Sáng kiến “Giờ Trái đất” được phát động bởi Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), một tổ chức đã hoạt động từ năm 1961. Theo lời kêu gọi của Tổ chức, vào tối thứ Bảy từ 20:30 đến 21:30, trên khắp thế giới, các công trình biểu tượng của các thành phố không được thắp sáng để tượng trưng cho điều kiện khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng đến hành tinh.
Quốc gia Thành Vatican cũng đã tham gia sáng kiến “Giờ Trái đất”: tối thứ Bảy, tất cả đèn chiếu sáng của mái vòm, mặt tiền của Đền thờ Thánh Phêrô và hàng cột được tắt, chỉ còn lại một số đèn vẫn sáng vì lý do an ninh.
Giờ Trái đất là cuộc huy động toàn cầu lớn nhất chống lại biến đổi khí hậu. Bắt đầu từ hành động mang tính biểu tượng tắt đèn trong một giờ, sáng kiến liên kết người dân, các tổ chức và doanh nghiệp trong một mong muốn chung, đó là mang lại cho thế giới một tương lai bền vững và chiến thắng thách đố của biến đổi khí hậu, một tác động ngày càng đáng lo ngại.
Kể từ lần đầu tiên năm 2007, lúc đó chỉ có thành phố Sidney tham gia, sáng kiến này đã nhanh chóng lan rộng đến mọi nơi trên hành tinh. Các công trình biểu tượng ở Roma như Hí trường Colosseo và Quảng trường Navona; Tượng đài Chúa Cứu Thế của Rio; Tháp Eiffel ở Paris; Cầu Bosphorus và nhiều nơi khác đèn cũng được tắt hết.
Tại Ý, hơn 300 thành phố cũng đã tham gia sáng kiến này cùng với các sự kiện liên quan dành cho thiếu nhi và gia đình.
Năm nay, nhân sự kiện này, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên mời gọi mọi người cùng lên tiếng nói với thiên nhiên, yêu cầu bảo đảm các giá trị thiên nhiên dành cho con người. Đó là cơ sở cho sức khỏe, hạnh phúc, thực phẩm, nước và không khí của mọi người. Bởi vì, như Chủ tịch Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên của Ý, bà Donatella Bianchi tuyên bố: “Bảo vệ đa dạng sinh học có nghĩa là bảo vệ tương lai của nhân loại và chất lượng cuộc sống của chúng ta trên hành tinh”.
Ngọc Yến – Vatican News