Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ba Lan đã nói rằng đường lối của Vatican đối với Nga là “ngây thơ và hoang tưởng.”
Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki đã đưa ra nhận định trên trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Công Giáo Ba Lan KAI được công bố vào ngày 23 tháng 5, sau chuyến thăm từ ngày 17 đến 20 tháng 5 tới Ukraine.
Vị tổng giám mục 72 tuổi đã được hỏi về cuộc gặp gỡ của ngài tại thủ đô Kyiv của Ukraine với Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh.
Đức Cha Gądecki lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận được một “bản ghi nhớ đặc biệt” về “chính sách phương Đông hiện tại” của Vatican. Đức Tổng Giám Mục Gądecki đã trình bày tài liệu này cho Đức Giáo Hoàng trong một buổi tiếp kiến riêng ngày 28 tháng Ba.
Đức Cha Gądecki nói với KAI: “Theo tôi, đường lối của Vatican đối với Nga nên thay đổi theo hướng chín chắn hơn, vì đường lối trong quá khứ và hiện tại có vẻ rất ngây thơ và hoang tưởng.”
“Tất nhiên, mục tiêu thiết lập các cuộc tiếp xúc và đối thoại là cao cả, dựa trên thực tế rằng nước Nga lớn mạnh và đáng được tôn trọng. Nhưng điều này không đi kèm với sự phản ánh đủ nghiêm túc về phần của Vatican”.
“Đối với Nga, Vatican là một thực thể quan trọng, nhưng đồng thời Nga cũng muốn sỉ nhục Vatican, như chính Putin đã nhiều lần thể hiện bằng cách cố tình đến muộn hàng giờ cho cuộc gặp đã lên lịch với Đức Giáo Hoàng.”
Đức Tổng Giám Mục Gądecki đã đề cập đến các cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nga Putin và Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican vào các năm 2013, 2015 và 2019. Putin được tường trình đã trễ 50 phút trước buổi tiếp kiến của Giáo hoàng vào năm 2013, muộn 70 phút vào năm 2015 và gần một giờ vào năm 2019.
Đức Tổng Giám Mục nói thêm: “Tòa thánh nên hiểu rằng trong quan hệ với Nga, cần phải thận trọng hơn, tối thiểu là vì theo kinh nghiệm của các nước Trung và Đông Âu, có vẻ như nói dối là bản chất thứ hai trong nền ngoại giao của Nga”.
Vị Tổng Giám Mục của tổng giáo phận Poznań, trung tây Ba Lan, cho rằng chính sách ngoại giao của Vatican trong lịch sử đã “đánh giá thấp” các quốc gia ở Trung và Đông Âu.
Nhắc đến Chân phước Stefan Wyszyński, người đã lãnh đạo Giáo hội Ba Lan trong thời kỳ cộng sản, ngài nói: “Đức Hồng Y Stefan Wyszyński đã cố gắng thay đổi điều này, nhưng tôi không nghĩ ngài đã thành công. Chính sự Quan phòng, những nỗ lực và quyết tâm của Ngài, chứ không phải những nỗ lực ngoại giao của Tòa thánh đã cứu Giáo hội ở Ba Lan. Một sự thay đổi căn bản chỉ được thực hiện bởi triều đại Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, nhưng bây giờ chúng ta dường như đang trở lại đường lối cũ. “
Đức Tổng Giám Mục Gądecki thừa nhận rằng Tòa thánh cam kết trung lập trong các vấn đề quốc tế. “Chính sách ngoại giao của Vatican – nhận thức được rằng các Kitô hữu thường chiến đấu ở cả hai bên – cho nên không chỉ trích bên xâm lược mà cố gắng làm mọi thứ có thể để đạt được một kết luận hòa bình thông qua các nỗ lực ngoại giao”.
“Nhưng ngày nay, trong tình hình chiến tranh, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, là Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là Tòa thánh ủng hộ Ukraine ở mọi cấp độ và đừng chạy theo những ý tưởng hoang tưởng lấy từ thần học giải phóng.”
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Cha Gądecki đã kể về chuyến thăm đoàn kết của ngài tới Ukraine trong phái đoàn bao gồm Đức Tổng Giám Mục Wojciech Polak, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Budzik của Lublin, miền Đông Ba Lan, và một linh mục Ba Lan.
Các giám mục Ba Lan đã gặp Đức Tổng Giám Mục Mieczysław Mokrzycki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục theo nghi thức Latinh của Ukraine, tại Lviv, miền Tây Ukraine, cũng như Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk ở Kyiv. Các ngài cũng đến thăm các thành phố được giải phóng là Irpin và Bucha để cầu nguyện cho những người Ukraine thiệt mạng dưới sự chiếm đóng của Nga.
Đức Tổng Giám Mục Gądecki cũng nói với KAI rằng ngài đã thảo luận về bức thư gần đây của mình bày tỏ “mối quan tâm của tình huynh đệ” về “Tiến Trình Công Nghị” của Đức với Đức Tổng Giám Mục Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh.
Trong thư gửi chủ tịch hội đồng giám mục Đức, Đức Cha Georg Bätzing, Đức Tổng Giám Mục Gądecki đã đặt câu hỏi liệu sáng kiến tập hợp các giám mục và giáo dân của Đức có bắt nguồn từ Phúc âm hay không.
“Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã thông báo với tôi rằng Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, rất biết ơn về bức thư gửi cho Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, trong đó tôi đã phê bình đường lối của Thượng hội đồng Đức,” Tổng giám mục Ba Lan nói trong buổi phỏng vấn.