưng chỉ dành cho Thánh Lễ thứ ba của lễ Giáng sinh ở Rôma. Đức Thánh Cha Innocent III (1198-1216) đã biết về việc thực hành, nhưng có ý kiến rằng nó không còn diễn ra vào thời Ngài. Dấu vết sớm nhất của việc đọc chung Lễ quy trong lễ đồng tế là vào dịp lễ tấn phong một Giám mục mới, trong một Sách nghi thức Giám mục ổ thế kỷ XII, và rằng việc đọc chung của tân linh mục xuất hiện lần đầu tiên trong sách Nghi thức của Giáo triều Rôma kể từ thế kỷ XIII.

Do sự gián đoạn của nhiều thế kỷ trong các bằng chứng tài liệu, thật khó để chứng minh rằng việc việc đọc chung Lễ quy bởi các tân linh mục là một sự tiếp nối trực tiếp của việc thực hành xưa của việc đồng tế. Tuy nhiên, việc đưa nó vào trong các bản thảo thời trung cổ của Sách nghi thức Rôma có thể đã chịu ảnh hưởng bởi các nguồn, vốn không còn hiện hữu nữa. (Zenit.org 4-6-2013)

Nguyễn Trọng Đa

LỜI CHÚA MỖI NGÀY

BÀI MỚI NHẤT

VATICAN NEWS

VIETCATHOLIC NEWS