Trung Quốc và Vatican gia hạn thỏa thuận
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican vẫn chưa thể ổn định và Đức Giáo Hoàng đang tìm kiếm một thỏa thuận mới với chính quyền Trung Quốc trong bối cảnh phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đang diễn ra ở Hương Cảng, vì các hoạt động ủng hộ dân chủ của ngài.
Thỏa thuận giữa Đức Giáo Hoàng và nhà cầm quyền Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo đã đạt được lần đầu tiên vào năm 2018, và cho đến nay nội dung chính xác của nó vẫn được giữ bí mật. Thỏa thuận này sẽ được gia hạn hai năm một lần, trong đó nhà cầm quyền Trung Quốc được lựa chọn các Giám Mục và Đức Giáo Hoàng chỉ được quyền phê chuẩn trong phạm vi danh sách mà Trung Quốc đưa ra.
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận này trong một dịp khác nhau. Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, tin rằng mọi thứ chỉ trở nên tồi tệ hơn kể từ khi thỏa thuận được ký kết. Cô giải thích: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phá hủy tất cả, và thắt chặt sự tuân thủ các giáo điều của nó đối với Giáo Hội yêu nước”.
Các nhà ngoại giao của Vatican bảo vệ thỏa thuận bằng cách giải thích rằng cần phải tìm ra một lối thoát, ngay cả khi không đạt yêu cầu, khi một tình huống có vẻ như không thể khắc phục được.
Việc ký kết thỏa thuận vào năm 2018 đã cho phép chính thức hóa 7 giám mục, những người đã được bổ nhiệm mà không có sự chấp thuận của Vatican. Trong số đó, theo trang web Công Giáo Pháp Le Salon Beige, có cả Giám mục Lôi Thế Ngân (Paul Lei Shiyin, 雷世银), một người đang sống với vợ và con, đã được tấn phong mà không có sự chuẩn y của Đức Giáo Hoàng vào năm 2011. Ông ta thậm chí còn có vợ bé, là một điều không được phép ngay cả đối với luật lệ của cộng sản Trung Quốc, dẫn đến các vụ đánh ghen gây náo động Tòa Giám Mục. Đức Thánh Cha Phanxicô đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông của ông ta theo thỏa thuận bí mật giữa Tòa thánh và Cộng sản Trung Quốc. Vị giám mục được đề cập cũng được biết là đã cử hành một thánh lễ trong giáo phận của mình để vinh danh sự ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Việc gia hạn thỏa thuận vào năm 2022 được cho là sẽ đi kèm với các điều khoản mới, chẳng hạn như việc thành lập “phái đoàn nghiên cứu” của Tòa thánh ở Bắc Kinh. Phái đoàn nghiên cứu như vậy đã tồn tại ở Hương Cảng. Nhưng ở Bắc Kinh, mục đích của nó sẽ khác: nó sẽ đánh dấu nỗ lực đầu tiên của Vatican trong việc đổi mới quan hệ ngoại giao với Trung Quốc kể từ năm 1951. Tuy nhiên, cơ chế này sẽ không phải là một sứ thần, vì việc thành lập một sứ thần ở Bắc Kinh có nghĩa là Tòa Thánh phải đóng cửa tòa sứ thần hiện có ở Đài Bắc, Đài Loan. Vatican là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có cơ quan đại diện ngoại giao chính thức với chính phủ Đài Loan.
Đức Thánh Cha đã muốn tận dụng chuyến đi đến Kazakhstan để có cuộc gặp gỡ với Tập Cận Bình, là người đang đến thăm ở đó, nhưng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha đã không nhận được phản ứng thuận lợi.
Trung Quốc và Vatican gia hạn thỏa thuận của họ